Vấn đề Biển Đông dưới góc nhìn của các chuyên gia tình báo, quân sự:

Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh

Thứ Hai, 25/08/2014, 16:21
Là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới với những đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu-châu Á, Trung Đông- châu Á, Biển Đông đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng quốc tế, nhất là khi Trung Quốc ngày càng thể hiện bằng hành động về kế hoạch biến vùng biển này thành “ao nhà”.

Theo các chuyên gia tình báo, quân sự, không khó để nhận ra ý đồ thực sự của Bắc Kinh trong việc hạ đặt giàn khoan sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông, đề xuất “Con đường tơ lụa trên biển” hay cho xuất bản tấm bản đồ dọc “ôm trọn” Biển Đông… Vì thế, không chỉ các quốc gia láng giềng với Bắc Kinh mà cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ những yêu sách mơ hồ, duy trì hiện trạng trên Biển Đông, trả lại sự yên bình và an toàn hàng hải cho vùng biển này.

Đánh đổ những yêu sách vô lý

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới bên lề hội thảo quốc tế mang tên “Hoàng Sa-Trường Sa: Sự thật lịch sử” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng hồi cuối tháng 6, Tướng Daniel Schaeffer, chuyên gia của Bộ Quốc phòng Pháp chuyên nghiên cứu về Biển Đông nhấn mạnh rằng, các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải buộc Trung Quốc từ bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” và gần đây là “tấm bản đồ dọc gồm đường 10 đoạn ở Biển Đông”. Đồng thời, Tướng Daniel Schaeffer cũng khẳng định: “Bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình, đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Hành động này là một bước đi mới trong tổng thể các hành động nhằm độc chiếm Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó”. Vì thế, theo Tướng Daniel Schaeffer, nếu cộng đồng quốc tế không làm gì để phản đối âm mưu này, “Trung Quốc sẽ được hưởng lợi bởi những va chạm nhỏ ban đầu, dần dần trở thành sự đã rồi”. Và chừng nào “đường lưỡi bò” còn tồn tại thì chừng đó không thể giải quyết được bất cứ điều gì bởi Bắc Kinh coi tất cả những gì nằm bên trong đường này đều thuộc lãnh thổ của họ.

Về vấn đề này, Chủ tịch Uỷ ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers trong cuộc hội thảo “Những xu hướng gần đây trên Biển Đông và chính sách của Mỹ” do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington (Mỹ) tổ chức hồi trung tuần tháng 7  cũng đưa ra các cáo buộc thẳng thắn đối với Trung Quốc. Ông Mike Rogers đã gọi những hành động hung hăng của Bắc Kinh là “tùng xẻo” Biển Đông và cho rằng, đã đến lúc không thể nhã nhặn với giới chức Trung Quốc mà cần phải tích cực, quyết liệt hơn trong những đối sách ngoại giao đối với Bắc Kinh. Chủ tịch Uỷ ban tình báo Hạ viện Mỹ còn kêu gọi Washington tăng cường chia sẻ thông tin tình báo cũng như hợp tác quân sự với các quốc gia khác trong khu vực để đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc, đồng thời cho Bắc Kinh nhận thấy họ không phải là sức mạnh duy nhất và chiếm ưu thế trong khu vực. Trong khi đó, hãng Euro News dẫn lời ông Patrick Cronin, Giám đốc chương trình an ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh Mỹ (CNAS) thì khẳng định: “Chúng ta phải thể hiện rõ để giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng những hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và uy hiếp bằng vũ lực là không thể chấp nhận được”.

Loạt 6 bức ảnh đăng tải trên tờ FreeRepulic phản ánh hành động gây hấn, vô nhân đạo của Trung Quốc trên Biển Đông khi một tàu của Trung Quốc cố tình truy đuổi, đâm va cho đến khi một tàu cá của Việt Nam bị chìm. Sau đó, các tàu của Trung Quốc còn ngăn cản không cho các tàu khác của Việt Nam đến cứu ngư dân trên tàu cá bị chìm. Vụ việc xảy ra hồi cuối tháng 5 và đã bị cả cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Phân tích kỹ hơn về mưu đồ của Trung Quốc, Chủ tịch Uỷ ban tình báo hỗn hợp Ấn Độ kiêm Phó cố vấn an ninh quốc gia SD Pradhan mới đây cũng chỉ ra rằng, ngoài việc đưa ra các khái niệm, Trung Quốc còn lựa chọn chính sách hung hăn hơn bằng việc chiếm các khu vực ở ngoại biên nước này. Các cuộc xâm lấn của Trung Quốc, như mô tả của ông SD Pradhan là có 3 xu hướng mới: tần suất xâm nhập gia tăng, lượng gia tăng và thời gian ở lại kéo dài thêm. Điều đó cho thấy, ở tất cả các khu vực, kể cả Biển Đông, Trung Quốc nhất quán theo đuổi chính sách lấn chiếm từng bước theo kiểu “cắt lát”. Chủ tịch Uỷ ban tình báo hỗn hợp Ấn Độ nhấn mạnh: “Các hành động nói trên của Trung Quốc đã vẽ ra một chiều mới rất nghiêm trọng trong an ninh các nước là lân bang của Trung Quốc. Các nước càng lún thì Trung Quốc càng lấn tới. Trung Quốc đang đập tan thế cân bằng sức mạnh địa chiến lược trong khu vực và điều này sẽ làm tổn thương mọi quốc gia và chỉ có thể ngăn ngừa bằng việc duy trì hiện trạng”.

Lẽ phải không thuộc về kẻ mạnh

Cho đến nay, những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông đang khiến cả cộng đồng thế giới lo ngại. Nhiều quốc gia đã tuyên bố, tuy không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng họ cũng không muốn đứng nhìn tuyến đường giao thông biển này bị ngăn chặn một cách bất hợp pháp. Chẳng hạn như Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro trong buổi tiếp Phó Chủ tịch quân ủy trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long sang thăm Indonesia đã nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn Biển Đông là một khu vực hòa bình và mở cửa, nơi các tàu thuyền hàng hải qua lại khu vực này”. Ông Purnomo Yusgiantoro bày tỏ quan điểm, vấn đề Biển Đông phải được đưa lên bàn đối thoại và Trung Quốc phải thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp tối ưu nhất.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia, nhiều tướng lĩnh quân sự và tình báo Mỹ trong đó có Chỉ huy lực lượng tác chiến của Hạm đội 7 thuộc hải quân Mỹ - Chuẩn đô đốc Mark Montgomery nói rằng, các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông nên được giải quyết bằng con đường ngoại giao rõ ràng giữa các nước liên quan cũng như theo quy định của luật pháp do tòa án thế giới phân định. Sự hiện diện của các tàu chiến trong khu vực Biển Đông chỉ làm tình hình thêm căng thẳng, làm tổn thương mọi quốc gia có liên quan và không đảm bảo được sự duy trì hiện trạng Biển Đông.

Trong trường hợp Trung Quốc vẫn tiếp tục có những động thái không tốt, từng bước khẳng định cái mà họ cho là “chủ quyền trên Biển Đông” thì các nước có cùng tranh chấp không thể cúi đầu chịu thua mà phải đấu tranh đến cùng vì quyền lợi đất nước và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nói về kinh nghiệm của Philippines khi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế, Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines, Tướng Emmanuel Bautista từng nói: “Quyết định “chọc giận” Trung Quốc là bước đi mạo hiểm trong ngắn hạn nhưng đó là đường lối hành động đúng đắn nhất hiện nay. Trung Quốc là một nước lớn, chúng tôi là một đất nước nhỏ bé. Chúng tôi có thể làm gì? Mang nói ra tòa, giải quyết thông qua biện pháp hòa bình”. Ủng hộ giải pháp hòa bình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, các vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông phải được giải quyết bằng luật pháp. Trong chuyến công du tới Washington D.C (Mỹ), khi trả lời một câu hỏi từ báo giới về việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý nuốt trọn gần hết Biển Đông, ông Lý Hiển Long nói: “Tôi nghĩ luật pháp quốc tế có trọng lượng lớn trong việc quyết định vấn đề tranh chấp lãnh thổ phải được giải quyết như thế nào”, chứ không phải “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh”

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.