Khẳng định rõ vị trí, vai trò của lực lượng vũ trang

Thứ Bảy, 26/01/2013, 16:30
Là người nhiều năm làm công tác pháp chế của lực lượng Công an, Thiếu tướng, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, Thường trực Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992 trong Công an nhân dân đã có những đóng góp tâm huyết vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” đối với các quy định về bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, đồng chí Thiếu tướng, Vụ trưởng cho biết: 

Hiến pháp năm 1992 là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng năm 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đặt nền tảng cơ bản và định hướng chiến lược để phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Trải qua gần 20 năm thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 1992 về bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn TTATXH; bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN và các lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần quan trọng vào thành công của quá trình đổi mới, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trước đòi hỏi khách quan của tình hình mới, các quy định của Hiến pháp năm 1992 cần phải được tiếp tục nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện. Theo đó, cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992, trong đó có các quy định về bảo vệ Tổ quốc cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và trật tự xã hội; khẳng định rõ vị trí, vai trò, nòng cốt của các lực lượng vũ trang, trong đó có Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; khẳng định vai trò, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm hòa bình, ổn định, phát triển đất nước trong tình hình mới; rà soát các quy định khác của Hiến pháp để thể chế hóa nội dung Cương lĩnh 1991 (bổ sung, phát triển 2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, về quốc phòng, an ninh và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, trong đó thể hiện sâu sắc hơn nội dung bảo vệ Tổ quốc trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống xã hội, xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Trên tinh thần đó nên sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau: “Bảo vệ Tổ quốc, giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, trong đó nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc và góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan và công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do luật định”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ nhân dân và chế độ XHCN, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 47 như sau: “Công an nhân dân cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”.

Sửa đổi, bổ sung Điều 48 như sau: “Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, chế độ nghĩa vụ quân sự, Công an, chính sách hậu phương Quân đội, Công an, bảo đảm cho lực lượng vũ trang nhân dân kết hợp kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.