Thông tin tiếp loạt bài: “Máu” rừng nghiến thượng nguồn sông Đà vẫn không ngừng chảy:

“Không thể làm ngơ cho cán bộ buông lỏng quản lý, không giữ được rừng”

Thứ Năm, 31/05/2018, 08:34
Đó là khẳng định của ông Mùa A Vảng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên về thực trạng rừng nghiến thượng nguồn sông Đà đang bị chặt hạ.


Báo CAND vừa có loạt bài điều tra 5 kỳ phản ánh việc khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến ở rừng phòng hộ đầu nguồn sông Đà của huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên) và huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). Qua đó khẳng định tình trạng chặt hạ cây gỗ nghiến vẫn diễn ra, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường sinh thái và nguồn nước Thủy điện Sơn La, Hòa Bình; trong khi vấn đề trách nhiệm lại vòng vo, hoà cả làng, thậm chí có thể có sự tiếp tay cho lâm tặc lộng hành…

Bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Mùa A Vảng về vấn đề bức xúc này.

PV: Theo ghi nhận của PV, tình trạng phá rừng, đặc biệt rừng nghiến ở Điện Biên hiện vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

ĐBQH Mùa A Vảng: Trong những năm qua chúng tôi thường xuyên nhận được báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên về việc chặt phá rừng. Không phải thời gian gần đây mà từ năm 2016 đã được phản ánh về việc này rồi.

Ông Mùa A Vảng, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Sau phản ánh của Báo CAND, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa. Đồng chí cho biết, từ năm 2016 đến nay, tổng số cây bị chặt phá trái phép tại địa bàn giáp ranh giữa huyện Tủa Chùa và Tuần Giáo là 20 cây. Riêng 5 tháng đầu năm 2018 không có cây mới bị chặt phá. Tôi tin vào số liệu của đồng chí Chủ tịch huyện, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý nghiêm những vi phạm, đặc biệt là những người trực tiếp chịu trách nhiệm tại nơi đó như Kiểm lâm, cán bộ cấp xã…

PV: Qua thâm nhập trực tiếp hiện trường, phóng viên thấy có nhiều cây mới chứ không phải cây cũ như báo cáo của huyện…

ĐBQH Mùa A Vảng: Tôi chưa có điều kiện vào trực tiếp hiện trường nhưng qua thông tin Báo CAND phản ánh, sẽ đề nghị huyện có báo cáo, kiểm tra lại xem có những sự việc như vậy không, nếu có sẽ đề nghị chỉ đạo xử lý những cá nhân có liên quan. Việc khai thác gỗ nghiến liên quan đến mua bán các sản phẩm của nó rất có giá trị nên người ta âm thầm chặt phá. Cần có giải pháp để chấm dứt tình trạng này.

PV: Có cả ảnh phóng viên chụp bên gốc, thân cây (có gốc cây đường kính lên đến 4,5m) và dấu vết bị chặt còn mới, chứng tỏ có việc cây mới bị chặt hạ, thưa ông?

ĐBQH Mùa A Vảng: Tôi có xem hình ảnh trên Báo CAND, cũ cũng có và trong đó có 1 gốc cây mới. Tuy nhiên nhìn ảnh thì chưa thể xác định là cuối năm 2017 hay đầu năm 2018.

PV: Dù ở thời điểm nào thì cũng phải đặt vấn đề trách nhiệm, theo ông thì trách nhiệm thuộc về ai?

ĐBQH Mùa A Vảng: Chúng ta có lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng là Kiểm lâm, bên cạnh đó là cấp uỷ chính quyền cấp xã trực tiếp trên địa bàn. Có bảo lâm cấp thôn bản và lực lượng Công an. Theo tôi, trách nhiệm vẫn thuộc về Kiểm lâm vì anh được giao trách nhiệm chuyên trách về việc đó và cấp uỷ chính quyền trên địa bàn đó. Nếu buông lỏng quản lý, tiếp tay cho việc khai thác gỗ trái phép thì đương nhiên các tổ chức, cá nhân ấy phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Có như thế thì chúng ta mới ngày càng đạt hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt đối với những cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao.

PV: Có ý kiến cho rằng, lâm tặc không dễ lộng hành nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ chính quyền địa phương…

ĐBQH Mùa A Vảng: Chúng tôi chưa đi kiểm chứng thực tế và chưa có báo cáo chính thức, nhưng để xảy ra việc chặt phá rừng trái phép thì phải xem lại tinh thần trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền được giao nhiệm vụ trên địa bàn để có thể xem xét mức kỷ luật phù hợp. Trong trường hợp phát hiện có sự tiếp tay cho lâm tặc phá rừng trái phép thì phải xử lý, chứ không thể nào làm ngơ cho cán bộ buông lỏng quản lý, không giữ được rừng ngay trên địa bàn mình được giao phụ trách. Tôi hy vọng không có chuyện này.

PV: Chính phủ đã quyết định đóng cửa rừng tự nhiên nhưng xem ra nhiều nơi vẫn mở?

ĐBQH Mùa A Vảng: Thời gian vừa qua Chính phủ và lãnh đạo các cấp đã chỉ đạo rất quyết liệt phải đóng cửa rừng tự nhiên. Tuy nhiên trên địa bàn miền núi có 2 nguyên nhân: Một là người dân vì miếng cơm manh áo nên phá rừng để đảm bảo cuộc sống, thứ hai là giá trị gỗ quý đem lại kinh tế nên người ta âm thầm khai thác để bán. Trong 5 tháng đầu năm 2018 tỉnh Điện Biên phát hiện 82 vụ, trong đó có 12 vụ phá rừng trái phép, 60 vụ liên quan đến buôn bán, tàng trữ lâm sản. Chúng tôi đã có biện pháp xử lý.

Tỉnh vừa qua cũng chỉ đạo đánh giá kết quả việc thực hiện Chỉ thị 13 của Trung ương về lãnh đạo bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới sẽ tiếp tục giám sát hiệu quả hơn.

Một cây nghiến mới bị chặt hạ, mạt cưa còn tươi nguyên bên cạnh những tấm ván mới được xẻ để vận chuyển ra khỏi rừng.

PV: Qua xem xét các số liệu của Điện Biên cho thấy, số vụ vi phạm thì nhiều nhưng số vụ bị xử lý, đặc biệt xử lý hình sự thì ít.

ĐBQH Mùa A Vảng: Đúng là như bạn nói, phát hiện thì nhiều nhưng số vụ xử lý thì có mức độ. Nhưng người dân mình cũng khó khăn, có những trường hợp thấy rõ vi phạm nhưng tuỳ thuộc đối tượng để có biện pháp xử lý phù hợp. Riêng trường hợp vi phạm liên quan đến khai thác gỗ để buôn bán thì đương nhiên phải xử lý nghiêm. Cảm ơn ý kiến của Báo CAND, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với tỉnh có sự giám sát, xử lý nghiêm minh.

PV: Ông đánh giá thế nào về vai trò của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên khi để xảy ra tình trạng chặt phá rừng nghiêm trọng? Đã bao giờ Đoàn đặt vấn đề giám sát nội dung này chưa?

ĐBQH Mùa A Vảng: Thời gian vừa qua, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên thực hiện đúng theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, trong đó có việc giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người nghèo trên địa bàn, có cả việc quản lý, phát triển rừng và khoanh nuôi, bảo vệ rừng cho người dân. Có những vụ việc hay địa bàn mà dư luận quan tâm thì chúng tôi cũng đề nghị địa phương báo cáo, làm rõ để xử lý.

Cùng với việc giám sát chung, ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các buổi tiếp xúc cử tri chúng tôi đều có văn bản chuyển lại cho các huyện đề nghị xử lý, giải quyết, trong đó có việc quản lý, bảo vệ rừng.

Thời gian tới chúng tôi rất mong được sự quan tâm, ủng hộ, kịp thời có ý kiến của các cơ quan giám sát trong tỉnh và các cơ quan báo chí, đây là kênh phản ánh thông tin kịp thời. Trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện nay, chỗ nào hợp lý thì chúng tôi tiếp tục thực hiện, chỗ nào chưa hợp lý thì nghiên cứu, đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa đổi bổ sung cho phù hợp trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của Đoàn ĐBQH trong giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng, như Luật Lâm nghiệp mới đã quy định rất rõ, làm sao để công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày càng tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

Quỳnh Vinh (thực hiện)
.
.
.