Không thể 'bẻ lái' quan điểm 'vừa hợp tác, vừa đấu tranh'

Thứ Hai, 02/03/2015, 09:53
Trong nhiều phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại đã khẳng định quan điểm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam sẵn sàng là bạn với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi… Quan điểm này được khẳng định một cách nhất quán trong đường lối đối ngoại.

Tuy nhiên, một số ý kiến đã cố ý “bẻ lái” nội dung này nhằm làm sai lệch đường lối, quan điểm trên, cho rằng việc Việt Nam “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” là không rõ ràng trong đường lối, mập mờ trong đối ngoại, giữa bạn và thù, giữa đối tác, đối tượng.

Từ đó, những ý kiến này biện luận theo lối suy diễn tiêu cực, lấy cớ đả phá Việt Nam. Trong khi đó, nhận thức của một bộ phận quần chúng, cán bộ, đảng viên cũng chưa đầy đủ về vấn đề hợp tác, đấu tranh trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc giai đoạn hiện nay. 

Thực tế, kể từ thời kỳ chúng ta bước vào công cuộc đổi mới, vấn đề bạn – thù, đối tác – đối tượng, hợp tác – đấu tranh đã được hiểu một cách linh hoạt, phù hợp với quy luật vận động thực tiễn.

Tại Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta đã đề ra “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình hình mới”, nêu rõ phương châm chỉ đạo trong việc xác định đối tác - đối tượng là:

Phải trên tinh thần thêm bạn, bớt thù, phân hóa, cô lập các thế lực thù địch chống đối ta; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới. Không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn. Không có đối tác vĩnh viễn, song phải xác định được những đối tác chiến lược, lâu dài, nhất quán trên cơ sở chủ trương thêm bạn, bớt thù; khai thác triệt để mặt đối tác nhằm bảo đảm lợi ích lâu dài và chắc chắn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…  

Trên cơ sở đó, Đảng ta đã đề ra nguyên tắc trong việc xác định đối tác, đối tượng phù hợp với bối cảnh của đất nước, đó là: “Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh.

Mặt khác, trong tình hình diễn biến mau lẹ và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn nhận biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta. Trên cơ sở đó, cần khắc phục cả hai khuynh hướng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và trong xử lý các tình huống cụ thể”.

Đến tháng 10/2013, Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bổ sung thêm các điểm mới so với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc năm 2003. Với hệ thống 7 quan điểm đề ra trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nghị quyết lần này tiếp tục nhấn mạnh và làm rõ hơn quan điểm về vấn đề đối tượng - đối tác.

Nghị quyết chỉ rõ: Vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta.

Mặt khác, trong tình hình diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, cần có cách nhìn biện chứng: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong mỗi đối tác có thể có mặt mâu thuẫn với lợi ích của ta cần phải đấu tranh.

Quan điểm trên thể hiện được tính mềm dẻo, biện chứng toàn diện trong cách nhìn nhận về đối tượng và đối tác, về hợp tác và đấu tranh, đảm bảo tính kế thừa, phát triển những nội dung mới so với quan điểm được thể hiện trong Nghị quyết năm 2003. Thực tế đã khẳng định về tính đúng đắn của quan điểm này, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và tính cạnh tranh song hành cùng tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng gia tăng.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông, dư luận quốc tế quan tâm đường lối đối ngoại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Về vấn đề này, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ rõ, đối với Trung Quốc và với tất cả các nước trên thế giới, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại được nêu trong Điều 12, Hiến pháp 2013.

Đó là đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động tích cực hội nhập hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp nội bộ, bình đẳng cùng có lợi, thực hiện các cam kết, công ước quốc tế mà ta là thành viên, vì lợi ích quốc gia dân tộc, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, đóng góp cho hòa bình hữu nghị độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

“Đối với Trung Quốc, đường lối đối ngoại của chúng ta cũng trên cơ sở đó. Với ta, Trung Quốc là láng giềng, dù nắng mưa hay bão lũ, chúng ta vẫn là láng giềng. Chúng ta mong muốn Trung Quốc luôn chân thành hợp tác để cùng có lợi, cùng thực hiện thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ vàng, 4 tốt để đem lại lợi ích cho cả hai bên…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Trả lời về đề nghị nói một cách ngắn gọn, súc tích về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc từ khi Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu 6 chữ, đó là quan hệ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”.

Quan điểm nói trên là rõ ràng, cụ thể, xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn. Việc một số đối tượng tìm cách “bẻ lái” sang cách hiểu khác chỉ là sự ngụy biện để chống phá Việt Nam.

Đăng Minh
.
.
.