Không để cạnh tranh sách giáo khoa vì lợi ích một nhóm nào đó

Thứ Năm, 08/11/2018, 18:32

Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Vấn đề sách giáo khoa (SGK), thi THPT Quốc gia tiếp tục thu hút sự quan tâm thảo luận của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).



Sách giáo khoa phải ổn định, nếu không sẽ “lãng phí hoài”

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, về quy định một chương trình nhiều sách giáo khoa (SKG) cần thận trọng. Từ chỗ nhiều SGK dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách, từ chỗ tùy tiện chọn lựa sách dẫn đến SGK thiếu cục bộ, có nơi thừa SGK môn này, có nơi thiếu SGK môn khác.

ĐBQH Phạm Văn Hoà

“Như tỉnh Đồng Tháp, vừa rồi thiếu sách Toán và Tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Hỏi hết, lên tận Sài Gòn cũng không có nữa, qua Hậu Giang, qua Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có. Vì đến lúc khai giảng, giáo viên nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, SGK này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa” – đại biểu viện dẫn, đồng thời đề nghị nếu thực hiện một chương trình nhiều SKG thì phải quy định hết sức chặt chẽ.

Đồng quan điểm, ĐBQH Thuận Hữu (Hải Phòng) đề nghị chương trình SGK và bộ SGK phải tương đối ổn định, nếu không sẽ gây ra tình trạng “cứ lựa chọn hoài và lãng phí hoài”. “Tôi nghĩ mỗi chính sách mà ngành Giáo dục đưa ra đều có ảnh hưởng rất lớn tới xã hội, do đó nên thực nghiệm. Chính sách đưa ra thiếu thực nghiệm sẽ gây nên sự xáo trộn, hoài nghi trong nhân dân. Và bộ SGK phải có tính ổn định”, đại biểu nói.

Đối với vấn đề SGK sử dụng một lần hay nhiều lần, đại biểu Phạm Văn Hoà khẳng định việc các giáo sư biên soạn SGK theo mô hình học tiên tiến của thế giới có minh họa hình ảnh là phù hợp, rất tốt. Tuy nhiên từ chỗ minh họa hình ảnh để học sinh hiểu biết dẫn đến tình trạng SGK chỉ sử dụng được 1 năm mà thôi, vì trong sách có ô trống, bài tập.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ

“Ngày xưa, người lớn tuổi như chúng tôi học có bài tập riêng, còn bây giờ học sinh học làm bài tập trong sách, rồi chấm điểm luôn nên SGK chỉ sử dụng được 1 lần. Tôi nghĩ rất bất cập”, ông so sánh. Theo ông, SGK sử dụng nhiều lần để đỡ tốn tiền của gia đình, xã hội, cũng là ngân sách thì phù hợp hơn chứ không thể nào theo kiểu cạnh tranh SGK với nhau vì lợi ích của một nhóm nào đó.

ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng cho rằng, đất nước Việt Nam là một, chỉ nên có một bộ SGK, còn lại đều là sách tham khảo. Đánh giá SGK hiện tại kiến thức hàn lâm nhiều quá, ông đề nghị đổi mới làm sao để học sinh học ít thôi nhưng là “học để hiểu” chứ không phải học thuộc như bây giờ. “Chỉ học thuộc tuỳ cái thôi chứ nhồi nhét mười mấy môn học vào đầu học sinh rất mệt” – ông lý giải.

Thi đạt gần như 100% thì không nên tổ chức thi

Về Kỳ thi THPT Quốc gia, kỳ thi “2 trong 1”, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị phải tính toán phương pháp thi làm sao cho phù hợp, không tiêu cực để đông đảo bà con, cử tri, nhân dân đồng tình ủng hộ.

“Tôi thấy không có năm nào như năm nay, thi tỷ lệ đạt chung của cả nước gần 99%. Đã nói đến thi thì tất nhiên có người trúng, người trượt. Nhưng trúng hoàn toàn gần như hết số lượng học sinh thì tôi nghĩ chất lượng đầu vào của đại học rất khó khăn. Không nói đến chuyện tiêu cực ở một số tỉnh đã xảy ra mà cách thi như vậy thì không ổn” – đại biểu lo ngại.

Ông nêu quan điểm, nếu thi đạt gần như 100% vậy thì không nên tổ chức thi tuyển để cấp bằng TPHT nữa mà xét tuyển từ lớp 10, 11, 12 để đỡ tốn tiền của, thời gian. “Việc thi tuyển vào đại học thì phải thi như trước đó. Các em thấy mình học giỏi, học khá đảm bảo thi vào đại học được thì thi. Còn các em thấy không thi được thì để cho các em, các cháu học nghề. Như vậy thì không lãng phí nguồn lực và các trường cũng dễ tuyển sinh đại học. Đầu ra của đại học cũng đạt chất lượng cao hơn”, ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phân tích.

ĐBQH Lâm Đình Thắng

Đại biểu Cao Đình Thưởng cũng nhất trí, thi tốt nghiệp phổ thông thì cần nhẹ nhàng thôi nhưng thi vào đại học thì phải thi thực chất để chọn người tài. Bên cạnh đó, để có trò giỏi phải có thầy giỏi. Chúng ta có hệ thống rất nhiều trường đại học, trường nghề nhưng cần phải quan tâm nhất các trường thuộc hệ thống sư phạm.

Qua đó đào tạo được hệ thống giáo viên mới vừa giỏi, vừa hiện đại mà chúng ta gọi là 4.0. “Tuy nhiên việc thu hút học sinh giỏi vào sư phạm hiện chúng ta đang gặp thất bại. Tôi biết có những tỉnh đang có chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, nhưng thực tế rất ít học sinh vào”, đại biểu lưu ý.

Trong khi đó, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) quan tâm đến chính sách đối với giáo viên tăng cường vùng sâu vùng xa. “Nhiều giáo viên sau 10 năm giảng dạy ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa thì không thể quay về được nữa vì 2 lý do: Thứ nhất kiến thức cùn đi, hai là có thể đảm bảo về mặt kiến thức nhưng khó có thể quay về tìm công việc ở các đô thị lớn. Mà điều này đánh thẳng vào tâm lý giáo viên”, đại biểu lý giải.

Ông đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ chính sách đối với nhà giáo ở Điều 77 và cụ thể hoá hơn nữa để đảm bảo quyền lợi đối với những người đã sẵn sàng xung phong đến với miền núi hay vùng sâu, vùng xa, hải đảo được hưởng cơ chế ưu đãi nhất định, để họ có thể quay về.

ĐBQH Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) đánh giá tiêu chuẩn nhà giáo trong dự thảo Luật còn chung quá. “Đề nghị nghiên cứu, đưa ra tiêu chuẩn cụ thể để các nhà giáo có hướng phấn đấu và ngăn chặn hành vi không tốt trong dạy học; cũng là tiêu chí mà sinh viên trong ngành sư phạm phấn đấu, rèn luyện; kể cả việc tổ chức đánh giá giáo viên sau này…”, đại biểu nêu ý kiến.


An Quỳnh
.
.
.