Kiến nghị bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào thành phố trực thuộc Trung ương

Thứ Sáu, 04/09/2020, 20:41
Các đại biểu đều cho rằng, Bộ Công an đã tạo điều kiện hết sức cho người dân về cư trú, đi lại, đặc biệt là kiến nghị bỏ quy định về điều kiện đăng ký vào thành phố trực thuộc Trung ương, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số phía Bắc đã di cư vào Tây Nguyên đăng ký thường trú.


Thảo luận về dự án Luật, các đại biểu đều nhất trí cần thiết phải sửa đổi Luật Cư trú, đồng thời cho rằng, Bộ Công an đã tạo điều kiện hết sức cho người dân về cư trú, đi lại, đặc biệt là kiến nghị bỏ quy định về điều kiện đăng ký vào thành phố trực thuộc Trung ương, tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số phía Bắc đã di cư vào Tây Nguyên đăng ký thường trú

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) phát biểu ý kiến thống nhất bỏ điều kiện đăng ký thường trú vào TP trực thuộc Trung ương vì mặc dù lâu nay các thành phố này quy định điều kiện riêng để ngăn cản việc người dân thường trú nhưng trên thực tế thì số người tạm trú vẫn phải sinh sống, làm việc, học tập tại các thành phố này. 

“Số người tạm trú rất lớn nhưng không có hộ khẩu nên ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ. Nhiều người đã cư trú 5 năm, 7 năm nhưng không có hộ khẩu. Vì vậy, nên xoá bỏ quy định này, chỉ cần công dân đó có nơi ở hợp pháp thì phải tạo điều kiện cho họ đăng ký thường trú.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Đồng ý với lập luận trên, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cho rằng các quy định hiện hành về nhập hộ khẩu vào thành phố lớn đang gây khó khăn cho cuộc sống của người dân, đặc biệt là người lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu khẳng định chủ trương giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân theo phương thức thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là phù hợp với xu thế hiện đại. Cần lưu ý những xáo trộn, phiền toái đối với người dân khi luật có hiệu lực do các quy định giữa các lĩnh vực, các ngành còn chồng chéo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận nội dung Luật Cư trú (sửa đổi)
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh đến vấn đề quản lý cư trú đối với đồng bào di dân tự do. Đại biểu cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng  và các tỉnh Tây Nguyên nói chung có hàng nghìn người dân cư di dân tự do chưa được nhập khẩu do vướng mắc thủ tục hành chính vì liên quan đến chỗ ở hợp pháp. 

“Nhiều người ở các tỉnh phía Bắc di cư vào Tây Nguyên từ 10 năm, 20 năm, thậm chí 20 năm nhưng không được đăng ký thường trú. Suốt quá trình trên, họ sống ở nhiều nơi khác nhau, hiện nay, không còn giấy tờ tuỳ thân, kể cả CNMD, giấy khai sinh, cũng không còn sổ hộ khẩu gốc. Chính vì vậy, việc đăng ký thường trú cho họ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều gia đình sống ở rừng đặc dụng, rừng phòng hộ - tức là nơi cư trú không hợp pháp nên việc đăng ký thường trú càng khó khăn hơn. Tôi đề nghị cần nghiên cứu mở rộng khái niệm chỗ ở hợp pháp. Đó có thể là đề án quy hoạch khu dân cư do các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì được coi là chỗ ở hợp pháp để tạo điều kiện cho người dân đăng  ký thường trú”.  – Đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị và cho biết thêm, qua khảo sát tại Lâm Đồng hiện có 1,35 triệu nhân khẩu nhưng có hơn 4 vạn dân thường trú ở địa phương khác nhưng không xác định nơi thường trú gốc. Đề nghị có giải pháp đưa số dân cư vào dữ liệu quốc gia về dân cư để quản lý.


Thu Thuỷ
.
.
.