Khởi tố vụ án nếu có dấu hiệu tội phạm khi thực hiện kết luận kiểm tra

Chủ Nhật, 22/03/2020, 20:13
Ngày 12/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 31/3/2020.


Riêng các Điều: 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28 và 29 của Nghị định này (liên quan đến xử lý người thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính) có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020.

Chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm       

Phương thức kiểm tra xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tiến hành định kỳ, theo địa bàn, chuyên đề hoặc theo ngành, lĩnh vực được tiến hành trên cơ sở kế hoạch kiểm tra hàng năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị của Bộ, Cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đề nghị của tổ chức pháp chế thuộc Bộ, Cơ quan ngang Bộ trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; đề nghị của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trên cơ sở theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu quản lý Nhà nước về xử lý vi phạm hành chính.

Phương thức kiểm tra còn được tiến hành đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cá nhân, tổ chức hoặc có phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng về việc áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa chính xác, có dấu hiệu xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; khi phát hiện vướng mắc hoặc dấu hiệu vi phạm trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do cơ qua, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính gửi đến hoặc đang được lưu trữ, bảo quản theo quy định; qua theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc hàng hoá một cơ sở kinh doanh.

Nghị định số 19 quy định, người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra ra quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận kiểm tra khi hết thời hạn phải thực hiện kết luận kiểm tra, mà đối tượng được kiểm tra không không có báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra hay xin gia hạn thực hiện; đối tượng được kiểm tra không báo cáo kết quả thực hiện kết luận kiểm tra theo quy định của pháp luật; quá trình theo dõi, đôn đốc phát hiện đối tượng được kiểm tra có dấu hiệu tẩu tán tiền, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác, cản trở hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Căn cứ kết quả kiểm tra, người có thẩm quyền ban hành kết luận kiểm tra có trách nhiệm: yêu cầu Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng được kiểm tra áp dụng biện pháp theo thẩm quyền buộc đối tượng được kiểm tra hoàn thành việc thực hiện kết luận kiểm tra; áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật; chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, khởi tố vụ án nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm tra.

Xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính 

Nghị định số 19 quy định, các hành vi vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chínhgồm: giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che khi xử lý vi phạm hành chính; không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng theo quy định pháp luật; can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính; kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính; sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. 

Cũng theo Nghị định này, các hành vi được xác định là vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính gồm: giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; cung cấp thông tin, tài liệu không chính xác, thiếu trung thực liên quan đến nội dung kiểm tra; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người làm nhiệm vụ kiểm tra; chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra; tiết lộ thông tin, tài liệu về kết luận kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức; không thực hiện kết luận kiểm tra hoặc thực hiện không đầy đủ, chính xác kết luận kiểm tra; ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính; không giải quyết hoặc giải quyết không kịp thời khiếu nại, tố cáo trong xử lý vi phạm hành chính...

Đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 19 quy định rõ: tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến buộc thôi việc.

Nguyễn Hưng
.
.
.