Không để tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn, tiếp tay cho tội phạm

Thứ Ba, 07/03/2017, 14:02
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình khi kết luận Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP sáng nay, 7-3.


Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở nước ta trong năm 2016; hoạt động của Ban Chỉ đạo 138/CP trong năm 2016, thảo luận những việc làm được, chưa làm được, các khó khăn và vướng mắc, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm, đề xuất phương hướng, giải pháp đột phá để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017 nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và phòng chống mua bán người thời gian tới.

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP, Phó Thủ tướng Thường trực hoan nghênh, ghi nhận và biểu dương những thành tích mà Ban Chỉ đạo 138 Trung ương và các địa phương đã đạt được trong năm 2016; đồng thời khẳng định những kết quả đó đã góp phần kiềm chế sự gia tăng tội phạm, góp phần quan trọng tạo môi trường xã hội lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình phát biểu kết luận hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra một số tồn tại, thiếu sót trong công tác phòng, chống tội phạm: Công tác nắm và dự báo tình hình còn yếu nên có nơi, có lúc giải quyết một số vụ việc còn lúng túng bị động; hiệu quả đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm chưa đủ mạnh; vẫn còn sai sót trong điều tra, xử lý tội phạm nhất là ở cấp cơ sở; phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở một số nơi chưa có bề rộng và chiều sâu...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị Ban Chỉ đạo 138 từ Trung ương đến địa phương cần quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ thị của Bộ Chính trị, nghị quyết của Quốc hội, chương trình quốc gia và kế hoạch của Ban Chỉ đạo về công tác phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người, nhất là Kết luận số 05 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị, Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm và Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020.

Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu không để tồn tại tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn, tiếp tay cho tội phạm

Bên cạnh đó tiếp tục hoàn thiện thể chế trong phòng, chống tội phạm và quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Cơ quan thường trực cần sớm đề xuất đưa vào chương trình xây dựng dự án Luật phòng, chống tội phạm có tổ chức, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng trong phòng, chống tội phạm.

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống tội phạm. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tích cực tham gia cảm hóa, giúp đỡ, tạo điều kiện việc làm cho người mãn hạn tù tái hòa nhập tại cộng đồng dân cư, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý các lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc tình hình, phân tích, thống kê, đánh giá, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT kịp thời từ cơ sở. Các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; kịp thời truy tố, xét xử những vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng; tăng cường xét xử lưu động để răn đe tội phạm.

Toàn cảnh hội nghị

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, cần tập trung tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng truy nã, không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm “lộng hành”, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. “Nơi nào để tội phạm hoạt động “lộng hành” trong thời gian dài thì lãnh đạo UBND địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Truy nã đối tượng phải kiên quyết, kể cả tội phạm trong nước hay trốn chạy ra nước ngoài”.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình nêu rõ, các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cần làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao phẩm chất, đạo đức lối sống, giữ vững kỷ cương, kiên quyết chống suy thoái, tiêu cực; không để tồn tại tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, bôi trơn, chống lưng, tiếp tay cho tội phạm…; kiên quyết xử nghiêm CBCS vi phạm pháp luật, kỷ luật.

Nghiêm trị người lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại đã đề xuất Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138/CP tăng cường hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt nghiên cứu ban hành các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, đảm bảo các chế tài đủ mạnh để xử lý hành vi cố ý vi phạm, phục vụ công tác phòng ngừa, răn đe. “Nhất là tình hình tôn giáo ở Nghệ An, sự vụ xảy ra ngày 14-2 ở huyện Diễn Châu” – ông Lê Xuân Đại nêu.

Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình khẳng định, Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, tạo mọi điều kiện cho tôn giáo hoạt động bình thường, đúng pháp luật, nhưng đồng thời cũng kiên quyết nghiêm trị những người lợi dụng tôn giáo để chống phá nhà nước, gây rối ANTT, lợi dụng những sự kiện, sự cố để có hành kích động, xúi giục người dân khiếu kiện trái pháp luật.

“Địa phương cũng phải nắm vững chính sách pháp luật của Nhà nước để xử lý đúng thẩm quyền, một mặt tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động, hỗ trợ cho các hoạt động của tôn giáo, nhưng đồng thời cũng kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.


Quỳnh Vinh
.
.
.