Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững

Thứ Năm, 20/09/2018, 17:42
Trong khuôn khổ Đại hội Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14), sáng 20-9 đã diễn ra Hội nghị chuyên đề lần thứ 7 với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.

Tình trạng ô nhiễm môi trường sống hiện nay đang trở nên trầm trọng hơn bởi chính các hoạt động và cách ứng xử của con người đối với môi trường. Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững (PTBV) đến năm 2030 được thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và PTBV trở thành chiến lược phát triển của toàn thế giới. 

Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, trong đó tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT).

Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao thế giới (INTOSAI) lần thứ 22 tháng 12-2016 đã xác định chủ đề chính là "Các mục tiêu PTBV - Làm thế nào để INTOSAI đóng góp vào Chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030”. 

Đoàn Chủ tịch điều hành Phiên toàn thể thứ nhất Hội nghị chuyên đề lần thứ 7.

Trên cơ sở đó, KTNN Việt Nam đã có sáng kiến lựa chọn, xác định chủ đề của Đại hội ASOSAI 14 là “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” đã bám sát những vấn đề ưu tiên và thách thức mang tầm khu vực và thế giới mà các thành viên ASOSAI quan tâm cần giải quyết với chức năng và thẩm quyền của mình; đồng thời phù hợp với mục tiêu chiến lược INTOSAI giai đoạn 2017-2022.

Chia sẻ tại Hội nghị về vai trò của Cơ quan Kiểm toán tối cao trong mục tiêu PTBV, Tổng Thư ký Ủy ban Kiểm toán Cộng hòa Indonesia Bahtiar Arif cho biết: Là một trong những quốc gia cam kết đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) do Liên hợp quốc đề ra, Indonesia có Nghị định của Tổng thống số 59 năm 2017 về thực hiện Mục tiêu PTBV trên phạm vi toàn quốc, duy trì và đảm bảo các nguồn lực và năng lực cần thiết.

Để làm tốt vai trò này, Cơ quan Kiểm toán tối cao Indonesia đã kết hợp khung kiểm toán của phương pháp tiếp cận 7 bước. Đó là sự hợp tác với Cơ quan Kiểm toán tối cao Hà Lan, Tòa án Kiểm toán châu Âu và các đối tác Cơ quan Kiểm toán tối cao khác, để xem xét chuẩn bị mục tiêu PTBV quốc gia. 

Bên cạnh đó, Cơ quan Kiểm toán tối cao Indonesia còn thiết lập 12 tiêu chí để đánh giá nỗ lực của Chính phủ trong giai đoạn xây dựng chính sách, trong việc chuẩn bị thực hiện mục tiêu PTBV quốc gia ở Indonesia. 

Trình bày tóm tắt báo cáo quốc gia “KTMT vì sự phát triển bền vững” tại Hội nghị, Phó Tổng KTNN Việt Nam Nguyễn Quang Thành cho biết thông qua hoạt động KTMT, KTNN thực hiện  đánh giá, giám sát, kịp thời phát hiện ra những bất cập, hạn chế và đưa ra những kiến nghị, biện pháp khắc phục nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên môi trường, BVMT, đảm bảo PTBV. 

Song, trong thực tế, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về BVMT của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao. 

Hệ thống pháp luật, quy chuẩn về BVMT còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật. Trong khi đó, KTMT là một lĩnh vực mới, thiếu nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn sâu về môi trường, hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin, tài liệu hướng dẫn về KTMT của KTNN đang trong quá trình xây dựng… 

Vì thế KTNN Việt Nam đề ra chương trình hành động cùng với các đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BVMT đảm bảo PTBV, trong đó đối với cấp  quốc gia, sẽ thực hiện nghiêm định hướng “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào”; còn đối với quốc tế thì sẽ đẩy mạnh việc thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kiến thức, năng lực trong cộng đồng ASOSAI gồm năng lực chuyên môn; năng lực tổ chức; năng lực đế ứng phó với các môi trường bên ngoài, đồng thời tăng cường hợp tác giữa các SAI thông qua việc tổ chức các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI trong lĩnh vực KTMT và PTBV...

Lệ Thúy
.
.
.