Không được lợi dụng Tổ chức Ân xá quốc tế vu cáo, xuyên tạc chống Việt Nam

Thứ Tư, 19/08/2009, 09:32
Sự kiện hàng năm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Quyết định đặc xá tha tù cho những phạm nhân trước thời hạn đặc biệt thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận trong, ngoài nước. Nhiều hãng thông tấn báo chí quốc tế đều cử đại diện đến Việt Nam đưa tin, bài đồng tình với chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam...

Gần đây, do động cơ, mục đích không trong sáng, Tổ chức "Ân xá quốc tế" (tiếng Anh là Amnesty International, viết tắt AI) - trụ sở chính ở thủ đô London, Vương quốc Anh do bà Irene Khan, người Bangladesh giữ cương vị Tổng Thư ký đã công bố nhiều "Bản phúc trình" hoặc "Báo cáo thường niên" phản ánh không khách quan về tình hình dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo ở nhiều quốc gia trên thế giới, nên đã bị làn sóng dư luận các nước, trong đó có Việt Nam phản đối mạnh mẽ. Việc làm này của những người đang "chèo lái" con thuyền AI đã đi ngược lại tôn chỉ, mục tiêu đề ra ban đầu của luật sư sáng lập tổ chức người Anh - Peter Benenson công bố vào năm 1961.

Trao quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho phạm nhân cải tạo tốt - chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.

Do chính sách khoan hồng, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn của xã hội, sự ưu việt của chế độ XHCN đối với những công dân vi phạm pháp luật, bị giam giữ nhằm giáo dục và cải tạo, hàng năm vào dịp lễ Quốc khánh (2-9) và Tết cổ truyền của dân tộc, Nhà nước Việt Nam đều tổ chức các đợt đặc xá cho những phạm nhân cải tạo tốt, tạo điều kiện cho họ hoàn lương sớm trở về hòa nhập với cộng đồng.

Kể từ năm  2000 đến nay, qua nhiều đợt đặc xá, Việt Nam đã tha tù trước thời hạn cho trên 90.000 phạm nhân. Tuyệt đại đa số người được đặc xá đã có ý thức hoàn lương, hướng thiện, nhanh chóng tái hòa nhập cuộc sống cộng đồng, nhiều người đã trở thành những doanh nhân làm ăn phát đạt và tích cực tham gia vào các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hoạt động từ thiện, được xã hội đánh giá cao.

Sự kiện hàng năm Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam công bố Quyết định đặc xá tha tù cho những phạm nhân trước thời hạn đặc biệt thu hút sự quan tâm theo dõi của dư luận trong, ngoài nước. Nhiều hãng thông tấn báo chí quốc tế đều cử đại diện đến Việt Nam đưa tin, bài đồng tình với chính sách nhân đạo của Nhà nước Việt Nam. Gần đây nhất, đợt đặc xá nhân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2009, Việt Nam đã đặc xá tha tù trước thời hạn cho hơn 15.000 phạm nhân, trong đó có 36 người có quốc tịch nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Pháp...). Nhiều đợt đặc xá trước đó, tổ chức Nhân quyền quốc tế - "Freedom Now" có trụ sở chính tại Thủ đô Washington (Mỹ) đã bày tỏ sự phấn khởi khi được biết Việt Nam đã đặc xá cho các phạm nhân mà họ quan tâm thái quá.

Vì vậy, không thể chấp nhận được nhiều năm qua trong các "Bản phúc trình" và "Báo cáo thường niên" do AI công bố đã vu cáo, xuyên tạc "Việt Nam đang giam giữ nhiều tù nhân chính trị, tù nhân tôn giáo và tù nhân lương tâm"... vv và vv. Sự thật thì ở Việt Nam không có ai là "tù nhân chính trị", "tù nhân tôn giáo" hay "tù nhân lương tâm"... mà AI đã nêu, và hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam không tồn tại các thuật ngữ nêu trên. Ở Việt Nam chỉ giam giữ nhằm giáo dục và cải tạo những phạm nhân phạm các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam đã bị tòa án tuyên bản án đã có hiệu lực thi hành pháp luật.

Ngoài ra, các "báo cáo thường niên" do AI công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng toàn cầu từ năm 1998 đến nay thường xuyên bịa đặt và vu khống trắng trợn tình hình tự do ngôn luận, tự do tôn giáo ở Việt Nam, với luận điệu "Việt Nam đàn áp các nhà bất đồng chính kiến quyền tự do ngôn luận, siết chặt kiểm soát Internet đã tạo nên bầu không khí lo sợ cho người dân"...  Song sự thật thì không phải như vậy, mà ở Việt Nam báo chí đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân, là công cụ quan trọng bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

Mọi người dân đều có quyền đề đạt nguyện vọng, phát biểu và đóng góp ý kiến trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có báo chí. Đến cuối năm 2008, ở Việt Nam đã có 702 cơ quan báo chí, hơn 200 báo điện tử và hệ thống báo chí trên mạng Internet với gần 15 nghìn hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, chưa kể hàng nghìn người có hoạt động báo chí nhưng chưa gia nhập Hội. Việt Nam hiện có 1 đài phát thanh và 1 đài truyền hình quốc gia, 4 đài truyền hình khu vực và 63 đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh, thành phố và hơn 600 đài truyền hình cấp huyện.

Việt Nam còn là quốc gia có nhiều tôn giáo và nhiều loại hình tín ngưỡng, với hơn 22 triệu tín đồ tôn giáo, mọi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, chức sắc diễn ra bình thường được nhà nước bảo vệ. Đội ngũ chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo không ngừng tăng, tính đến năm 2009 ở Việt Nam có gần 64 nghìn chức sắc, nhà tu hành, có 7 người là đại biểu Quốc hội Việt Nam và 1.170 chức sắc tôn giáo là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nhà nước Việt Nam không ngừng tạo điều kiện để các tôn giáo ở Việt Nam mở rộng quan hệ với các tổ chức tôn giáo quốc tế.

Như trên đã nói, từ năm 1998 đến nay, vì những động cơ và mục đích khác nhau, các "Bản phúc trình" hoặc "Báo cáo thường niên" do AI công bố đã bị Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga v.v... phản ứng quyết liệt.

Thế giới ngày nay vẫn tiếp tục diễn biến vô cùng phức tạp, ở một vài nơi, nạn khủng bố, xung đột tôn giáo, sắc tộc vẫn diễn ra triền miên, cướp đi sinh mạng và đe dọa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Ngày nay, AI với hơn 7.500 nhóm, khoảng 1 triệu thành viên, hoạt động ở 162 quốc gia và vùng lãnh thổ hãy quay về với tôn chỉ, mục tiêu tốt đẹp ban đầu bảo vệ con người, nói lên tiếng nói vì một thế giới hòa bình không có chiến tranh, nạn khủng bố và xung đột tôn giáo... làm phương hại đến hoà bình, an ninh thế giới. Ở Việt Nam không có chuyện giam cầm ai là "tù nhân chính trị", "tù nhân lương tâm", "tù nhân tôn giáo" hoặc đàn áp "tự do tôn giáo", "tự do ngôn luận"... bởi vì đó chỉ là "chiêu bài," "luận điệu tâm lý chiến" đã quá nhàm chán và lỗi thời

Lan Anh
.
.
.