Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố

Chủ Nhật, 02/06/2019, 12:48
Sáng 2-6, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Thành phố Hà Nội  tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố (5-6-1889 – 5-6-2019).

*Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa tới Lễ kỷ niệm.

Tham dự Lễ kỷ niệm có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; đồng chí Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội… Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố diễn ra trọng thể

Đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Văn Tố.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn Lễ kỷ niệm

Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa, ngày 6-1-1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu Quốc hội và ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Cụ đã được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Lễ Kỷ niệm

Trong bối cảnh đất nước còn hết sức khó khăn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội đoàn kết chặt chẽ, cùng sát cánh với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, hoạch định và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại; thay mặt cho Quốc hội và nhân dân góp ý, đề nghị sửa đổi những sắc lệnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội của Chính phủ (trước khi các sắc lệnh được ban hành).

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, một trong những cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – đó là bản Hiến pháp năm 1946. Với những nội dung tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay. Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ Nhà nước của mỗi công dân, quyền và nghĩa vụ xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Ban Thường trực Quốc hội do Cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu đã ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Điều đó cho thấy sự đồng cảm của những tư tưởng lớn luôn gặp nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Nguyễn Văn Tố đã hoàn toàn thống nhất trong những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức vụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội từ tháng 3 đến tháng 11-1946, đây là thời gian khó khăn, gay cấn nhất của cách mạng Việt Nam. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, cụ đã cùng Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều chính sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và đời sống nhân dân. 

Hoạt động của Quốc hội trong thời gian cụ là Trưởng Ban Thường trực đã để lại dấu ấn sâu sắc, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân. Sự đoàn kết, ủng hộ, gắn bó của Quốc hội với Chính phủ trong giai đoạn này là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam mà cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần thực hiện. Tháng 11-1946, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được mời trở lại tham gia Chính phủ với cương vị Bộ trưởng không bộ. 

Trên cương vị mới, cụ vừa tham gia góp ý, xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại của Chính phủ, vừa góp phần động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng đời sống mới, tạo dựng thế và lực cho sự nghiệp cách mạng. 

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ rút lên Việt Bắc, tham gia nhiều công việc của Chính phủ bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, cụ đã tích cực chỉ đạo công việc tháo dỡ, di chuyển máy móc, trang thiết bị lên Việt Bắc phục vụ cho kháng chiến lâu dài; tổ chức cho đồng bào tản cư nơi ăn, chốn ở, động viên nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

 Trong lúc cuộc chiến đấu của nhân dân cả nước đang vào hồi ác liệt, tháng 10-1947, quân Pháp mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, cụ Nguyễn Văn Tố bị địch bắt và đã hy sinh oanh liệt trước mũi súng kẻ thù. Sự hy sinh của cụ là một tổn thất lớn của Chính phủ, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với Quốc hội và nhân dân cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta. 

Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo. Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Minh Hiền
.
.
.