Làm tốt công tác tư tưởng ở cơ sở, chống diễn biến hòa bình của thế lực thù địch

Chủ Nhật, 09/12/2012, 20:35
Công tác tư tưởng ở cơ sở là một bộ phận hợp thành trong hoạt động lãnh đạo của tổ chức Đảng, là một nội dung công tác trọng yếu của hệ thống chính trị cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng ở cơ sở là khâu cực kỳ quan trọng để phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, là hoạt động truyền bá và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm xây dựng thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cộng sản, giá trị đạo đức đúng đắn, xây dựng niềm tin và lối sống lành mạnh, tiến bộ, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tính chủ động và sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu“dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng ở cơ sở đã chủ động triển khai nhiệm vụ công tác tư tưởng, kết quả công tác tư tưởng đã góp phần đưa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo được sự nhất trí trong Đảng, sự đồng thuận của xã hội. Nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thông qua công tác triển khai của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã được nhân dân hào hứng, phấn khởi đón nhận và tự giác thực hiện đạt kết quả tốt như chủ trương “xóa đói, giảm nghèo”, phong trào “uống  nước nhớ nguồn”, hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa”, cuộc vận động “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” v.v... Công tác tư tưởng ở cơ sở còn góp phần tích cực trong việc tham mưu, đề xuất và vận động nhân dân đóng góp tài năng, sáng kiến cho các cơ quan lãnh đạo, quản lý để giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở như các tệ nạn xã hội, tranh chấp đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn v.v…

Tuy nhiên, công tác tư tưởng của Đảng ở cơ sở thời gian qua vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập là: Một số cấp ủy cơ sở còn coi nhẹ, buông lỏng công tác tư tưởng; việc đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, trang thiết bị và cơ chế, chính sách chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng cán bộ làm công tác tư tưởng ở cơ sở không được bồi dưỡng kịp thời về chuyên môn, nghiệp vụ, vừa thiếu, vừa yếu, không yên tâm công tác do chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng; hình thức tiến hành công tác tư tưởng còn đơn điệu, xơ cứng, thiếu hấp dẫn…

Những hạn chế đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng công tác tư tưởng của Đảng ở cơ sở, làm cản trở động lực cống hiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhiều vụ việc sai phạm của cán bộ không được xử lý triệt để gây dư luận bức xúc trong nhân dân, một bộ phận nhân dân giảm sút lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư ngày 16 tháng 1 năm 2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đã đề ra nhóm giải pháp về công tác tư tưởng của Đảng, là luồng gió mới về công tác tư tưởng.

Một trong những yêu cầu của công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới là bám sát thực tiễn cuộc sống ở cơ sở, kịp thời giải đáp những đòi hỏi của thực tiễn, làm cho công tác tư tưởng có sức sống và hiệu quả cao. Điều này càng đặc biệt quan trọng, khi mà kẻ xấu, các thế lực thù địch đang tiến hành chống phá ta ở cơ sở bằng luận điệu xuyên tạc, vu cáo kiểu “diễn biến hòa bình”. Vì thế, đòi hỏi các cấp ủy, ban tuyên giáo, các tổ chức quần chúng ở cơ sở kết hợp tạo thành “binh chủng tư tưởng” phải thường xuyên bám sát đời sống, sản xuất và mọi mặt hoạt động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phân công cán bộ, đảng viên, cấp ủy và quần chúng tích cực làm nòng cốt bám sát từng địa bàn, nắm vững tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân, kịp thời phản ánh cho cấp ủy, chính quyền về tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Khi có dấu hiệu không bình thường, hoặc có dư luận bức xúc cần giải đáp sự “tấn công” của kẻ xấu, cấp ủy phải nghiên cứu, bàn bạc và thống nhất cách giải quyết, đồng thời phân công cán bộ có uy tín, có kinh nghiệm giải quyết triệt để, không để kéo dài, gây bất bình trong nhân dân. Phát huy nhân tố tích cực trong nhân dân, dựa vào nhân dân để tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tạo thành sức mạnh mới ở cơ sở. Muốn vậy, cần đa dạng hóa các hình thức tiến hành công tác tư tưởng ở cơ sở, làm cho công tác tư tưởng luôn phong phú, sinh động, đáp ứng tốt yêu cầu của mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh. Khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất sẵn có và các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng ở cơ sở như truyền thống quê hương, dòng họ, gia đình, các phương tiện thông tin, truyền thông… tạo dựng môi trường xã hội tích cực trong cộng đồng dân cư. Tổ chức cơ sở đảng trở thành trung tâm tập hợp, đoàn kết, quy tụ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thiết thực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm phá sản âm mưu, thủ đoạn xấu của các thế lực thù địch.

Công tác tư tưởng ở cơ sở là một bộ phận hợp thành trong hoạt động lãnh đạo của tổ chức Đảng, là một nội dung công tác trọng yếu của hệ thống chính trị cơ sở. Nâng cao chất lượng công tác tư tưởng ở cơ sở là khâu cực kỳ quan trọng để phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc

N.Q.G.
.
.
.