Làm sao để giải quyết vấn nạn người lang thang?

Thứ Năm, 14/04/2005, 08:44
Góp mặt trong nhóm người lang thang hiện nay còn có các đối tượng nghiện ma tuý, gái mại dâm... Những đối tượng này gây ra không ít vụ án hình sự.

Không riêng ở đô thị Hải Phòng, tại nhiều tỉnh, thành phố, các chủ nhà hàng đều phàn nàn: Cứ mở cửa đón khách là phải đón luôn cả… ăn mày. Khách vừa ngồi đã có người miệng mời, tay tuột giày gạ "đánh".

Lại còn những trang nam nhi khi thì cặp kính, đôi giày, khi là vài chiếc ví da, bộ dạng làm như kẻ vừa mới "chôm" được hàng, suốt ngày vật vờ đầu đường cuối phố "săn" những vị khách ham của rẻ.

Chính vì vậy, trong những năm qua, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp theo cách riêng của mình để thu gom đối tượng lang thang.

Tại Hải Phòng, trong năm 2004 thành phố đã tập trung "gom giữ" 541 người lang thang ở dải vườn hoa trung tâm, cầu Lạc Long (quận Hồng Bàng), khu vực đường tàu (quận Lê Chân), các chợ, ga tàu (quận Ngô Quyền)... Trong số này có tới 485 người hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, 48 người ở các tỉnh ngoài và 8 trường hợp không xác định được nơi cư trú. Các đối tượng này được chuyển vào các bệnh viện, trung tâm giáo dục lao động, khu bảo trợ xã hội, làng mồ côi và áp giải cho về quê.

Hải Phòng cũng đã đầu tư hơn 90 tỷ đồng xây dựng Trung tâm giáo dục lao động xã hội với mục đích cai nghiện cho đối tượng nghiện ma tuý lang thang. Đồng thời, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình nâng cao đời sống cho người dân, đẩy lùi tệ nạn xã hội để giải quyết tận gốc vấn nạn người lang thang.

Tuy nhiên, kết quả đạt được hình như vẫn không như mong muốn. Bằng trực quan cũng rất dễ nhận ra đối tượng lang thang xuất hiện với tần suất ngày càng tăng so với trước. Nguyên nhân, cách giải quyết thì nhiều, mỗi nơi một cách. Song tựu trung là:

Thứ nhất, công tác xã hội tại các địa phương (quê của đối tượng lang thang) cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong việc giải thích, tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng nhận thức được rằng, ăn mày, lang thang không phải là một nghề được xã hội công nhận.

Bên cạnh đó, phải quan tâm chỉ đạo công tác giải quyết việc làm trong giai đoạn nông nhàn, sử dụng hiệu quả nguồn vốn xoá đói giảm nghèo. Mọi vướng mắc khó khăn phải được sự hỗ trợ giải quyết ngay tại địa phương đó.

Thứ hai, công tác quản lý tạm vắng, tạm trú cần phải được nâng cao ở cả nơi đi và đến. Chính quyền cơ sở chỉ cấp tạm vắng đối với những ai có nghề nghiệp và địa chỉ đến rõ ràng. Nơi tạm trú cần tăng cường kiểm tra, xác minh nhân thân, thời hạn và mục đích của việc tạm trú.

Thứ ba, người lang thang mất khả năng tự kiếm sống là một phần tất yếu của xã hội. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về cơ chế, về  kinh phí để các Trung tâm nuôi dưỡng người lang thang hoạt động đúng mục đích và ổn định

Lê Minh Triết
.
.
.