Không nên để việc đầu tư cho miền núi thành "đầu voi đuôi chuột"

Thứ Sáu, 31/05/2019, 12:22
"Chính sách ban hành với mục tiêu thì lớn, nhưng thực tế chính sách trực tiếp đến người dân thì nhỏ giọt, như người dân thường nói đó “đầu voi, đuôi chuột”, trên thực tế vẫn còn một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành nhưng chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện... " - đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho biết.

Phát biểu thảo luận sáng 31-5, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng: Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và cả xã hội đã dành sự quan tâm sâu sắc chăm lo phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi, đời sống vật chất tinh thần của đồng bào đã được nâng lên rõ rệt.

Các chính sách này đã góp phần đáng kể cải thiện cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được bảo đảm, chính sách chính trị được ổn định, đồng bào cũng nỗ lực thực hiện tốt các chính sách góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. 

Dẫn số liệu từ kết quả giám sát nêu trong Nghị quyết số 112 của Quốc hội, đại biểu cho biết: Việc giao đất, giao rừng tỷ lệ thấp chỉ đạt 11,5%; việc cấp giấy chứng nhận đất chỉ đạt 10,7%; nhiều diện tích đất ở, đất sản xuất, đất rừng ở vùng nông thôn, buôn sóc, bản làng nơi đồng bào sinh sống chưa được quy hoạch trong khi nơi này lại là nơi có đồng bào thuộc nhóm nghèo và nghèo nhất cả nước, kinh tế chậm phát triển nhất, đại biểu Leo Thị Lịch cho biết “chính sách ban hành với mục tiêu thì lớn, nhưng thực tế chính sách trực tiếp đến người dân thì nhỏ giọt, như người dân thường nói đó “đầu voi, đuôi chuột”, trên thực tế vẫn còn một số chính sách đã hơn 3 năm ban hành nhưng chưa có nguồn lực để triển khai thực hiện... 

“Đồng bào chờ đợi, mong mỏi không khác gì một loại quả đẹp chỉ để ngắm không ăn được” – đại biểu bày tỏ và đề xuất 3 vấn đề là ngoài báo cáo đánh giá chung, hàng năm Chính phủ cần có Báo cáo chuyên đề về đánh giá thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số, miền núi để các đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá sâu hơn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và tiến độ thực hiện các chính sách vùng dân tộc thiểu số;  tiếp tục nghiên cứu có chính sách đột phá cho cải tạo đất, tái sinh rừng tự nhiên, giải quyết các vướng mắc của đất nông, lâm trường, tăng cường giao đất, giao khoán rừng để đồng bào đủ tư liệu sản xuất, tạo sinh kế ổn định, bám đất giữ rừng, bảo vệ vững chắc vùng phên dậu chiến lược quốc phòng, biên giới quốc gia. Sau khi ban hành các chính sách thì nguồn lực, Chính phủ cần được bố trí bảo đảm tiến độ thực thi chính sách kịp thời để triển khai thực hiện cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Leo Thị Lịch

Thu Thuỷ
.
.
.