Các chi nhánh liên tiếp "ngâm" tiền của khách giao dịch:

Không lẽ ngân hàng chủ quản bó tay?

Thứ Sáu, 01/10/2010, 14:36
Báo CAND đã liên tiếp thông tin về tình trạng chậm chuyển tiền, có dấu hiệu chiếm dụng vốn của khách giao dịch xảy ra tại một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn TP HCM. Trong quá trình tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi tiếp tục phát hiện một nạn nhân khác cũng vừa gặp cảnh tương tự.
>>Chuyển tiền qua tài khoản bị "ngâm" tiền: Một kiểu chiếm dụng vốn của khách giao dịch

Theo ông Châu, một người dân ở huyện Hóc Môn cho biết, ngày 6/9 một khách hàng thông báo đã chuyển trả số tiền 25 triệu đồng từ Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank ở Tiền Giang vào tài khoản của ông mở tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Phú trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP HCM. Tuy nhiên, mãi tới ngày 16/9 tài khoản của ông mới báo có về số tiền này.

Theo ông Châu, đây là lần thứ 2 ông gặp phải tình trạng chậm nhận được tiền do nơi khác chuyển về. Lần trước, khoản tiền gần 42 triệu đồng được khách hàng chuyển cho ông từ Chi nhánh Ngân hàng Vietcombank ở Tiền Giang về tới tài khoản của ông cũng đã mất đúng một tuần.

Ông Châu cho biết thêm, dù thời gian giữ tiền của khách kéo dài như vậy nhưng các ngân hàng không tự giác chuyển trả. Mà ngược lại, khoản tiền bị ngân hàng "ngâm" này cũng chỉ  được chuyển vào tài khoản của ông sau khi ông được người chuyển tiền fax cho tờ ủy nhiệm chi. Có chứng cứ trong tay, ông mới điện thoại truy vấn cả 2 ngân hàng, phải đến lúc đó tiền mới được chuyển trả vào tài khoản.

Khách chỉ biết thực hiện các thủ tục chuyển tiền, còn thời gian bao lâu tiền về tới địa chỉ chuyển phụ thuộc vào từng ngân hàng.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, ông Lê Thành Chánh, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT An Phú cho biết, hiện tại chi nhánh đang áp dụng 2 hình thức chuyển tiền cho khách giao dịch là chuyển tiền điện tử và thanh toán bù trừ. Với khách hàng chuyển tiền qua lại giữa các chi nhánh cùng hệ thống Ngân hàng NN&PTNT mà bên nhận có tài khoản tại đây, lập tức tài khoản sẽ báo có ngay.

Còn với khách hàng nhận tiền bằng chứng minh nhân dân cũng chỉ mất khoảng nửa tiếng. Với các khoản chuyển khác hệ thống, do phải qua Ngân hàng Nhà nước rồi mới vào hệ thống ngân hàng nhận nên tùy thuộc vào các khâu này.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng phòng Kế toán của chi nhánh này cho biết thêm: Thông thường, việc chuyển khoản tại đây sẽ được đóng sổ vào lúc 3h chiều, với những khoản lớn, thời gian đóng sổ cũng chỉ kéo dài thêm 30 phút. Điều này có nghĩa, các khách hàng thực hiện lệnh chuyển khoản sau thời điểm này sẽ bị ngân hàng để lại tới ngày hôm sau.

Tuy nhiên, với trường hợp của ông Châu, việc chậm trễ diễn ra tới 10 ngày nên theo ông Chánh, trường hợp này khách hàng cần truy vấn tại chi nhánh ngân hàng nhận chuyển, khâu nào chậm khâu đó phải chịu trách nhiệm. Khi chúng tôi tiếp tục đặt vấn đề: Ngân hàng chịu trách nhiệm với khách hàng tới đâu thì ông Chánh cho rằng ngân hàng làm sai sẽ phải bồi thường theo mức phạt chậm trả…

Khoản tiền chuyển cho ông Châu dù nhỏ, nhưng các chi nhánh ngân hàng thừa biết rằng, nếu không có công việc, không phát sinh giao dịch mua bán… thì sẽ chẳng có khách hàng nào tự nhiên đem tiền của mình đi chuyển cho người khác. Nếu như ngân hàng làm sai mà chỉ phải chịu phạt chậm trả như vậy, trách nhiệm trước thiệt hại gây ra với khách hàng khi tiền đã mất công, tốn phí để chuyển không đến tay người nhận khiến giao dịch không thành; gây mất uy tín giữa người chuyển, người nhận hoặc khiến 2 bên hiểu lầm nhau… đã bị phía ngân hàng phủi tay

Đức Thắng
.
.
.