Lối tư duy, nhận định phản khoa học của ông Lê Hiếu Đằng

Thứ Ba, 27/08/2013, 19:18
Mấy ngày gần đây, người ta hay nói nhiều về bài viết đăng trên các website không chính thống “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh…” của ông Lê Hiếu Đằng, đòi “thanh toán”, “tính sổ” với Đảng Cộng sản Việt Nam, ra sức cổ súy cho các thế lực phản cách mạng, hết lời ca ngợi chế độ cũ, phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin…

Rất nguy hiểm là ông ta đã thách thức pháp luật, kêu gọi xóa bỏ chế độ chính trị hiện hành, cho rằng, ở Việt Nam “không thể không đa nguyên, đa đảng được”, “điều 4 Hiến pháp hiện nay là vô nghĩa”.

Ông ta viết: “Vậy tại sao chúng ta hàng trăm đảng viên không tuyên bố tập thể ra khỏi Đảng và thành lập một Đảng mới, chẳng hạn như Đảng Dân chủ xã hội”… Bài viết thể hiện lối tư duy, những nhận định hàm hồ, phản động, phản khoa học.

“Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập” – đó là một khẩu hiệu quá cũ trong rất nhiều các luận điệu của các thế lực thù địch, phản động chống Việt Nam từ trước đến nay. Tại sao ở Việt Nam hiện nay không cần thiết phải đa đảng, bởi vì, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam – đó là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử.

Ở Việt Nam, có thể nói, không có một tổ chức nào trong xã hội lại có cơ sở xã hội rộng lớn như Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ trương, đường lối của Đảng trong mỗi thời kỳ cách mạng đều nhận được sự tin theo, đồng tình, ủng hộ và chuyển thành hành động hưởng ứng của đông đảo các giai cấp, các tầng lớp nhân dân ở mọi lứa tuổi, trình độ, giới tính, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước hay kiều bào ở nước ngoài…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do – nội dung cốt lõi và là tiền đề cơ bản nhất của dân chủ. Tất cả những điều đó chứng tỏ, ở Việt Nam chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới xứng đáng và có khả năng lãnh đạo nhân dân xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Trong hơn 83 năm qua, ở Việt Nam cũng có thời kỳ đa đảng. Năm 1946, ngoài Đảng Cộng sản còn có sự tồn tại của hai đảng đối lập (Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội). Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Sau đó, có thời kỳ ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, còn tồn tại Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam. Cả hai đảng này đều thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tồn tại một thời gian, hai đảng này sau đó đã tuyên bố tự giải tán do không được nhân dân ủng hộ, không còn cơ sở xã hội. (Nào có bị ai “bức tử” như sự vu cáo của ông Đằng). Như vậy, vai trò duy nhất lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sản phẩm tự nhiên mang tính khách quan của lịch sử đất nước.

Đến đây có thể khẳng định, không phải số lượng đảng phái của một nước quyết định mức độ dân chủ của nước đó, không phải cứ đa nguyên, đa đảng thì nền kinh tế sẽ phát triển, xã hội sẽ ổn định, chính trị sẽ vững mạnh, mà cần phải phù hợp với hoàn cảnh, lịch sử của từng nước.

Ý tưởng chính của ông Lê Hiếu Đằng đòi “tính sổ” với Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi đa nguyên, đa đảng, kêu gọi các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ Đảng để ra thành lập một đảng mới, để làm đối trọng với Đảng Cộng sản Việt Nam… Đây là điều đã xảy ra nhan nhản ở một số quốc gia trong thời gian qua, dẫn tới cảnh nồi da xáo thịt như đã thấy nhãn tiền ở các nước mà hằng ngày mọi người chứng kiến trên truyền hình…

Rõ ràng đây là biểu hiện của sự suy thoái, chủ nghĩa cơ hội, phản động, khoác áo “vì dân chủ” nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, giành quyền lợi ích kỷ cho bản thân, làm cho xã hội Việt Nam bất ổn, mặc kệ hậu quả tiêu cực đối với nhân dân.

Thiết nghĩ, nếu chúng ta thực sự tâm huyết với đất nước, hãy cùng chung tay với Đảng để xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, xây dựng đất nước ổn định, hòa bình, phát triển.

Suy nghĩ lệch lạc của ông Lê Hiếu Đằng không thể đại diện cho tiếng nói của đảng viên

Tôi năm nay 65 tuổi đời, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đọc bài viết “Suy nghĩ trong những ngày nằm bệnh” của ông Lê Hiếu Đằng được ông Nguyễn Huệ Chi biên tập và đăng tải trên mạng, tôi thực sự thấy buồn cho một người như ông Đằng, trong những ngày tháng cuối của tuổi già lại mắc sai lầm, suy nghĩ lệch lạc.

Tôi không hiểu ông Đằng là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã 45 tuổi Đảng, nhưng ngay trong phần mở đầu của bài viết, ông Đằng lại phát ngôn những từ ngữ như “thanh toán…, tính sổ…” cuộc đời, mang đầy tính tiêu cực, mang tính kích động không đúng với tư cách của người đảng viên. Chúng tôi, những đảng viên đã từng rèn luyện, phấn đấu và được đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản.

Đó chính là niềm vinh dự, tự hào, thể hiện ước mơ, hoài bão của bao thế hệ thanh niên ưu tú, để được cống hiến cho đất nước, vì một đất nước công bằng, dân chủ, văn minh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xuất thân từ gia đình nhà nông, tôi và con cháu đều được học hành, được đối xử công bằng. Cuộc sống an bình trong một xã hội bình ổn về an ninh chính trị. Không nói đâu xa, chỉ từ năm 1990 đến nay, đời sống của đại đa số người dân quê tôi đều khấm khá hẳn lên, có của ăn của để, diện mạo nông thôn và thành thị thay đổi phát triển ngày càng khang trang tươi đẹp, phải khẳng định đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam. Tất nhiên, trong quá trình phát triển cũng có một số ít cán bộ đảng viên chưa gương mẫu, có sai lầm khuyết điểm, đó là những con sâu đã và đang được tổ chức Đảng các cấp xử lý theo điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ấy vậy mà không hiểu sao, những ngày nằm trên giường bệnh, ông Đằng lại có thể viết ra những dòng chữ thể hiện suy nghĩ lệnh lạc, coi Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam là nhà nước độc tài toàn trị, kêu gọi thành lập một đảng mới… Theo suy nghĩ của tôi, chính tư tưởng của ông Đằng và bài viết của ông đã nói rằng ông là người rất có vấn đề?                          

Đáng tiếc thay, là người có hiểu biết, đã từng đóng góp cho cách mạng, được tín nhiệm giữ chức vụ trong Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, thế nhưng ông Lê Hiếu Đằng lại tự đánh mất mình, đánh giá sai về Đảng và tự phủ nhận những cống hiến của ông đã gây dựng suốt bao năm qua, phủ nhận sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đọc bài viết của ông Đằng, tôi thấy buồn cho ông vì ông viết không còn sự tỉnh táo khi đề cập tới việc Nhà nước có cho phép tù nhân được ra ngoài nhà tù để đi thi tú tài như trường hợp của ông thời trước. Là một người dân bình thường, ai cũng hiểu rằng, đối với Nhà nước Việt Nam, người gây tội phải chịu tội, chịu sự nghiêm minh của pháp luật, phải được đưa ra xét xử và chấp hành hình phạt của pháp luật.

Nhà nước thể hiện sự khoan hồng với phạm nhân khi họ cải tạo tốt, hoàn lương thì được xét đặc xá, ra tù sớm. Bởi nếu phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù mà được cho ra tù tự do có thể gây án tiếp, gây mất an ninh, trật tự cho xã hội.

Chẳng hiểu ông so sánh kiểu gì vậy? Phải chăng, do ông Đằng bất mãn, không đạt được các mục đích cá nhân mới có bài viết với suy nghĩ lệch lạc như vậy? Và tôi có thể khẳng định rằng, bài biết của ông Đằng là lệch lạc, không thể đại diện cho tiếng nói của những người đảng viên chân chính…

Ông Phạm Xuân Mai, cán bộ hưu trí, phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội

Thế Kỳ
.
.
.