Thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng:

Không thể “lần mò như dò đá qua sông”

Thứ Hai, 09/01/2017, 10:52
Nghị quyết Trung ương 4 nêu rõ trong phần giải pháp về công tác chính trị tư tưởng: "Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả".

Khi nghiên cứu Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, có đồng chí nêu những băn khoăn: thứ nhất, khái niệm này mới quá, tình hình thực tế có đến mức như thế không, có cách nào diễn đạt khác không; thứ hai, nội hàm của khái niệm cần phải làm rõ hơn, vì rằng tự diễn biến, tự chuyển hóa có vẻ như còn chung chung, mới là sự "báo động", bởi khi nói suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì đã hàm chứa sự diễn biến và chuyển hóa từ bên trong rồi. 

Bày tỏ những băn khoăn đó không sợ bị "đánh giá" về tư tưởng mà còn thể hiện sự nghiêm túc, muốn tìm hiểu, nghiên cứu một cách thấu đáo để đối chiếu với tình hình thực tiễn. Bởi chính Nghị quyết Trung ương 4 cũng nêu rõ trong phần giải pháp về công tác chính trị tư tưởng: "Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả".

Thật ra khái niệm tự diễn biến, tự chuyển hóa không hoàn toàn mới. Từ Ðại hội lần thứ XI, Ðảng ta đã chỉ rõ: Trong nội bộ, có những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Ðến Ðại hội XII, Ðảng ta một lần nữa nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Tự diễn biến nếu hiểu một cách đơn giản là sự dao động, diễn biến tâm lý theo xu hướng cực đoan, nay nghĩ thế này, mai nghĩ thế khác, nay nghĩ tốt, mai cho là xấu, nay bảo trắng, mai bảo đen. Từ những dao động ban đầu ấy nếu không tự nhìn nhận lại những suy nghĩ của mình, không được đồng chí, anh em góp ý sẽ dẫn tới chệch hướng, mất niềm tin. 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có một câu nói rất đơn giản của cán bộ cấp phân đội mà ai từng làm lính đều nhớ: "Tư tưởng không thông vác bi-đông không nổi". Còn thời chúng ta đang sống đây, các bạn trẻ thường gọi thời @, khi tư tưởng không thông thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ðó là những thói tật: chém gió, bàn lùi, vô cảm, a dua... 

Có một cán bộ nọ hôm trước vừa hăng hái ủng hộ xây dựng công trình đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, với đủ lý do về tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của tỉnh, hôm sau lại nói khác hẳn. Ý kiến bỗng quay ngoắt 180 độ: dư luận cho rằng dự án này có dấu hiệu lợi ích nhóm, lãng phí, gây ô nhiễm môi trường... Không phải ông suy nghĩ lại nên đã thận trọng hơn, mà chỉ vì ông nghe tin sắp tới sẽ được điều động đến một địa phương khác (!).

Ðó là nói về tự diễn biến. Còn tự chuyển hóa trong nội bộ? Chúng ta ngày càng thấy rõ đường đi từ những băn khoăn, do dự, dao động chuyển sang tự chuyển hóa, từ cá nhân một người mà lan sang nhiều người, sang cả một tổ chức. Sự lây lan ấy như một thứ virus nguy hiểm, mắt thường không thấy được. 

Nghị quyết chỉ rõ, khi "con bệnh" đã nặng thì sẽ chuyển hóa đến mức: "Móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Ðảng và Nhà nước".

Tự diễn biến, tự chuyển hóa có nội hàm khác nhau và thông thường tự diễn biến xảy ra trước. Nhưng trong thực tiễn, thật khó phân biệt rạch ròi. Ðúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường". 

Tự diễn biến, tự chuyển hóa đều là cái bên trong con người, là tư duy, phẩm chất con người. Tuy nhiên, qua sinh hoạt đảng và các tổ chức chính trị - xã hội, qua những việc làm cụ thể của mỗi người, đồng chí, bạn bè có thể "đọc" được những suy nghĩ của họ. 

Một số cán bộ có chức quyền tham nhũng, vi phạm pháp luật khi phải nhận mức án cao nhất đã nói những lời gan ruột: “Những sai lầm của tôi các đồng chí trong cấp ủy đều đã chỉ ra. Rất tiếc khi đó tôi đã không nghe, vì cho rằng mọi người đã "nâng quan điểm" cao quá, vì tôi quá tự tin, hiếu thắng. Giá mà tôi biết dừng lại!”. 

Trong sự sám hối muộn màng đó, không thấy có lời tự nhận rằng đồng chí ấy đã tự chuyển hóa. Nhưng những người cùng chung con thuyền thì thấy rất rõ con người anh ta, từ khi có chút quyền lực đã lạm dụng quyền lực, thay đổi quá nhanh về lối sống, về thái độ công tác, đơn giản nhất là sự ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp không còn trong sáng, chân thành. Thậm chí còn vào hùa với những phát ngôn mang tư tưởng dân chủ cực đoan, bịa đặt, thổi phồng những khuyết điểm của cấp trên, những mặt trái trong xã hội.

Tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và trong mỗi con người đều có nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó có nguyên nhân cán bộ, đảng viên coi nhẹ việc học tập lý luận chính trị, hoặc có học nhưng không hành, có được tấm bằng này bằng nọ cốt để làm đẹp hồ sơ cán bộ. 

Ðiều này, ngay từ năm 1947 khi viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách". 

Nghị quyết lần này nêu rất cụ thể: "Ðẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Ðảng. Ðổi mới nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả".

Trong bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phần giải pháp về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình Trung ương xác định mười vấn đề lớn. Ðây là sự chỉ đạo mang tính lý luận và thực tiễn hết sức cơ bản, nhuần nhuyễn. Nếu thực hiện tốt theo Nghị quyết, nhất định sẽ thu được những kết quả tích cực, làm chuyển biến tình hình. 

Ðương nhiên các nhiệm vụ, giải pháp phải được tiến hành đồng thời. Bởi vì ở đây đó có tư tưởng cho rằng, công tác tư tưởng thế là kỹ rồi, tốt rồi, đã "thuộc bài" ngay từ Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI. Bây giờ là lúc phải dồn sức vào công tác tổ chức, phải luật hóa các chủ trương của Ðảng, đặc biệt là chế độ, chính sách cán bộ. 

Chẳng hạn cần sớm xóa bỏ bằng được cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp"; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "sân sau", trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công... Làm được như thế thì người có chức quyền sẽ không dễ, không thể và không cần tham nhũng. 

Ý kiến khác thì nhấn mạnh việc kiểm tra, xử lý cán bộ sai phạm. Tướng sai thì "trảm" tướng, quân sai thì "xử" quân, thế là quang minh chính đại, chớ có "xem xét, điều tra" quá lâu, lần mò như kẻ dò đá qua sông. Những bức xúc, những kiến nghị đó là có cơ sở, chúng ta đã và đang làm. 

Hàng chục vụ án nghiêm trọng đã xử và chuẩn bị xử. Nhiều cán bộ cao cấp, trung cấp đương chức và đã về hưu mắc khuyết điểm nghiêm trọng đã bị xử lý kỷ luật, không để "chìm xuồng". Xử lý kiên quyết nhưng lại phải thận trọng, đúng pháp luật, đúng Ðiều lệ Ðảng, có lý, có tình...

Hải Đường
.
.
.