Khó lý giải việc gần 200.000 doanh nghiệp đang kinh doanh... bỗng dưng “biến mất”

Thứ Sáu, 01/11/2019, 18:24
"Tôi thấy khó có thể lý giải thuyết phục được lý do tại sao có tới gần 200.000 doanh nghiệp, gần 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ đang ở đâu?" - ĐBQH Ngô Trung Thành nêu.

Chiều 1-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước; Việc cho lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước; Việc sử dụng 20% kinh phí kết dư Quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2015.

ĐBQH Ngô Trung Thành

ĐBQH Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) hoàn toàn nhất trí với chủ trương khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, tuy nhiên phải thực sự là đối với các đối tượng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Trong số 7 nhóm đối tượng được dự kiến cho hưởng chính sách này, ông bày tỏ băn khoăn đối với nhóm đối tượng là người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế.

Đại biểu cho, rằng, các doanh nghiệp khi thay đổi địa chỉ mà không báo cáo là việc làm sai của các doanh nghiệp, nhưng vấn đề đặt ra là khi doanh nghiệp làm sai như vậy mà cơ quan quản lý nhà nước không làm gì để biết được các doanh nghiệp đó hiện đang hoạt động ở đâu, còn kinh doanh hay không thì đây là một lỗ hổng quá lớn trong quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản lý dân cư.

“Tôi thấy khó có thể lý giải thuyết phục được lý do tại sao có tới gần 200.000 doanh nghiệp, gần 600.000 hộ gia đình, cá nhân đang kinh doanh mà bỗng dưng các cơ quan nhà nước không biết được họ đang ở đâu? Việc này dẫn đến không chỉ nhà nước không thu được thuế, gây thất thu cho ngân sách mà hệ lụy còn là gần 800.000 chủ thể hiện đang làm gì, có vi phạm pháp luật hay không chúng ta cũng không thể biết được”, ĐBQH tỉnh Đắk Lắk phân tích. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo làm rõ thêm và có giải pháp quản lý và tránh thất thu thuế từ nhóm đối tượng này.

ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ

Chung mối băn khoăn ấy, ĐBQH Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cũng đề cập tình trạng những người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng nhận đăng ký kinh doanh thì tiền phạt chậm nộp lên đến 4.168 tỷ đồng.

“Tôi cho rằng, việc xử lý nợ vừa tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế nhưng cũng cần phải phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách để trục lợi hoặc cố tình chây ì nợ thuế” – nữ đại biểu nêu quan điểm.

Theo bà, vấn đề đặt ra là các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp nếu cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý thuế phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế đã được xóa nợ, quay lại sản xuất kinh doanh hoặc lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới với danh nghĩa người khác, tức là người khác đứng trên giấy tờ thì phải xử lý như thế nào?

Bởi vì trong Tờ trình của Chính phủ chỉ đề cập đến việc hủy quyết định việc xóa nợ đối với người nộp thuế quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh với danh nghĩa của họ...


B.Quân
.
.
.