Tổng kiểm toán nhà nước Vương Đình Huệ:

Kiểm toán lĩnh vực an ninh mang tính tổng hợp rất cao

Thứ Hai, 22/06/2009, 08:34
Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo CAND nhân kỷ niệm 15 năm thành lập Kiểm toán Nhà nước (1994 - 2009) và việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Bộ Công an.

Tổng Kiểm toán cũng phải tuân thủ hệ thống kiểm soát

Ba năm đảm nhận chức vụ Tổng Kiểm toán, ông Vương Đình Huệ tâm sự: "Suy nghĩ thường trực trong tôi là làm sao góp phần xây dựng một nền tài chính minh bạch". Nhìn nhận mối quan hệ giữa kiểm toán và đối tượng kiểm toán là khá nhạy cảm, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) nhấn mạnh yêu cầu quản lý con người.

- Ông vừa nhấn mạnh yêu cầu giám sát, kiểm tra chặt chẽ, vậy yêu cầu này đảm bảo việc thực hiện nguyên tắc trung thực, khách quan ra sao?

Độc lập, trung thực, khách quan là nguyên tắc căn bản, quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán. Vấn đề là làm sao để tính độc lập đó của cơ quan KTNN, Tổng kiểm toán và các kiểm toán viên được thực hiện trên thực tế. Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp, chú trọng xây dựng quản lý, kiểm soát nội bộ chặt chẽ, bao gồm việc ban hành các chuẩn mực, các quy chế tổ chức và hoạt động kiểm toán, quy tắc ứng xử đạo đức của kiểm toán viên. Ban hành quy trình kiểm sát chất lượng với triết lý là bản thân hoạt động kiểm toán phải được kiểm soát chặt chẽ.

- Kể cả Tổng Kiểm toán cũng tuân thủ quy trình này?

Tất nhiên. Tổng kiểm toán và các kiểm toán viên đều phải tuân thủ hệ thống kiểm soát này. Chúng tôi tăng cường thanh tra, kiểm tra, trong đó có kiểm tra trực tiếp tại đơn vị đã được kiểm toán và kiểm soát "nguội", tức kiểm tra lại các hồ sơ kiểm toán xem việc thực hiện có đúng, có khách quan, trung thực không. Đồng thời thực hiện nghiêm quy trình bảo lưu kết quả kiểm toán.

Lập các chi bộ tạm thời

- Được biết, mỗi đoàn kiểm toán khi thực hiện nhiệm vụ đều thành lập chi bộ Đảng tạm thời. Có lẽ cách làm này còn mới và mang đặc trưng trong hoạt động kiểm toán?

Vừa rồi chúng tôi ban hành những quy chế mới như thành lập tổ chức sinh hoạt Đảng đối với các chi bộ tạm thời. Theo đó, bất kỳ đoàn kiểm toán nào khi tiến hành kiểm toán tại đơn vị nào đó đều lập chi bộ tạm thời, trách nhiệm của chi bộ đó không chỉ quản lý đảng viên và nếu kiểm toán viên trong chi bộ vi phạm thì trước hết bí thư phải chịu trách nhiệm.

- Ông có thể nêu dẫn chứng?

Rất mừng, trong 15 năm qua, KTNN chưa có trường hợp nào bị xử lý hình sự cũng như bị xử lý hành chính ở mức cao. Tất nhiên, quá trình hoạt động không tránh khỏi những va vấp, chúng tôi cũng đã có hình thức kỷ luật.

- 3 năm nhận nhiệm vụ Tổng Kiểm toán, nếu có sức ép, thì đó là sức ép gì, thưa ông?

Sức ép lớn nhất là làm sao để KTNN giải quyết được yêu cầu và khối lượng công tác hiện nay. Sức ép giữa nâng cao chất lượng kiểm toán với yêu cầu phẩm chất của kiểm toán viên. Tôi không có sức ép nào ngoài sức ép đó cả.

Phát hiện sai phạm không phải mục tiêu chính

- Có sự thật là không đơn vị được kiểm toán nào muốn phơi bày những khiếm khuyết của mình trong báo cáo kiểm toán. Điều này dẫn tới họ muốn bắt tay thông đồng với kiểm toán hoặc ở thái độ ngược lại, "né" kiểm toán. Ông nghĩ gì về hai thái độ này?

Cả hai vấn đề đó đều có thể xảy ra. Thực tế, việc chỉ ra các sai phạm, khuyết điểm, hạn chế của đơn vị nào đó thì chúng tôi cũng phải động viên, thuyết phục họ rằng: Việc chúng tôi làm như vậy trước hết vì lợi ích của chính bản thân đơn vị đó. Thứ hai, bản thân hoạt động kiểm toán không chỉ nhằm phát hiện sai phạm để xử lý mà mục tiêu cao nhất là thông qua hoạt động kiểm toán chỉ ra cách làm thế nào để đơn vị quản lý tài chính tốt nhất.

- Được biết, Tổng Kiểm toán ban hành các quy định khá nghiêm ngặt trong quan hệ giữa cán bộ kiểm toán với đối tượng được kiểm toán?

Trong quy chế kiểm soát chất lượng, chúng tôi đưa ra những quy định như: không được nhận quà, không dự các buổi chiêu đãi; bản thân hoặc gia đình, vợ con không được tham gia các kỳ tham quan, nghỉ mát của doanh nghiệp bị kiểm toán. Bản thân đơn vị đó không được đáp ứng bất cứ yêu cầu nào của kiểm toán viên nếu yêu cầu đó không liên quan việc thi hành nhiệm vụ.

Bộ máy quản lý tài chính trong Công an ngày càng chuyên nghiệp

- Thưa ông, ông có đánh giá gì việc thực hiện nhiệm vụ quản lý và chi tiêu tài chính trong CAND?

Tôi có 3 đánh giá. Một là, Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an, các cấp ủy Đảng và thủ trưởng thụ hưởng ngân sách rất quan tâm quản lý, thu chi tài chính. Bộ Công an đã xây dựng, triển khai các chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả. Thứ hai, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý tài chính ngày càng chuyên nghiệp hóa, đặc biệt việc sắp xếp lại bộ máy làm công tác quản lý tài chính của Công an các đơn vị, địa phương cũng như các đơn vị dự toán cấp 3 theo đề xuất, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Thứ ba, do đặc thù của ngành nên việc quản lý các định mức, chế độ chi tiêu tài chính ngân sách, đất đai và tài sản trong ngành Công an là chặt chẽ. Đương nhiên là cũng có những khuyết điểm, tồn tại trong quản lý nhưng khi có kiến nghị kiểm toán thì Bộ đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu tiếp thu và thực hiện kịp thời, nghiêm túc.

- Phần trên ông khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của kiểm toán là chỉ ra cách làm thế nào để đơn vị quản lý tài chính tốt nhất. Đối với lực lượng Công an, KTNN đã có những kiến nghị gì để đảm bảo mục tiêu này?

KTNN đã có góp ý, kiến nghị với Bộ Công an công tác quản lý tài chính, đặc biệt những kiến nghị về lập, phân bổ dự toán, điều hành và quyết toán ngân sách bao quát được tất cả các nguồn kinh phí như đã nói ở trên. Kiến nghị hoàn thiện hơn nữa bộ máy tổ chức trong công tác quản lý tài chính, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về tài chính, kế toán. Kiểm toán cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chế độ định mức, điều này cũng tác động đến chế độ tài chính, định mức trong lĩnh vực an ninh.

Tới đây, chúng tôi tái cơ cấu lại Vụ Kiểm toán đặc biệt, lập một phòng kiểm toán đầu tư thuộc Vụ này nhằm giúp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường hơn nữa việc quản lý trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản.

- Xin cảm ơn Tổng Kiểm toán!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.