Không để doanh nghiệp sữa “qua mặt” cơ quan quản lý

Chủ Nhật, 16/03/2014, 09:21
Không bình ổn cũng tăng giá, càng bình ổn càng dễ tăng giá, thậm chí bị “tuýt còi” vẫn ngang nhiên tăng giá. Giá sữa đang làm đau đầu các cơ quan chức năng và xâm hại trực tiếp tới lợi ích của người tiêu dùng. Làm thế nào để quản lý giá sữa, tránh thất thu cho Nhà nước và không gây thiệt hại tới người tiêu dùng? PV chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” dành cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính) để sáng tỏ vấn đề đang được quan tâm này.

PV: Thưa ông, ông có bình luận gì về việc các doanh nghiệp (DN) tự ý tăng giá sữa thời gian qua mặc dù Bộ Tài chính chưa đồng ý?

PGS-TS Ngô Trí Long: Trước hết, phải nói rằng việc tăng giá sữa như vừa qua đã tác động trực tiếp tới quyền lợi của người tiêu dùng, nên dư luận hết sức quan tâm. Việc làm đó vi phạm như thế nào, thì Thanh tra Bộ Tài chính đang làm rõ. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, khi không được phép mà vẫn ngang nhiên tăng giá, thì đúng là cơ quan quản lý đang bị “qua mặt”.

PV: Không phải chỉ tự ý tăng giá, mà còn có hiện tượng các DN sữa dàn hàng ngang tăng giá. Liệu có đúng là các DN đang “bắt tay” nhau?

PGS-TS Ngô Trí Long: Việc các DN có bắt tay tăng giá hay không, theo tôi, dấu hiệu thì đã rất rõ ràng, nhưng để chứng minh thì sẽ rất khó. Nếu muốn chứng minh có sự bắt tay này, phải có các chứng cứ như các bên cùng tổ chức một cuộc họp, cùng ngồi bàn bạc với nhau, thậm chí ký chung một văn bản cam kết cùng tăng giá… Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, khi thông tin liên lạc rất nhanh nhạy, thì chỉ cần cuộc điện thoại, hoặc thậm chí cũng chẳng cần điện thoại, mà chỉ một DN tăng, thì các DN khác cũng sẽ tăng theo, vì thị trường rất nhạy bén, DN không dễ gì để lợi nhuận của mình bị ảnh hưởng.

PV: Thực tế cho thấy việc quản lý giá sữa quá khó khăn, theo ông quy định quản lý không đủ chặt chẽ hay vì thực thi công tác quản lý của các cơ quan chức năng bị buông lỏng, nên giá sữa vượt ngoài tầm kiểm soát?

PGS-TS Ngô Trí Long: Về phương pháp quản lý, hiện nay quan trọng nhất là kiểm soát chi phí của DN, từ giá vốn nhập khẩu, cho đến thuế khóa, vận chuyển, hoa hồng các đại lý… Trong thực tế hiện nay, việc kiểm soát này hầu như không làm được, vì thông tin ngoài nước thì không biết, thông tin trong nước thì mập mờ, nên việc bị DN qua mặt là điều dễ hiểu. Tôi xin nhấn mạnh rằng thế giới hiện nay là “thế giới phẳng”, nên các thông tin không có gì là không kiểm soát được. Thị trường tài chính có khả năng làm được cả 2 phương pháp tính giá và so sánh, nên các cơ quan chức năng “kêu” không làm được là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình.

Sữa tăng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

PV: Chúng tôi được biết, hiện nay Bộ Tài chính đang tính đến việc áp giá trần đối với mặt hàng sữa, quan điểm của ông như thế nào về biện pháp này cả mặt được và chưa được?

PGS-TS Ngô Trí Long: Theo tôi, việc có áp giá trần hay không phải hết sức cẩn thận, vì việc định giá chỉ là áp dụng cho các mặt hàng độc quyền, còn với các mặt hàng khác, công tác điều hành giá phải thông qua thuế khóa. Hiện nay thị trường sữa có tới 80 thương hiệu, vậy có thực sự có sự cạnh tranh hay độc quyền? Theo quy định, một mặt hàng được gọi là độc quyền khi mà nó nằm trong tay một hoặc vài ba doanh nghiệp. Trong trường hợp nhiều DN, thì phải xem tỷ trọng của các DN với công thức: 1 DN chiếm 30%, 2 DN chiếm 50% và 3 DN chiếm 70% thị phần. Theo thông tin mà tôi nắm được, thì với 80 thương hiệu sữa hiện nay, riêng Công ty cổ phần Dinh dưỡng 3A phân phối sản phẩm sữa Abbot đang chiếm 30% thị phần. Với thị phần này, dấu hiệu thống lĩnh thị trường là có thực, và đây cũng sẽ là cơ sở để có thể áp giá trần. Song, tôi vẫn nhắc lại là việc làm này phải hết sức cẩn thận và cân nhắc kỹ.

PV: Thưa ông, áp giá trần chỉ là một phương án đang được tính đến. Nhưng làm thế nào để đưa thị trường sữa vào khuôn khổ, vừa không gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vừa hạn chế thất thu ngân sách mà không làm méo mó thị trường với các mệnh lệnh hành chính?

PGS-TS Ngô Trí Long: Trước tiên, phải phân định rõ, nếu thị trường sữa thực sự là thị trường cạnh tranh, thì giá sữa phải do thị trường quyết định và quyền lựa chọn là ở người tiêu dùng. Lúc đó, Nhà nước phải kiểm soát chi phí, giá vốn, giá lưu thông, đánh thuế… Còn nếu thị trường không cạnh tranh, DN độc quyền thì Nhà nước phải định giá cụ thể, nếu là DN thống lĩnh thị trường thì phải áp giá trần, giá sàn cho việc bán mua của DN.

Ngoài ra, đối với thị trường sữa, để giải quyết tình trạng bát nháo giá như hiện nay, cả Nhà nước, DN cũng như người tiêu dùng đều phải tham gia. Nhà nước ngoài quản lý, cần phải có quy hoạch phát triển thị trường sữa trong nước bằng cách phát triển chăn nuôi bò sữa, hiện đại hóa công nghệ chế biến sữa. Đối với DN, cần có cơ chế quản lý, “bóc” các chiêu trò đẩy giá lên cao của DN. Còn với người tiêu dùng, không thể chạy theo quảng cáo, sính ngoại, mất tiền cho những DN trục lợi bất chính.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính: DN sữa sai sẽ bị xử lý theo pháp luật

Về biện pháp xử lý DN tự ý tăng giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính cho biết: Chiểu theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, thì các DN sữa có dấu hiệu vi phạm về giá. Khi cơ quan thanh tra, kiểm tra kết luận sáng tỏ mà DN làm sai, sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định. Việc quản lý vẫn bám theo văn bản cao nhất là Luật giá, các Nghị định 177 năm 2013, Nghị định xử phạt về giá năm 2013 và chúng tôi vẫn đề nghị phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích của Luật, Nhà nước vẫn tôn trọng quyền tự định giá của DN và điều tiết khi cần thiết, nếu như các DN vi phạm luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Về biện pháp gì siết chặt việc quản lý giá sữa, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Thứ nhất, thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá. Đồng thời, thành lập 5 đoàn đi thanh tra 5 DN sản xuất kinh doanh sữa chiếm thị phần lớn để làm rõ việc tuân thủ văn bản pháp luật về giá. Qua đó, có thể điều tra làm rõ sai phạm, và không loại trừ khả năng sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để công bố các biện pháp bình ổn giá.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Bỏ cơ chế đăng ký giá, thay bằng kiểm soát giá

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, quản lý thị trường sữa đang có một bất cập đó là Thông tư 30 chỉ là cơ sở pháp lý để DN đăng ký giá chứ không phải là cơ chế để Nhà nước kiểm soát giá của DN. Rõ ràng đây chỉ là hình thức chứ không mang tính hiệu quả. Thậm chí, nhờ có Thông tư 30, được đưa vào mặt hàng bình ổn, giá sữa lại càng dễ tăng hơn, vì nó đã được hợp lý hóa bằng cách chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng là đã đủ trách nhiệm, sau đó tha hồ tăng giá với cái cớ đã đăng ký, đã được chấp nhận, mà không sợ bị soi, không sợ bị ai “tuýt còi” cả”. Chính vì vậy, theo Tiến sĩ Phong, nếu đã đưa vào mặt hàng bình ổn, thì nên bỏ cái gọi là cơ chế đăng ký giá, mà hãy chuyển sang cơ chế kiểm soát giá, đưa ra quy chuẩn về quản lý, mức lợi nhuận bình quân mà DN được hưởng khi kinh doanh sữa, hay nói cách khác là áp mức trần cho giá sữa theo tỷ lệ lợi nhuận. Có như vậy, giá sữa mới thực sự được quản lý, người tiêu dùng mới không bị móc túi. “Còn không, hãy để giá sữa cạnh tranh theo thị trường, chứ đừng bình ổn nửa vời kiểu này”, ông Phong đề xuất.

Hà An (thực hiện)
.
.
.