Khơi thông các tiềm năng để phát triển nhanh, bền vững

Thứ Ba, 10/11/2020, 12:26
Ngày 10/11, Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hội thảo tham vấn, lấy ý kiến cho Dự thảo Chiến lược phát triển Kinh tế-Xã hội 10 năm 2021-2030.

Theo đó, mục tiêu đề ra của giai đoạn 2020-2030 đạt: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đạt khoảng 7%/năm; GDP bình quân đạt 7.500 USD/người vào năm 2030; tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt 30% GDP; tổng mức đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP, nợ công không quá 60% GDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm...

Đây là khát vọng rất lớn, hướng tới việc đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập ở mức trung bình cao vào năm 2030. 

Toàn cảnh hội thảo

Theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, quá trình soạn thảo dự thảo đã được tiến hành nghiêm túc, qua nhiều công đoạn và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn tới cũng như nhận được nhiều góp ý từ các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức liên quan. Vấn đề đặt ra là khơi thông các tiềm năng, phát huy tốt nguồn lực tổng hợp, tận dụng thời cơ, đúc rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại để nền kinh tế có thể đạt những mục tiêu đề ra.

Bà Stefanie Stallmeister, đại diện WB tại Việt Nam cho rằng, Dự thảo đã xác định những mục tiêu, tầm nhìn rõ ràng về con đường phát triển trong giai đoạn 10 năm tới, với những nội dung phù hợp. Bên cạnh đó, cần tập trung, ưu tiên thỏa đáng cho hoạt động bảo vệ môi trường, sức chống chịu trước biến đổi khí hậu; sự tương tác, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, sự ổn định, an sinh xã hội. Ngoài ra, cần lưu ý thêm về vấn đề quản lý có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Theo TS.Bùi Tất Thắng, Việt Nam cần chủ động tạo tăng trưởng từ khoa học-công nghệ, dựa vào đổi mới sáng tạo cũng như khuyến khích, thúc đẩy kinh tế số. Đây là sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp với xu hướng thời đại cũng như xuất phát từ nhu cầu tự thân của nền kinh tế nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu tổng quát nói trên. Việc cải cách cũng cần tiếp tục, với sự quyết tâm cao để kết hợp phát triển kinh tế lồng ghép với mục tiêu tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững kết hợp với bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng thích ứng với thiên tai, dịch bệnh..

Lưu Hiệp
.
.
.