Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội, truyền thống dân tộc phải gìn giữ

Thứ Ba, 31/12/2019, 14:54

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi kết luận

Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, ngày 31-12.


Thủ tướng khẳng định, hội nghị đã hoàn thành một chương trình làm việc lớn, quy mô, trong đó có sự tham dự của 15 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, 10 đồng chí Bí thư Trung ương Đảng và 60 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch các tỉnh, Chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty hết sức đông đủ...

Nhìn lại kết quả năm 2019, Thủ tướng cho rằng đây là một năm chúng ta đã thực hiện đồng bộ và thành công, điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Trong đó tính chất toàn diện, vượt mức và rất đáng mừng, đã mang lại kết quả, đời sống tốt đẹp cho nhân dân, tiềm lực đất nước được khơi dậy, sức mạnh của đất nước tốt hơn, chưa bao giờ Việt Nam có một cơ đồ như thế. Đó là sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân...

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị.

Đặc biệt, qua báo cáo của các địa phương và các ngành thấy có nhiều mô hình tốt, cách làm tốt, kỷ luật tốt được thiết lập. “Tôi nói như vậy để những địa phương nào, cơ sở nào chưa tốt thì phải tìm cách làm tốt hơn. Kể cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân cần năng động hơn, phải nâng thành khát vọng phát triển ở bộ ngành mình, địa phương mình”, Thủ tướng nói.

Không đánh đổi môi trường, văn hoá và văn minh xã hội để lấy kinh tế

Thủ tướng đề nghị, phát hiện ra vấn đề thì phải có cách giải quyết vấn đề chứ không phải “biết rồi, để đó, nói mãi”. Nơi nào, địa bàn nào còn nhiều khó khăn thì phải tìm cách tháo gỡ, khắc phục nhanh những yếu kém, bất cập mà hội nghị chỉ ra. Chẳng hạn, giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm trễ; vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là không khí, rác thải; các vấn đề bức xúc của xã hội như ma tuý trong thanh thiếu niên, ma tuý học đường, ứng xử văn hoá...

Nhắc đến vấn đề đạo đức trong xã hội, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Thủ tướng đề nghị phải mở rộng thông điệp thành “không đánh đổi môi trường, văn hoá và văn minh xã hội để lấy kinh tế”. Đó mới là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đích thực của Việt Nam.

“Môi trường văn hoá bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ trong phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Hội nghị nhấn mạnh đến nhiều kinh tế là đúng, vì có thực mới vực được đạo. Nhưng cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, mặt trận cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hoá và văn minh xã hội. Có như vậy mới bền vững, người dân mới yên tâm”, Thủ tướng lý giải.

Các đại biểu dự hội nghị.

Thủ tướng bày tỏ, những xuống cấp về đạo đức thời gian qua khiến chúng ta đau lòng, vì thế chúng ta phải chuyển hướng mạnh mẽ. Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống, bản sắc dân tộc phải được gìn giữ; hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn. “Chúng ta nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật. Ngoài ý chí của mình còn một khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng”, Thủ tướng lưu ý.

Theo người đứng đầu Chính phủ, kinh doanh phải gắn với vấn đề xã hội, chứ kinh doanh đó không phải chỉ lo cho gia đình, cho bản thân. Điều này rất quan trọng, có như vậy cả dân tộc mới thành sức mạnh. Nếu không thì người dân nghèo vẫn cứ nghèo, người giàu cứ giàu, đó là lo ngại của chúng ta. Thủ tướng khẳng định, ý Đảng, lòng dân, tinh thần doanh nghiệp, cùng với kinh tế xã hội và môi trường đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng và bền vững của chúng ta. Đồng thời đề nghị cấp uỷ, chính quyền phải chỉ đạo hệ thống một cách liên tục, bài bản.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm vi phạm

Thủ tướng đề nghị cần tiếp thu 4 bài học, 5 nhiệm vụ như phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề ra trong bài phát biểu hôm qua. Đồng thời quán triệt thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm:

Một là không ngừng đổi mới tư duy, hoàn thiện và thực thi chính sách phát luật, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp.

Hai là khơi thông, huy động sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, giải phóng mọi năng lực sản xuất, tận dụng tốt các tiềm năng thế mạnh, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tập trung phát triển mạnh mẽ các ngành lĩnh vực. Tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát triển.

Ba là có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể, tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Bốn là tăng cường kỷ luật kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh phân cấp gắn với đề cao trách nhiệm và kiểm soát quyền lực, nhất là đối với người đứng đầu và có chế tài xử nghiêm các vi phạm.

Toàn cảnh hội nghị.

“Một số tỉnh, một số bộ ngành không giữ kỷ cương, kỷ luật, không nghiêm, nên chủ trương rất nhiều, nhưng thấm vào để ra sản phẩm vật chất tinh thần cho xã hội chưa được nhiều, thậm chí bị kiềm chế. Văn bản chuyển xuống bộ, địa phương gửi lên bộ ngành mất 3-4 tháng không chịu trình ký, không chịu đề xuất giải pháp, né tránh, đẩy qua đẩy lại. Ở địa phương sở này, sở kia vẫn đổ trách nhiệm cho nhau, cái gì có lợi cho bộ ngành mình thì làm còn không có lợi thì không chịu làm. Nên phải xử lý vi phạm” – Thủ tướng nêu rõ.

Năm là phát huy đẩy mạnh giá trị văn hoá con người Việt Nam, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên của cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân, để đất nước vững mạnh và hùng cường.

Sáu là phát triển nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ hài hoà phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống của người dân, củng cố quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, các địa phương thiết kế cụ thể, triển khai đồng bộ trong phạm vi, trách nhiệm của các bộ ngành, làm rõ định hướng nội dung phát triển địa phương mình.

Đảm bảo an ninh trật tự cho người dân đón Tết an toàn

Các bộ, ngành, địa phương thiết kế cụ thể, triển khai đồng bộ trong phạm vi trách nhiệm mà pháp luật giao để làm rõ những nội dung định hướng phát triển ngành, địa phương mình. Áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định, một thông tư sửa nhiều thông tư.

Về lo Tết cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là những ngành có chức năng và các địa phương không để thiếu hàng hóa phục vụ Tết, kể cả thịt lợn, không được để đẩy giá, làm ảnh hưởng đến lạm phát quý I. “Lo đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Cần lưu ý đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cho người dân trong dịp Tết”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cho người dân dịp Tết, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an có chỉ đạo quyết liệt hơn vấn đề này, kiên quyết loại bỏ những băng, ổ nhóm tội phạm để đảm bảo cho người dân được đón Tết an toàn.

Thủ tướng cũng đề nghị thực hiện chủ trương của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ là không tranh thủ dịp Tết này để cấp dưới biếu quà cấp trên. “Tất cả các đồng chí đều phải nêu gương. Tất cả các cấp không chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, xe cộ ùn ùn tới các nhà lãnh đạo”.

Thủ tướng yêu cầu hoàn thành sớm các Nghị quyết 01, 02 để ban hành ngay trong ngày đầu năm mới 2020 và ngay sau đó, các bộ, ngành, địa phương có chương trình hành động để triển khai ngay trong đầu năm mới, ngay Quý 1, không để “nước đến chân mới nhảy”, “việc hôm nay chớ để ngày mai”...


Quỳnh Vinh
.
.
.