Không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần

Thứ Bảy, 09/06/2018, 07:43
Luật Quốc phòng có hiệu lực từ 1-1-2019.


Sáng 8-6, Luật Quốc phòng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với 88,3% ý kiến tán thành. Với 7 chương và 40 điều, Luật Quốc phòng quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.

Trước khi biểu quyết, các đại biểu đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật; biểu quyết thông qua Điều 15 của luật này về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội, kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng và Điều 30 quy định nguyên tắc hoạt động và trường hợp sử dụng vũ trang nhân dân.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho rằng Bộ Quốc phòng đang thực hiện việc tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp theo quyết định của Thủ tướng (giảm từ 88 xuống còn 17 doanh nghiệp), sẽ không còn doanh nghiệp quốc phòng hoạt động kinh tế đơn thuần. Các doanh nghiệp này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bình đẳng như các doanh nghiệp khác.

Các tập đoàn kinh tế - quốc phòng được tổ chức, hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, đứng chân và hoạt động chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người... có nhiệm vụ tham gia xóa đói, giảm nghèo, củng cố và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; đồng thời là đơn vị quản lý, huấn luyện dự bị động viên, sẵn sàng mở rộng, chuyển thành các đơn vị bộ đội chủ lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp.

Luật Quốc phòng có hiệu lực từ 1-1-2019.

Đưa 3 luật ra khỏi chương trình năm 2018

Chiều 8-6, với 87,47% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.

Theo đó, Quốc hội đã nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 các dự án sau đây: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật An toàn thực phẩm, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Trẻ em, Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Công an nhân dân (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 6 theo quy trình tại một kỳ họp); Luật Quản lý thuế (sửa đổi) (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

Quốc hội cũng điều chỉnh thời gian trình các dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường (lùi từ Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8).

Năm 2018, Quốc hội đưa ra khỏi Chương trình các dự án: Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Công an xã.

Năm 2019, tại kỳ họp lần thứ 7, sẽ trình Quốc hội thông qua: Luật Hành chính công; Luật Kiến trúc; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

P.A - P.T
.
.
.