Không đơn vị nào chính thức khiếu nại về kết quả kiểm toán

Thứ Bảy, 22/07/2017, 07:14
Chiều 21-7, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố tổng hợp kết quả kiểm toán 2016 và việc thực hiện kết luận kiểm toán 2015.


Về cơ bản, các kết quả kiểm toán 2016 đã được công bố trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, nên đợt công bố này, công chúng quan tâm nhiều hơn đến tranh cãi giữa các đơn vị được kiểm toán (như Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Viện Huyết học truyền máu Trung ương) với Kiểm toán Nhà nước.

Trả lời về phản ứng của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng như một số đơn vị khác, ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) cho biết: “Chúng tôi luôn có kiểm soát chất lượng và thực hiện đúng quy trình. Tất cả kết luận kiến nghị đều phản ánh khách quan, trung thực, dựa trên các bằng chứng chính xác, xác thực, hợp lí và hợp pháp. 

Khi thu thập, cơ quan kiểm toán đều trao đổi công khai với đơn vị được kiểm toán, sau đó sẽ được lập biên bản kiểm toán, biên bản xác nhận số liệu tình hình kiểm toán viên, kí với người đứng đầu đơn vị ấy”.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc quản lý về giá của Bộ Y tế với thiết bị y tế còn bất cập.

Ông Hòa cũng khẳng định: “Trên thực tế, chúng tôi chưa nhận được văn bản phản hồi nào của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải về kết luận kiểm toán. Khi có ý kiến khiếu nại chúng tôi sẽ có phản hồi theo đúng quy trình”.

Trao đổi kỹ hơn về phản ứng của các bệnh viện liên quan đến kiểm toán trang thiết bị y tế, ông Nguyễn Văn Tân, Kiểm toán trưởng Kiểm toán chuyên ngành 3 cũng khẳng định: Đánh giá quản lí, sử dụng trang thiết bị y tế là có tình trạng lãng phí. Chúng tôi có số liệu cụ thể, tuy nhiên mức độ lãng phí khác nhau, ở nhiều đơn vị, nên số tiền tuyệt đối là khá lớn, nhưng tỉ trọng không lớn.

Tại Bộ Y tế, KTNN chọn mẫu 15 bệnh viện thì phát hiện khoảng 30% tài sản theo nguyên giá còn sử dụng chưa hiệu quả, có một phần lãng phí (khoảng 165 tỷ đồng của 15 bệnh viện, chiếm trên dưới 1% giá trị thiết bị). Bộ Y tế có 89 thiết bị chưa sử dụng hoặc ít sử dụng; 157 thiết bị hỏng chưa kịp thời sửa chữa, hoặc sau khi kiểm toán kết thúc mới khắc phục được; 228 thiết bị hỏng không sửa được nhưng cũng không thanh lí.

Còn tại 8 tỉnh, thành phố, qua kiểm toán có 1.225 thiết bị với tổng giá trị 371 tỷ sử dụng lãng phí... Do đó, ông Tân cũng cho biết “nếu đưa thông tin toàn bộ thiết bị trị giá 371 tỷ đồng là lãng phí là không chuẩn”.

Về nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hiệu quả, lãng phí trên, ông Tân cho biết: “Có nguyên nhân đầu tư không đồng bộ, không phù hợp yêu cầu. Có cái bộ đưa xuống địa phương thì địa phương không cần, không sử dụng được. Có Bộ được đầu tư thiết bị, nhưng không được đầu tư cơ sở lắp đặt thiết bị, thậm chí thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nên có tình trạng có thiết bị đắp chiếu”.

Về quản lí giá vật tư, hóa chất, ông Tân cho biết: Qua đánh giá giá vật tư, kiểm toán nêu thông tin có chênh lệch lớn về giá là giá kế hoạch, không phải giá thực tế mua. So sánh để nói công tác quản lý về giá của Bộ Y tế còn hạn chế, bất cập, chưa có cơ sở dữ liệu giá vật tư hóa chất. Khi phê duyệt hoàn toàn dựa vào cấp dưới đưa lên. Đưa lên bao nhiêu phê duyệt bấy nhiêu. Bệnh viện chỉ cung cấp 3-4 báo giá của nhà cung cấp, không có cơ sở so sánh giá. Có cơ sở cung cấp cung cấp giá sai, nên Bộ duyệt sai, cuối cùng đấu thầu rồi về không cung cấp được vì giá thấp quá. Phê duyệt giá vật tư hóa chất lại phê duyệt chung chung, ko rõ chủng loại, thông số kĩ thuật, sử dụng mục đích gì…

Do phê duyệt giá chung chung, làm giá chung chung, nên giá chênh lệch nhau lớn. Giá trúng thầu nhiều trường hợp thấp hơn nhiều giá kế hoạch, có chỗ thấp hơn 50%. Như vậy, chúng tôi muốn minh chứng việc quản lí giá của Bộ Y tế chưa tốt, nên kiến nghị để khắc phục, để có tác dụng cạnh tranh, ngăn lợi dụng, thất thoát, vì cuối cùng đó là tiền của bệnh nhân...”, ông Tân nói.

Một số Bộ, địa phương chuyển đổi xe công chưa đúng quy định

Tại báo cáo kiểm toán lần này, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra có nhiều sai phạm trong hoạt động mua sắm, sử dụng, quản lý và thanh lý xe công.

Theo đó, Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg và Thông tư số 159/2015/TT-BTC chưa quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi từ xe phục vụ công tác sang xe chuyên dùng, nhưng đã có 6 Bộ và 1 tỉnh chuyển đổi. Bộ Tài chính chuyển 385 xe, tỉnh Bến Tre chuyển 9 xe, Ngân hàng Nhà nước chuyển 76 xe, Thông tấn xã Việt Nam chuyển 14 xe, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam chuyển 8 xe, Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển 15 xe, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chuyển 33 xe.

Bên cạnh đó, tình trạng trang bị xe ôtô và xe chuyên dùng cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị xe.

Tại tỉnh Đắk Lắk: UBND tỉnh cho phép 7 huyện mua mới 8 xe chuyên dùng 9 tỷ đồng, các huyện đều giao cho các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã quản lý, sử dụng để thực hiện công tác vệ sinh môi trường là chưa đúng quy định. Tại Ninh Bình, UBND thành phố mua 3 xe chuyên dụng 4,148 tỷ đồng và 200 xe gom rác 0,86 tỷ đồng bàn giao cho Công ty Cổ phần Môi trường & Dịch vụ đô thị Ninh Bình là chưa đúng quy định.

Vũ Hân
.
.
.