Khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực và hành động hiệu quả

Thứ Năm, 09/01/2020, 19:37

Đây là chủ đề chính của Hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ( KH&ĐT) tổ chức chiều ngày 9-1-2020 tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.


Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hội nghị thể hiện tinh thần đổi mới, tập trung vào những những nội dung quan trọng của nền kinh tế nói chung và của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói riêng trong việc phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Kế hoạch năm 2020, Kế hoạch 5 năm (2016-2020), tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Hai Nghị quyết quan trọng 01 và 02 được Chính phủ ban hành ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2020, nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Việc triển khai tích cực Nghị quyết số 01 và 02 các năm của Chính phủ sẽ tiếp tục khơi thông điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực để nền kinh tế Việt Nam đạt các mục tiêu phát triển. Tuy vậy các địa phương cũng kiến nghị các bộ ngành phối hợp với các địa phương để sớm tháo gỡ thể chế.

Toàn cảnh hội nghị

Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, năm 2020, trong bối cảnh thế giới dự báo còn chứa đựng nhiều yếu tố khó lường, Bộ KH&ĐT sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu các giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài nhằm giải quyết cho được những vấn đề bức xúc nhất của xã hội và nhân dân hiện nay về ô nhiễm môi trường, quản lý nguồn nước, xử lý rác thải, tắc nghẽn giao thông, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu... 

Bộ KH&ĐT tập trung nghiên cứu, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu dự báo, cảnh báo kinh tế - xã hội, tiến tới kết nối, chia sẻ dữ liệu kinh tế - xã hội. Đồng thời triển khai có hiệu quả Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, thống kê dân số, nhà ở, đánh giá quy mô GDP theo chuỗi số liệu đến năm 2020 để phục vụ đại hội Đảng các cấp. 

“Chúng tôi ý thức được rằng nền kinh tế vẫn còn nhiều tồn tại cần phải giải quyết. Chất lượng tăng trưởng cũng như năng suất lao động, hiệu quả và sức cạnh tranh tuy đã có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Kết quả của sự đổi mới về thể chế, pháp luật, chính sách mới chỉ ở tầm cao mà chưa thực sự đi vào cuộc sống, chưa đi sâu xuống cấp dưới, xuống từng doanh nghiệp. Tình trạng trì trệ còn chưa được khắc phục. Chặng đường đổi mới, sáng tạo, dựng xây và phát triển đất nước còn dài, khó khăn, thách thức còn nhiều và những hạn chế, tồn tại còn cần phải tiếp tục khắc phục triệt để”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ mong muốn xây dựng cơ sở dữ liệu về DN và hộ kinh doanh để kết nối và quản lý, đảm bảo đồng bộ tiến tới thực hiện chuyển đổi số. Tích hợp hệ thống quy hoạch quốc gia, đây là cơ sở để thực hiện thống nhất do hiện nay các địa phương còn lúng túng. 

Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề xuất Bộ tham mưu đối với thể chế còn vướng mắc Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Chủ tịch UBND Tỉnh Long An Trần Văn Cẩn kiến nghị sớm có hướng dẫn về hình thức đầu tư dự án PPP và sớm ban hành luật đầu tư PPP để thu hút đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019 mỗi địa phương có một thế mạnh phát triển, 63 tỉnh, TP đều vượt thu; kim ngạch XK cao. Nhiều tỉnh rất tích cực thu hút đầu tư, tìm nguồn lực phát triển như Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng, tháo gỡ những khó khăn tồn tại. Hiện, tỷ lệ giải ngân đầu tư công ở nhiều địa phương và trên cả nước còn thấp. 

Trước thực trạng đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT giải quyết các vướng mắc thể chế và khâu tổ chức thực hiện trong đầu tư công. Các giám đốc sở KH&ĐT, Bộ trưởng KH&ĐT tham mưu tích cực, bám sát hơn để tháo gỡ ngay để quý 1/2020 đầu tư công nhanh hơn. Giám đốc Sở KH&ĐT phải kiểm điểm việc giải ngân đầu tư công thấp. Thủ tướng chỉ ra các vướng mắc, bất cập trong đầu tư công như danh mục đầu tư công còn dàn trải, còn bóng dáng ban phát. Việc hoàn thiện thủ tục đầu tư công, giao kế hoạch vốn chậm, giao vốn nhiều lần, kéo dài thời gian giao vốn ảnh hưởng tiến độ giải ngân và ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, quản lý đầu thầu trong dự án đầu tư công bất cập. Thời gian đấu thầu kéo dài, hiệu quả đấu thầu chưa đạt như kỳ vọng. Quá trình thực hiện còn nhiều sai sót, sai phạm. “Nhiều nơi huỷ đầu vô căn cứ, dấu hiệu tham nhũng, 0 đồng. Đấu thầu kém công khai ở một số ngành địa phương. Tôi nhận ý kiến ở Chí Linh (Hải Dương) huỷ thầu vô căn cứ. Tôi giao các sở KH&ĐT phải xử lý tình trạng này”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nêu ra bất cập như công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế. Sau đối thoại của Chính phủ với DN, cộng đồng DN phàn nàn nhiều thủ tục hành chính, chính sách pháp luật về thuế, kiến nghị thuế, tiếp cận vốn. Bộ KH&ĐT phải tìm hiểu, tháo gỡ kịp thời hơn tình trạng này. Công tác cổ phần hoá, thoái vốn DNNN chậm. Việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trì trệ. Có tới 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập nhưng ít đơn vị tự cân đối được ngân sách. Trong khi đó, mục tiêu Thủ tướng đưa ra phải cải cách tiền lương, giảm biên chế mạnh mẽ, không để tình trạng quá đông cán bộ nhưng hiệu quả kém. 

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH&ĐT tháo gỡ nhiều nút thắt đang tồn tại để khơi thông động lực cho địa phương và cho cả nền kinh tế. “Bộ KH&ĐT cần tiếp tục phân cấp phân quyền, giao cho địa phương thực hiện các nhiệm vụ. Bộ KH&ĐT kiểm tra đôn đốc thực hiện các định hướng lớn để Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu. Bộ KH&ĐT cần tham mưu các chính sách giúp Việt Nam vươn lên trở thành nước thu nhập trung bình khá”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2020, Bộ KH&ĐT tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công năm 2019, kế hoạch đầu tư công năm 2020 và xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, tạo sự gắn kết giữa DN FDI và DN trong nước; xây dựng định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế giai đoạn 2021-2030. Người đứng đầu Bộ KH&ĐT khẳng định sẽ luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, quyết tâm giữ vững ngọn cờ cải cách, đổi mới.



Lưu Hiệp
.
.
.