Lạm bàn về tăng giá điện

Thứ Bảy, 08/04/2006, 09:07

Chỉ khoảng trên 20% công suất là các nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than, tuy phải mua, nhưng than cũng khai thác trong nước, cho nên chi phí chạy máy không đắt hơn nhiệt điện các nước. Vậy mà giá điện ở nước ta cũng chẳng kém một số nước khác, kể cả nước không có thủy điện, không có khí đốt, có nước còn nhập khẩu than, dầu(!).

Năm 2005, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (tên gọi tắt là EVN) thông báo trên truyền hình rằng, việc tăng giá điện là nhằm mục đích bù lỗ trên 600 tỉ đồng.

Ngày 15/3, đại diện EVN nói trên truyền hình rằng lãi 2.000 tỉ đồng trong năm 2005, vậy mà yêu cầu tăng giá điện vẫn được nêu tiếp.

Lúc kêu lỗ lớn nói tăng giá điện xem ra còn có lý, nhưng lúc lãi mà vẫn yêu cầu tăng giá như vậy, thì lý giải vấn đề này thế nào đây? Xin được điểm lại về tình hình phát triển và tiêu thụ điện ở ta như sau:

Tính đến nay, công suất điện tiêu thụ trên toàn quốc khoảng trên 9.000 MW, thì riêng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình đã phát được 1.920 MW. Thông thường một công trình, trong thời gian khai thác ban đầu phải dành khoản tiền lãi thu được để trả nợ dần vào vốn đầu tư, cho đến hết thời hạn hoàn vốn (thường khoảng 10 năm đến 13 năm). Đối với Thủy điện Hòa Bình, hoàn thành và chạy toàn bộ các tổ máy từ năm 1993, nếu nhà máy xây dựng trong thời kỳ mà Nhà nước hoàn toàn bao cấp, không có hạch toán như dạng này, vẫn phải dành lãi để hoàn vốn, thì thời hạn hoàn vốn cũng đã hết. Hằng năm chỉ còn phải chi phí cho việc vận hành, sửa chữa, thuế... chiếm một tỉ lệ nhỏ so với tiền lãi thu được do bán điện.

Công trình thuỷ điện Đại Ninh, công suất 300 MW đang thi công đường hầm dài 11km đường kính 5,2m do Công ty cổ phần Cavico thực hiện bằng máy TBM không phải nổ mìn.

Một loạt nhà máy thủy điện khác, có tổng công suất khoảng 1.000 MW cũng đã hết thời hạn hoàn vốn. Những nhà máy nói trên, do đặc điểm chi phí cho vận hành của thủy điện là rất thấp, lãi ròng thu được hàng năm khá lớn.

Ngoài ra còn những nhà máy thủy điện khác xây dựng từ sau 1994 đến nay, với tổng công suất khoảng 2.000 MW.

Như vậy, tổng công suất của riêng thủy điện đã chiếm trên 50% mạng điện toàn quốc.

Lại còn những nhà máy điện chạy tuốcbin khí, chiếm khoảng 30% công suất toàn bộ, chạy với khí đồng hành, cũng không phải mua nhiên liệu và vì vậy chi phí chạy máy còn thấp hơn cả thủy điện. Chi phí đầu tư để xây dựng nhà máy cũng thấp hơn thủy điện rất nhiều, vì không phải xây dựng những công trình thủy lớn như đập, hồ,...

Rút cục chỉ còn khoảng trên 20% công suất là các nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than, tuy phải mua, nhưng than cũng khai thác trong nước, cho nên chi phí chạy máy không đắt hơn nhiệt điện các nước.

Với tình hình như vậy, đáng lẽ giá điện ở nước ta phải rẻ  lắm. Thế mà giá hiện nay, có nhiều người đã so sánh với một số nước khác, kể cả nước không có thủy điện, không có khí đốt, có nước còn nhập khẩu than, dầu thì thấy giá điện ở nước ta cũng chẳng kém.

Thế thì chắc chắn là lãi rồi, mà lãi phải rất nhiều, vậy mà lại có năm lỗ, năm lãi như ngành điện công bố. Có phải do trình độ quản lý kém? Đúng là kém thật: Hãy chỉ lấy một ví dụ: Thủy điện Hòa Bình mấy năm nay khi mùa mưa đến hơi muộn, một hồ chứa thừa khả năng điều tiết năm, phải để cho mực nước hồ xuống dưới mực nước chết sâu đến hàng mét như vậy, gây ra sự lúng túng và thiệt hại về kinh tế, đời sống.

Vì hồ Hòa Bình cứ thêm độ cao 1 mét nước trong hồ, thì với lưu lượng thiết kế, sẽ phát thêm được khoảng 15 triệu số (KWh) điện trong một tháng. Như vậy, riêng để dành nước hợp lý, duy trì cho mực nước cao trong hồ, đã tăng được công suất và điện lượng lên nhiều. Cho nên chỉ tính riêng việc điều hành hợp lý, các chuyên gia đã tính ra rằng có thể lợi dụng được cả trăm tỉ đồng mỗi năm.

Còn nhiều ví dụ khác về quản lý kém như hệ thống đường dây điện hiện nay gây tổn thất điện năng khá lớn. Nhưng dù kém đến mấy thì như đã nêu trên, không thể có lỗ, mà chỉ là lỗ giả. Nghĩa là tiền lãi bị xâu xé đi, đến mức không còn đủ để trang trải vào chi phí, dù nó nhỏ đến mấy so với lãi.

Đáng lẽ cái lãi lớn đó nếu được quản lý chặt chẽ, thì thừa đủ để phát triển các nguồn điện, nhất là điều kiện xây dựng thủy điện thuận lợi ở nước ta, tu sửa và hoàn chỉnh mạng điện và còn có thể hỗ trợ kinh phí cho các ngành kinh tế khác.

Đã như vậy thì còn lý gì để tăng giá điện?--PageBreak--

Thế nhưng dựa vào tính độc quyền, ngành Điện có những cách tăng giá khác nhau.

Công khai cũng có: Như cách tính giá điện lũy tiến như hiện nay là một cách tăng giá tài chính, làm cho giá điện thực tế tăng vọt lên ít nhất gấp đôi và lại vẫn còn để ngỏ phía tăng. Nhưng người dân lại không kêu được, mà ngành Điện còn được tiếng là có chính sách vận động tiết kiệm điện.

Chưa công khai cũng có: Như cách thay côngtơ vừa qua. Ngay tại TP HCM, Công ty Điện lực cho thay đến 260.000 côngtơ điện mới. Người dân tuy không được quyền biết, quyền bàn đến việc thay côngtơ, nhưng lại phải có trách nhiệm trả tiền điện, mà lại gấp đôi, gấp ba so với trước nên mới bắt buộc phải khiếu nại lên trên.

Hóa ra lại không phải chỉ có TP HCM, mà dần dần phát hiện ra rất nhiều tỉnh khác cũng thay côngtơ: Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Gia Lai... Mà cũng giống hệt ở chỗ giá điện tăng vọt, có nơi đến 4-5 lần, đến mức nhiều hộ không có khả năng thanh toán.

Thế là lại theo cách như vẫn thường làm: lập ban thanh tra, lập hội đồng đo lường kiểm định, phát cả lên tivi cho cả nước cùng mục kích cái sự nghiêm minh của ngành Điện: lần nào các con số đỏ của máy móc hiện đại cũng nhấp nháy chỉ sai số nhỏ hơn 1%. Báo Nhân Dân đăng tin ở Đà Nẵng, sai số lại còn âm đến 2,39%, nghĩa là chỉ số điện ở côngtơ mới còn thấp hơn số điện thực dùng.

Nhưng dù huy động đến kỹ thuật hiện đại, các thứ ban bệ và đủ cách giải thích thì cũng khó mà ém nhẹm được việc móc túi của người dân đến mức ấy.

Cực chẳng đã, TP HCM đã phải bàn đến việc hoàn trả lại cho dân khoản lạm thu tiền điện.

Lại còn nhiều hình thức tiêu cực khác.

Nguyên một phó giám đốc Công ty Điện lực TP HCM cùng với mấy người con ruột của mình, mà chỉ riêng việc bán hộp nhựa đựng điện kế điện tử cho chính những côngtơ đặt trong TP, trong 4 năm qua đã thu được 172 tỉ đồng.

Hay chỉ một chi tiết nhỏ như ở TP Hà Nội: lúc mới lắp các hộp đồng hồ điện thì mỗi đồng hồ có 1 áptômát đi kèm. Chỉ sau một thời gian, các áptômát lại bị chính những người đã lắp tháo lấy đi hết.

Vậy thì việc cần làm đối với ngành Điện hiện nay là:

Bỏ độc quyền vì với độc quyền thì không thể có hạch toán kinh tế trung thực, mà luôn mất cân bằng thu chi và đưa đến giá tăng để bù lỗ. Kinh nghiệm đã cho thấy như ngành truyền thông mấy năm gần đây, sau khi bỏ độc quyền là chuyển  luôn từ tăng giá sang giảm giá.

Thay đổi cách và người quản lý: Vì quản lý quá yếu kém cho nên thất thoát rất lớn cả điện năng và tiền của. Hiện nay việc xây dựng thủy điện đang phát triển rất mạnh, vì đang là ngành thu lãi nhanh. Có những tỉnh đang xây dựng đến hàng chục nhà máy, công suất từ 30 đến 200 MW như Quảng Nam, Lào Cai... Trong đó, phần nhiều là các công ty tư doanh bỏ vốn đầu tư. Ngành Điện nếu có hướng hợp lý sẽ tháo gỡ nhanh được khó khăn về sản lượng điện. Nhưng vì độc quyền mà chỉ lo đến thu nhập cho riêng ngành, nên dù thiên nhiên thủy năng của nước ta thuận lợi đến thế vẫn không phát triển nhanh được. Ví dụ, nếu đừng gây khó khăn cho việc phát triển trạm thủy điện thì việc nhập 40 MW (năm trước) đến trên 100 MW (nay năm) từ Trung Quốc đáng lẽ không phải đặt ra.

Như vậy để thấy việc tăng giá điện không phải là biện pháp đúng đắn phục vụ kinh tế, xã hội hiện nay

.
.
.