Góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ Sáu, 08/02/2013, 13:11
Trên thế giới không có bản hiến pháp nào làm khuôn mẫu chung cho mọi nhà nước, mọi dân tộc. Xây dựng và hoàn thiện hiến pháp là công việc của mỗi dân tộc, là công việc của những người đại diện cho toàn dân. Nói cách khác là của Quốc hội. Đã từ lâu, các thế lực thù địch tìm mọi cách để xóa bỏ Điều 4, Hiến pháp 1992 - xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ khi Quốc hội lấy ý kiến nhân dân Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chủ đề này lại “nóng” lên trên nhiều trang mạng.

Người ta cho rằng “việc đảng cầm quyền chấp nhận cạnh tranh chính trị là phù hợp với xu thế lịch sử, là điều kiện cho sự phát triển của đất nước”; rằng "nếu Hiến pháp thực sự do nhân dân quyết định thì việc định trước vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội thuộc về một tổ chức chính trị hay một tầng lớp là trái với quyền làm chủ của nhân dân…”; lập Hiến là quyền của toàn dân - cần phải tiến hành trưng cầu dân ý để người dân được “phúc quyết” Hiến pháp…

Vậy cơ sở lý luận và thực tiễn Điều 4 Hiến pháp năm 1992 về vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam như thế nào?

Về mặt thực tiễn, Điều 4, Hiến pháp 1992 bắt nguồn từ lịch sử cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, kéo dài trên 80 năm, từ năm 1930 đến nay. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam hiện nay là thành quả của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Hệ thống chính trị, mà nòng cốt của nó là Đảng Cộng sản Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở từ năm 1946 đến nay đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bởi vậy Điều 4, Hiến pháp 1992 hoàn toàn không có gì mới mẻ, bất thường, phi lý như luận điệu tuyên truyền của những người muốn đưa dân tộc Việt Nam sang con đường tư bản chủ nghĩa.

Về chính trị, vào đầu thế kỷ XX, nhân dân ta đã trải qua nhiều cuộc khảo nghiệm lịch sử về con đường giải phóng dân tộc. Chẳng hạn như con đường đấu tranh vũ trang theo tư tưởng phong kiến (của cụ Hoàng Hoa Thám); con đường dựa vào nước ngoài để cứu nước qua phong trào “Đông du” (của cụ Phan Bội Châu); con đường cải cách xã hội theo chế độ dân chủ tư sản bằng phong trào Duy Tân (của cụ Phan Châu Trinh)… rút cuộc tất cả đã thất bại. Chỉ có con đường cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mới giành được độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước. Lịch sử cho thấy chưa bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam đặt “hệ tư tưởng, đặt lợi ích của đảng lên trên lợi ích của dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” - độc lập cho dân tộc Việt Nam, tự do cho nhân dân Việt Nam. Người còn nói: “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác”. Trong bối cảnh chính trị quốc tế phức tạp Đảng ta đã có chiến lược và sách lược linh hoạt, luôn luôn giữ vững đường lối độc lập tự chủ, sáng tạo, đặt lợi ích của dân tộc trên hết. Vì vậy Cách mạng Việt Nam không rơi vào những tư tưởng cách mạng cực đoan, như ở một số nước XHCN. 

Về mặt lý luận, trên thế giới, Hiến pháp ra đời từ các cuộc cách mạng dân chủ tư sản. Ở Việt Nam Hiến pháp là thành quả của cách mạng giải phóng dân tộc. Pháp luật nói chung, Hiến pháp nói riêng là thành quả của cách mạng do những lực lượng chính trị nhất định lãnh đạo. Không có pháp luật nằm ngoài, đứng trên lợi ích của lực lượng chính trị cầm quyền. Thực tế cho thấy thể chế đa đảng là kết quả của sự cân bằng các lực lượng chính trị tham gia cách mạng. Để không tái diễn bạo lực, lực lượng giành chiến thắng đã thiết lập chế độ đa đảng với những cách thức phân bổ quyền lực dựa trên cơ sở sức mạnh của các lực lượng chính trị. Như vậy là chế độ đa đảng chỉ là sự phản ánh tương quan lực lượng, chứ không phải là sự lựa chọn “khôn ngoan”, “tốt bụng” của lực lượng chính trị chiến thắng. Điều 4 Hiến pháp 1992 chỉ là pháp điển hóa thực tiễn lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam trên một nửa thế kỷ qua.

Trên thế giới không có bản hiến pháp nào làm khuôn mẫu chung cho mọi nhà nước, mọi dân tộc. Xây dựng và hoàn thiện hiến pháp là công việc của những người đại diện cho toàn dân. Ở nước ta cơ chế đó, thẩm quyền đó thuộc về Quốc hội. Khi nói nhân dân là người “phúc quyết” hiến pháp cũng không có nghĩa, mỗi người dân đều trực tiếp “phúc quyết”, mà bao giờ cũng phải thông qua một cơ chế, một hình thức nào đó để bảo đảm quyền đó. Cho đến nay, trên thế giới chưa có bất cứ một lực lượng cầm quyền nào tự mình từ bỏ quyền lực lãnh đạo, cầm quyền của mình.  Cho nên việc đưa ra khuyến nghị, đảng phải từ bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền thực hiện chế độ đa đảng là điều không tưởng

Thành Nam
.
.
.