Làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống

Thứ Tư, 11/09/2019, 12:07
Sáng nay, 11-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp.


Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày báo cáo cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cũng như các bộ, ngành, địa phương, công tác triển khai thi hành Hiến pháp đã được tiến hành nghiêm túc, bài bản, toàn diện bám sát yêu cầu, mục tiêu đề ra và thu được những kết quả tích cực.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Qua đó từng bước đưa các quy định của Hiến pháp dần đi vào cuộc sống, tác động tích cực tới mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế của đất nước; góp phần bảo vệ, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Thông qua triển khai thi hành Hiến pháp cũng góp phần nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong giai đoạn phát triển mới.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: Việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về nội dung của Hiến pháp tại một số cơ quan, đơn vị đôi khi còn mang tính hình thức, chưa đến được với đối tượng thực sự cần phổ biến. Hoạt động xử lý sau rà soát văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ (ví dụ như vấn đề phân công, kiểm soát quyền lực; phân cấp, phân quyền...); chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa đồng đều; tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm...

Qua thẩm tra, Ủy ban Pháp luật tán thành với đánh giá chung trong Báo cáo và nhận thấy, sau 5 năm triển khai thi hành Hiến pháp, về cơ bản, việc triển khai thi hành Hiến pháp của các cơ quan, tổ chức đã bám sát yêu cầu, mục tiêu theo Nghị quyết số 64 và Nghị quyết số 718.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Các cơ quan, tổ chức đã chủ động thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp; xác định việc triển khai thi hành Hiến pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động ngay từ năm 2014 và các năm tiếp theo, vì vậy đã đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt như nêu trong Báo cáo của Chính phủ.

Uỷ ban Pháp luật cũng đề nghị đánh giá bổ sung bối cảnh, những thuận lợi, khó khăn của việc triển khai thi hành Hiến pháp trong 5 năm vừa qua, làm rõ những quy định của Hiến pháp chưa đi vào cuộc sống cũng như nguyên nhân, tác động của việc này đến mọi mặt của đời sống xã hội và giải pháp khắc phục.

Thảo luận tại phiên họp về hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực tư pháp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định đến nay đã khá đầy đủ, song việc thi hành đang có những vướng mắc. Chẳng hạn như để cụ thể hoá quyền con người, quyền công dân, trong Hiến pháp, Luật tố tụng hình sự đã có quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can như một giải pháp vừa để làm căn cứ chứng minh cho hoạt động của cơ quan điều tra, vừa chống bức cung, nhục hình.

Tuy nhiên, thực tế quy định này chưa được thực thi do không có tiền để xây phòng hỏi cung có trang bị máy cũng như không có tiền mua máy ghi âm, ghi hình. Thiếu tiền cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại của hệ thống cơ quan tư pháp hiện nay khi kinh phí không đủ hoạt động, chế độ chính sách không có đặc thù.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Cũng đề cập về những hạn chế trong việc đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân quy định trong Hiến pháp, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết hiện Quốc hội đang nợ cử tri quy định để thực hiện quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND khi đại biểu không còn xứng đáng.

“Thực tế, từ đầu nhiệm kỳ Khoá XIV đến nay, Quốc hội đã làm tốt, kịp thời cho thôi làm nhiệm vụ với nhiều đại biểu bị phát hiện có vi phạm. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể, chưa có chế tài để cử tri có thể trực tiếp thực hiện quyền này, trong khi đó là nội dung được ghi trong Hiến pháp”, ông phân tích.

Về giám sát, theo Tổng Thư ký Quốc hội, điểm 2 Điều 80 Hiến pháp quy định người trả lời chất vấn phải trả lời trước Quốc hội hoặc tại phiên họp của UBTVQH trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.

“Ý tưởng của chúng ta khi xây dựng Hiến pháp là muốn đảm bảo tự do dân chủ, khi đại biểu hỏi thì người trả lời chất vấn phải trả lời. Tuy nhiên khi ban hành Luật giám sát ở Điều 15 chúng ta thấy rằng cần thiết phải có nghị quyết và chọn nhóm vấn đề. Các đại biểu chỉ trả lời xung quanh nhóm vấn đề đó, ngoài ra thì trả lời bằng văn bản. Thực chất chúng ta chỉ thực hiện đúng khi ở khoảng giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ” - Ông đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để thể hiện rõ thẩm quyền của đại biểu, đồng thời ngày càng hoàn thiện Luật giám sát và đảm bảo phù hợp với tinh thần của Hiến pháp khi trả lời chất vấn.


An Quỳnh
.
.
.