Kiến nghị nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Chủ Nhật, 14/06/2020, 08:31
Quốc hội dành trọn một ngày 13-6 để thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019...

Ngày 13-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội dành trọn một ngày thảo luận ở Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. 

Tại Phiên họp, Quốc hội cũng đã nghe Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường; Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện  phát biểu giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Kết thúc ngày thảo luận đầu tiên về tình hình kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 40 đại biểu phát biểu, 9 đại biểu tham gia tranh luận và vẫn còn 59 đại biểu đăng ký phát biểu.

Tranh thủ nâng cao vị thế của đất nước

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống dịch COVID -19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, thời gian vừa qua cho thấy nhân dân Việt Nam mỗi khi đất nước đứng trước thử thách lớn thì lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, cùng giá trị tốt đẹp mấy nghìn năm văn hiến bùng lên, giúp chúng ta chiến thắng. Mong rằng tinh thần đó tiếp tục được khơi dậy, nhân lên để tranh thủ cơ hội, thời cơ cải thiện vị thế Việt Nam trên trường quốc tế và trên các lĩnh vực.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân thành công trong phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết ngay khi nhen nhúm có căn bệnh ở Trung Quốc và chưa được đặt tên dịch bệnh thì Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo ngành Y tế tham vấn các tổ chức quốc tế, lên kế hoạch chống dịch căn cơ, bài bản. Việt Nam cũng là nước đưa ra giải pháp sớm và cao hơn một bước so với khuyến nghị. Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên áp dụng khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Nhấn mạnh chúng ta phòng, chống dịch thành công trên tinh thần mà Thủ tướng xác định “không ai bị bỏ lại phía sau”, càng yếu thế càng cần được chú ý, có nhiều chính sách lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chúng ta tranh thủ cơ hội đã kiểm soát tốt dịch bệnh trước nhiều nước trên thế giới, tranh thủ thời cơ để cải thiện vị thế đất nước trên trường quốc tế ở tất cả các lĩnh vực.

Phó Thủ tướng thông tin tất cả bệnh nhân người nước ngoài cơ bản được chữa khỏi. “Chúng ta tập trung cứu chữa, nhất là bệnh nhân số 91 người Anh, không chỉ thể hiện tinh thần người thầy thuốc mà còn thể hiện đạo lý người Việt Nam” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100

Về việc tiếp tục thực thi Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) nêu vấn đề: Luật và Nghị định 100 của Chính phủ đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, thu được hiệu quả trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông. 

Đây chính là quyết tâm, nỗ lực và sự kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông. Từ đó, tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông, được dư luận đồng thuận, nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tuy nhiên, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nhận thấy, hiện nay sau thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý người dân còn chủ quan với các quy định về an toàn giao thông: “Chúng ta dễ dàng nhìn thấy ở các quán bia vỉa hè, nhà hàng khách ăn uống rượu, bia sau đó vẫn lái ôtô, lái xe máy, đây là một sự chủ quan nguy hiểm”. 

Chỉ ra điều này, theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, “đã đến lúc chúng ta sớm trở lại ngăn chặn”. Tiếp đó, các đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk), Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh)… phát biểu đều bày tỏ đồng tình với việc xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100 của Chính phủ; đề nghị lực lượng Công an tiếp tục tăng cường xử lý lĩnh vực này.

Có hay không việc chạy chọt “cửa sau” trong biên soạn sách giáo khoa mới?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đoàn Đà Nẵng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc liên quan đến chương trình sách giáo khoa mới.

Cụ thể, triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Nghị quyết 88 giao cho Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT không có khả năng hoàn thành nhiệm vụ. 

“Việc biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa của Bộ bằng ngân sách nhà nước trong bối cảnh này, vừa không cần thiết vừa khó bảo đảm chất lượng, đồng thời sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ. Nghị quyết 88 cũng trao quyền cho các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01/2020 hướng dẫn thực hiện quy định này.

“Tuy nhiên, theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, thực chất ở nhiều địa phương quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận phản ánh một số hiện tượng chạy chọt “cửa sau” trong lựa chọn sách giáo khoa mới. Bộ GD&ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh.

Để thực hiện thành công việc đổi mới chương trình giáo dục sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cùng các bộ hữu quan, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường vai trò quản lý điều tiết của Nhà nước, chính là điều kiện để việc xã hội hóa biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phát triển đúng hướng, ngày càng có chất lượng và hiệu quả.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn

Chiều 13-6, thông tin thêm về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ đầu năm đến nay, tất cả các ngành đều chịu tổn thương, nhưng riêng ngành nông nghiệp thì tổn thương này ở mức độ gay gắt hơn, bởi chịu hai rủi ro tác động kép: tác động cực đoan của thời tiết khí hậu và dịch bệnh COVID-19.

Về giải pháp để giảm giá lợn hơi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Bộ đang chỉ đạo đẩy nhanh việc tái đàn lợn an toàn, bền vững và dự kiến đến quý 4 năm nay, đàn lợn trên cả nước mới bù đắp lại đủ thiệt hại 20% (tương đương với 6 triệu con lợn) đã bị mất do dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khuyến cáo người dân đa dạng sản phẩm thay vì chỉ dùng thịt lợn, đồng thời tăng cường khâu thương mại để làm sao kiểm soát không để trục lợi, tăng giá, từ đó từng bước giảm giá thịt lợn xuống mức hợp lý. "Không có lý gì cứ tập trung ăn thịt lợn. Thịt gà cũng rất tốt. Cá, tôm, trứng cũng vậy, đều của người nông dân làm ra", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu giải pháp.

Nhiều đại biểu quan tâm đến giá thịt lợn tăng không hạ, mặc dù Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ chăn nuôi. Một số đại biểu cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do Bộ NN&PTNT không báo cáo đúng tình hình, không có sự hỗ trợ kịp thời cho nông dân.

Đại biểu Thái Trường Giang đề nghị, Chính phủ xem việc điều hành giá, và ngoài giá thịt lợn thì còn vấn đề giá xăng. Ví dụ, giữa tháng 3 vừa qua, giá xăng giảm 50% nhưng các mặt hàng khác, dịch vụ khác không hề giảm theo giá xăng. Ngược lại, khi giá xăng tăng thì tất cả các loại mặt hàng khác đều tăng theo xăng. “Chính phủ cần xem lại các giải pháp và điều hành, điều chỉnh giá theo quy luật cung cầu cho hợp lý”, đại biểu Thái Trường Giang đề nghị.

Mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt khó khăn

Phát biểu về hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau dịch COVID -19, nhiều đại biểu cho rằng Chính phủ cần đẩy mạnh chính sách tài khóa về tiền tệ, trong đó chú trọng về chính sách dòng tiền và ưu tiên cấu trúc, gia hạn nợ mạnh hơn.

Đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) nêu quan điểm, có 36 nghìn doanh nghiệp phá sản, câu hỏi đặt ra liệu đơn thuốc hỗ trợ đã đủ liều, đúng và trúng giải pháp nào để doanh nghiệp có thể thay đổi tư duy? 

Dám chấp nhận từ bỏ thói quen và cách vận hành cũ để thích nghi với phát triển trong tình hình mới? Đồng thời đề nghị cần phải có thêm gói cho vay với lãi suất thấp hơn, tăng cơ hội tiếp cận vốn đến doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền; ưu tiên cấu trúc và gia hạn nợ mạnh hơn, giảm lãi cho các khoản vay, không tính lãi phạt chậm trả, tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, thời hạn hỗ trợ hợp lý, xác định ngành ưu tiên hỗ trợ dựa trên tốc độ phục hồi và sự ổn định của đầu ra để góp phần nâng đỡ nền kinh tế, kéo theo sự phát triển của doanh nghiệp khác.
Phương Thuỷ
.
.
.