Lời cảnh tỉnh “ảo vọng nhân quyền”!

Thứ Hai, 15/12/2014, 11:08
Không ít người lâu nay vẫn tự ví nước Mỹ là “thiên đường tự do”, là nơi mẫu mực về đảm bảo nhân quyền, từ đó mỗi khi trong nước có những vấn đề mà họ chưa hài lòng thì số này lại tìm ảo vọng phía Tây bán cầu, mong sự “hà hơi” giúp sức.

Có lẽ cũng phần nào cũng bị “nhiễm” sự suy tôn ấy nên hằng năm, Bộ Ngoại giao Mỹ đều đặn có báo cáo về tình hình nhân quyền của các quốc gia trên thế giới. Đã thành thông lệ, cứ sau mỗi bản báo cáo nhân quyền do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, y như rằng những nước bị khép vào danh sách “cần quan tâm” đều có phản ứng, cho rằng bản báo cáo thiếu khách quan, đưa nhiều nội dung sai sự thật, gây ảnh hưởng đến hoạt động đối nội, đối ngoại của họ.

Với khoảng 9,83 triệu km², 316 triệu dân, Mỹ là quốc gia lớn thứ ba về tổng diện tích và thứ ba về dân số trên thế giới. Đây cũng là một trong những quốc gia đa dạng chủng tộc nhất trên thế giới do kết quả của những cuộc di dân đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Riêng nền kinh tế quốc dân của Mỹ lớn nhất thế giới, với tổng sản phẩm nội địa (GDP) được ước tính trên 14,3 ngàn tỉ đô la. Tuy nhiên, những con số trên chỉ có ý nghĩa, tác động ảnh hưởng trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội, chứ không thể bao quát trên mọi khía cạnh đời sống.

Riêng về lĩnh vực nhân quyền, trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền năm 1948 không có quy định nào nói về sự chi phối giữa nước này với nước kia, không có sự phân biệt thể chế chính trị, địa vị, quyền lực kinh tế. Trong lời nói đầu, bản Tuyên ngôn viết: “Xét rằng: Trong Hiến chương, các dân tộc của cộng đồng Liên hiệp quốc đã lại một lần nữa xác định niềm tin vào những quyền căn bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị con người, vào quyền bình đẳng nam nữ và cũng đã quyết định cổ vũ cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn. Xét rằng: Các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên hiệp quốc, nhằm cổ vũ việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Xét rằng: Sự hiểu biết chung về nhân quyền và tự do là điều tối quan trọng để có thể thực hiện đầy đủ sự cam kết trên”. Tại Điều 2, Tuyên ngôn ghi: “Mọi người đều được hưởng tất cả những quyền và tự do được công bố trong bản tuyên ngôn này và không có một sự phân biệt nào, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay tất cả quan điểm khác, quốc tịch hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nơi sinh, hay tất cả những hoàn cảnh khác. Hơn nữa, cũng không được có sự phân biệt nào đối với con người sống trên một quốc gia hay trên một lãnh thổ, căn cứ trên cơ chế chính trị, nền tảng luật pháp, hay quy chế quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ đó…”. Như vậy, việc dùng quyền của quốc gia này để phán quyết hay áp đặt một quốc gia khác về nhân quyền là không đúng với tinh thần bản Tuyên ngôn.

Hồi cuối tháng 11/2014, Đại sứ phụ trách vấn đề nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Nga Konstantin Dolgov nói: “Mỹ đừng làm thầy dạy nhân quyền cho nước khác”. Bình luận này được xem là một trong những bình luận sắc bén nhất trước tình trạng những hình ảnh bạo lực từ Ferguson lan tỏa khắp thế giới (vụ bạo loạn ở Ferguson, bang Missouri phản ánh sự căng thẳng âm ỉ trong lòng nước Mỹ về nạn phân biệt chủng tộc). Và cuối tuần qua, làn sóng phản ứng, lên án Mỹ vi phạm nhân quyền được đẩy lên cao trào sau khi Thượng viện Mỹ tiết lộ chương trình tra tấn tù nhân của Mỹ. Làn sóng chỉ trích đã bùng lên mạnh mẽ từ Liên hiệp quốc và nhiều quốc gia, trong đó bao gồm cả những nước được xem là đồng minh thân cận của Washington. Liên hiệp quốc tuyên bố chương trình tra tấn tù nhân của cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vi phạm luật quốc tế cấm tra tấn và các quyền cơ bản của con người. Rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có những nước thường nằm trong danh sách bị Mỹ cáo buộc vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, Iran và kể cả những nước được cho thân Mỹ. Nhiều tổ chức quyền con người đã yêu cầu Tổng thống Barack Obama thực thi hành động pháp lý đối với các đối tượng vi phạm nhân quyền.

Sự kiện này một lần nữa đặt ra vấn đề: Ai có quyền phán quyết, đánh giá về nhân quyền nước khác và ứng xử với hành vi vi phạm nhân quyền ra sao? Rõ ràng, quốc gia này không thể lấy quyền gì để phán quyết nhân quyền nước khác như cách mà Bộ Ngoại giao Mỹ thường làm. Thứ hai, ngay ở Mỹ, vi phạm nhân quyền, thậm chí rất nghiêm trọng như các diễn biến trên cho thấy, nhân quyền dù là mục đích cao cả nhân loại hướng tới và bảo vệ thì nó cũng không thể đảm bảo tuyệt đối, chưa kể có sự vi phạm cố ý và nghiêm trọng. Nếu như Mỹ tự nhận “thầy dạy nhân quyền” thì trước hết phải gương mẫu xử lý ngay những vấn đề vi phạm nhân quyền nổi cộm ở nước mình để làm gương. Thực tế là điều ấy vẫn rất mơ hồ.

Quan hệ Việt Nam – Mỹ đang phát triển tích cực trên nhiều phương diện và nếu như ai đó vẫn coi nhân quyền là cái nắp để cản trở, gây khó khăn thì đã đến lúc phải tự soi chiếu lại bởi không ai là thầy dạy nhân quyền và cũng không ở đâu bảo đảm tuyệt đối được nhân quyền. Với những đối tượng cơ hội luôn tìm cách bấu víu nhân quyền như một lớp áo để làm bàn đạp thực hiện mưu đồ chống phá thì thực trạng trên chính là lời cảnh tỉnh rõ ràng. Nhân quyền, trước hết tự mình phải bằng động cơ, hành vi tích cực để được con người, tổ chức nơi mình sinh ra thực hiện đảm bảo. Cáo chết còn biết quay đầu về núi, đừng mơ hồ, ảo tưởng trông cậy ở một lời hứa hão huyền nào đó mà hành động ngông cuồng, chống phá nơi đã sinh, nuôi dưỡng chính mình.

Đăng Trường
.
.
.