Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn

Thứ Hai, 25/12/2017, 14:25
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn, yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Không được để ngư dân ở trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ...

Sáng 25-12, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương kiểm tra công tác phòng chống bão tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, Phó Thủ tướng đã thị sát công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu vào nơi trú ẩn an toàn; đồng thời chỉ đạo, động viên các lực lượng tham gia phòng chống bão...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị địa phương tiếp tục khẩn trương kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú, hướng dẫn ngư dân neo đậu an toàn, yêu cầu phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Không được để ngư dân ở trên tàu thuyền, lồng bè khi bão đổ bộ... 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đi thị sát, đôn đốc ứng phó với cơn bão số 16 tại huyện Trần Đề (Sóc Trăng).

Rời cảng cá Trần Đề, Phó Thủ tướng đến thăm bà con sơ tán tại Trường tiểu học Vĩnh Hải 2, huyện Trần Đề. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra nơi ăn, chốn ở, công tác bảo đảm nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Phó Thủ tướng động viên người dân yên tâm ở lại nơi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng và yêu cầu chính quyền địa phương huy động lực lượng để giúp người dân đảm bảo an toàn cho nhà cửa tài sản của người dân dân yên tâm ở lại.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đã chỉ đạo tất cả các huyện, thị xã vùng ven biển có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng, phải khẩn trương di dời toàn bộ người dân đến nơi trú bão an toàn, hoàn tất trước 11h ngày 25-12.

Người dân ven biển Cà Mau, di dời đến nơi tránh trú bão an toàn. 

Tại huyện Trần Đề, từ sáng sớm đã huy động hơn 100 dân quân tự vệ, hàng chục cán bộ chiến sĩ Công an, quân sự, bộ đội biên phòng, hơn chục phương tiện xe buýt, ô tô… đến các khu vực nguy hiểm có đông dân cư sinh sống ven biển để giúp dân di dời đến nơi trú ẩn.

Ghi nhận tại khu vực bến cá Mỏ Ó, huyện Trần Đề có 477 trẻ em, 185 người già và 816 phụ nữ phải di dời. Các lực lượng đã giúp đỡ, bế các cụ già, em nhỏ ra xe hết sức khẩn trương. Bên cạnh đó, nhiều gia đình đã chủ động tự di dời bằng xe máy, phương  tiện cá nhân. Mặc dù trời mưa càng lúc càng nặng hạt nhưng mọi người vẫn dầm mưa để di chuyển, chỉ có một số người đàn ông ở lại công coi nhà cửa và tiếp tục chằng néo lại mái tôn để chống bão.

Ông Lê Minh Bảy, Bí thư Huyện ủy Trần Đề cho biết, lực lượng y tế các xã, bệnh viện đa khoa huyện cũng đang trong tình trạng sẵn sàng và túc trực 24/24 trong hai ngày 25 và 26 để ứng phó và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bệnh viện đa khoa huyện đang có 90 bệnh nhân điều trị nội trú.

Sóc Trăng dùng xe buýt di chuyển người dân đến nơi tránh trú bão an toàn. 

Theo dự tính, một số bệnh nhân có tình trạng sức khỏe ổn định sẽ được cấp thuốc về nhà hoặc đến nơi trú bão để tiếp tục nghỉ ngơi, khoảng 60 bệnh nhân được điều chuyển về tuyến tỉnh để được chăm sóc tốt hơn, toàn bộ máy móc thiết bị đều được di dời qua Ban chỉ huy quân sự huyện để đảm bảo an toàn.

Cũng trong sáng cùng ngày, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung Võ Thanh Quang cho biết, các lực lượng Quân sự, Công an, Dân quân tự vệ cũng khẩn trương di dời 2.000 người dân tại năm xã tiếp giáp các cửa sông lớn về ba điểm trường học trên địa bàn để tránh trú bão. Các lực lượng y tế cũng sẵn sàng trực ứng cứu khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Một số người ở lại trông nhà và chằng chống nhà cửa. 
Công an huyện Trần Đề chạy xe đến từng nhà ở khu vực xung yếu kêu gọi người dân di dời đến nơi an toàn. 

Ghi nhận tại nhiều địa phương trong tỉnh Sóc Trăng, từ sáng sớm đã có mưa, mỗi lúc một lớn hơn và nặng hạt. Đến 9h cùng ngày đã có một vài nơi mưa lớn kèm theo gió giật khá mạnh.  

Tại Cà Mau đang có mưa. Người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh bắt đầu sơ tán đến nơi an toàn tại các điểm trường, trụ sở chính quyền, nhà dân kiên cố… dưới sự hướng dẫn của chính quyền các cấp.

Tại chợ thị trấn trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển – sáng nay người dân đến mua lương thực dự trữ rất đông; riêng một số người đến mua dây kẽm, dây thừng về chằng chống nhà.

“Hôm qua đi biển vào tới nên không làm kịp, sáng nay tôi ra mua dây về kiền lại căn nhà cấp bốn” - anh Trần Văn Ân nói với vẻ lo lắng về căn nhà của mình sẽ không trụ nổi với bão giữ.

Ông Nguyễn Long Hoai - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh cương quyết di dời dân đến nơi an toàn tránh bão. Chính quyền địa phương một số nơi áp dụng biện pháp “cưỡng chế” đối với các hộ không chịu di dời.

“Tính đến 5h sáng, toàn tỉnh đã đưa khoảng 2.000 hộ dân đến nơi tránh trú bão an toàn, công tác này đang được tiếp tục và sẽ hoàn thánh trước 5h chiều trên tổng số hơn 98.000 người”, ông Hoai nói và cho biết, tất cả các khâu hậu cần từ thức ăn, nước uống đến thuốc men cũng được đảm bão phục vụ người dân.

Công an huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) đến tận nhà vận động người dân di dời đến nơi an toàn. 

Ở một số địa phương của huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) do đường bộ đi lại khó khăn, nên người dân được đưa đi sơ tán bằng võ lãi. Trước khi đi, bà con chằng chống nhà cửa rất cẩn thận, song vẫn bày tỏ quan ngại về nhà cửa mình vì phần lớn nhà dân được xây dựng thô sơ, bằng cây lá địa phương.

Chị Nguyễn Y Ngọc (ngụ xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) ôm con gái 15 ngày tuổi xuống tàu đến trụ sở xã tránh bão, cho biết: “Con gái còn nhỏ quá, muốn ở lại nhà nhưng các chú nói phải đi vì tính mạng của con, chứ mình đi rồi căn nhà lá không ai trông coi chắc nó bay mất khi bão vào”. Chủ tịch thị trấn Rạch Gốc Huỳnh Thanh Đảm cho biết, trong sáng nay riêng thị trấn đã sơ tán khẩn cấp 4.000 người đến nơi an toàn. “Chúng tôi bố trí lực lượng sẵn sàng túc trực ứng cứu nhà dân bị sập trong bão. Ngoài ra công tác an ninh cũng được triển khai từ sớm”, ông Đảm nói.

Cũng tại Cà Mau, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, huy động toàn bộ lực lượng kết hợp cùng các sở ban ngành và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền và thực hiện các biện pháp sẵn sàng đối phó với các tình huống ảnh hưởng do cơn bão số 16 gây ra. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão 16 tại các khu vực xung yếu.

Cà Mau có kế hoạch di dời 98.535 người, hiện các địa phương đang tiến hành di dời người già và trẻ em sống ven biển. Nhà cửa đã chằng chống 12.432/ 26.756 căn nhà thuộc diện phải chằng chống. Về công trình ven biển, đã triển khai gia cố tạm 8 điểm sạt lở rất nguy hiểm trên đê biển Tây với chiều dài hơn 1,2 km bằng bạt trải ao nuôi tôm và cừ tràm. Tại cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời là cửa biển lớn nhất tỉnh và khu vực. Vì thế, lượng tàu thuyền vào tránh trú rất đông, các ngành chức năng rất quyết liệt triển khai các biện pháp an toàn. 

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh và UBND huyện Trần Văn Thời tháo dỡ những hàng đáy trái phép thuộc khu vực thị trấn Sông Đốc, tránh làm ảnh hưởng việc tránh trú bão của tàu bè. Các đơn vị đang liên hệ với trên 600 tàu còn đang ngoài khơi khẩn trương vào bờ trú bão. Có 835/2.000 căn nhà đã được người dân chằng néo, gia cố mái; nhiều điểm trú bão đã tiếp nhận trên 700 người già, trẻ em vào trú trú ngụ. Tại cửa biển Khánh Hội, huyện U Minh nhằm chủ động ứng phó với cơn bão, lãnh đạo chính quyền đã tổ chức tuyên truyền nhân dân gia cố, chằng néo nhà cửa. đồng thời vận động các hộ dân sinh sống ven các cửa biển, di dời vào các địa điểm an toàn.

Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra, vận động bà con tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) di dời đến khu vực an toàn.

Bên cạnh việc di dời dân tại các nơi xung yếu, ven các cửa biển, lực lượng Công an và các sở ban ngành đã tiến hành rà soát, nghiêm cấm không cho phương tiện tàu thuyền ra khơi trong thời điểm này và hướng dẫn tàu thuyền di chuyển vào những bến bãi, khu vực được che chắn, khuất gió. Trong đó lực lượng Công an trực tiếp xuống địa bàn thực hiện phương án ứng phó với bão, đảm bảo ANTT tại các địa bàn và cửa biển trọng yếu.

Công an các đơn vị, huyện, thành phố đã phân công 450 lực lượng đứng chân địa bàn; tổ chức ca nô đổ quân, đảm bảo giữ vững ổn định tình hình ANTT trên địa bàn tỉnh. Đã tổ chức 6.230 lượt tuyên truyền, vận động người dân ứng phó bão. Phối hợp giúp nhân dân thực hiện việc chằng chống nhà cửa; đã chằng chống 7.358 căn nhà, các lực lượng đang tiếp tục giúp nhân dân đảm bảo an toàn nhà cửa và tài sản cho nhân dân. Tổ chức kiểm đếm số lượng tàu, thuyền: Tổng số có 3.465 tàu, thuyền, với 22.049 lao động; 3.113 tàu, thuyền neo đậu, 19.156 lao động; tàu ngoài tỉnh nhờ neo đậu 581 tàu, thuyền, với 3.521 lao động; 352 tàu thuyền hoạt động trên biển, với 2.493 lao động; Hiện các tàu thuyền đều liên lạc được và vào nơi trú ẩn an toàn. Có 136 tàu, thuyền, với 968 lao động đang tạm trú tại Malaysia và Thái Lan.

Tại Trà Vinh:

Trưa 25-12, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm đã ký văn bản cho toàn thể cán bộ, nhân viên nghỉ làm việc từ trưa nay (25-12) đến hết ngày 26-12 để dồn sức chống bão. Tỉnh cũng đang tăng cường, huy động toàn bộ lực lượng có thể để ứng phó với bão số 16. Từ trưa 25-12, cán bộ nhân viên được nghỉ đến hết ngày mai để cùng gia đình, người dân ứng phó với bão để phòng các sự cố xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra” - Chủ tịch UBND Trà Vinh cho hay. 

TP Cần Thơ đã cho học sinh, sinh viên trên địa bàn nghỉ học từ 11h30 ngày 25-12.

Ông Huỳnh Văn Út, Phó Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Khu vực IV (Cục đường thuỷ nội địa Việt Nam) cho biết, từ ngày hôm nay, 25-12, các bến tàu tại các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ tạm đình chỉ hoạt động cho đến khi nhận được thông báo mới nhất về tình hình bão. Việc này nhằm chủ động trong việc phòng chống bão Tembin. Tại Cần Thơ có 10 bến tàu hoạt động đến hết ngày 24-12 sẽ dừng, sau đó tàu, thuyền được đưa về nơi neo đậu an toàn.

Lực lượng Công an tại TP Cần Thơ vận động và hỗ trợ người dân tại các khu vực nguy hiểm di dời đến khu vực an toàn.

Cũng theo ông Út, từ tối 24-12, 2 du thuyền đưa khách tham quan, ăn uống trên sông Hậu tại bến Ninh Kiều là du thuyền Cần Thơ và Ninh Kiều cho tạm ngưng hoạt động. Các hoạt động đưa rước khách du lịch bằng tàu, thuyền đi tham quan chợ nổi Cái Răng cũng phải ngưng hoạt động từ ngày 25-12, cho đến khi có chỉ đạo mới cho phép hoạt động trở lại.

Công an các khu vực bị ảnh hưởng bão 16 tại Cần Thơ túc trực 24/24. Đảng ủy và UBND phường Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chỉ đạo các lực lượng trực sẵn sàng ứng phó nếu bão số 16 đổ bộ vào đất liền. 

Khu vực 3 Sông Hậu phường Cái Khế có 103 căn nhà nằm dọc theo sông Hậu có nguy cơ bị ảnh hưởng do bão. Lãnh đạo phường đã tổ chức họp khẩn nhằm chuẩn bị ứng phó với tình huống xấu nhất nếu bão đổ bộ. Thực hiện chỉ thị của thành phố, phường Cái Khế cũng đã cho dừng Đại hội tổng kết năm của Đảng ủy phường và các cuộc họp khác để tập trung cho công tác phòng chống bão.

Tỉnh Bến Tre: Địa phương đang tập trung di dời khoảng 22.000 người vào nơi trú tránh bão an toàn trong sáng nay.

Ghi nhận tại nhà tránh trú bão xã Thới Thuận, huyện Bình Đại tỉnh Bến Tre cho thấy người dân đang tập trung vào nơi trú bão. Trời đang bắt đầu mưa to, gió mạnh dần lên. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đang gấp rút đưa những người dân còn lại về nơi an toàn, mọi công việc phải hoàn thành trong sáng nay. Hiện tại người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và người khuyết tật đã được đi đến nơi trú bão.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão 16 tại các khu vực xung yếu.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan (ở ấp Thới Hòa 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) cho biết, bão vào người dân ai cũng lo lắng, không biết nhà cửa sẽ ra sao. Ở đây đa số đi làm thuê chỉ đủ ăn, nghe tin bão vào đất liền ai cũng buồn và lo lắng. Bởi sợ bão đi qua gây thiệt hại lớn, tất cả mọi người đều di chuyển đến nơi tránh bão, vì tính mạng là hơn hết.

Trước thông tin diễn biến phức tạp của cơn bão số 16, tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo ngưng các cuộc họp không cần thiết, cho học sinh nghỉ học và khẩn trương hoàn thành công tác di dời dân trước 12h hôm nay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão 16 tại các khu vực xung yếu.

Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đề nghị các phương tiện thông tin phải thường xuyên cập nhật, phát những bản tin kịp thời về tình hình bão đến người dân. Các lực lượng khẩn trương di dời, sơ tán dân; nắm chắc lượng người cần di dời, sơ tán. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động triển khai nhanh phương án ứng phó với bão, nhất là công tác di dời dân đang sinh sống tại các cửa biển và trong rừng phòng hộ với tiêu chí hỗ trợ người già và trẻ em trước. Thời gian hoàn thành công tác di dời dân là trước 12h ngày hôm nay ( 25-12) và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Hoàng – Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bão 16 tại các khu vực xung yếu.

Sáng 25-12, ông Nguyễn Xuân Cường Bộ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cùng đoàn công tác đã đến làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về việc ứng phó với bão số 16. Tại đây, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu địa phương tuyệt đối không được chủ quan vì diễn biến của bão rất phức tạp. Đồng thời, chú trọng công tác di dân, thực hiện nghiêm lệnh cấm các phương tiên giao thông trên biển, nhất là khu vực đảo Phú Quốc; tập trung lực lượng cơ giới, lực lượng vũ trang địa phương giúp nhân dân đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa.

Ngay sau buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng với đoàn công tác tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại cảng cá Tắc Cậu, cảng Cái Lân, Cái Bà và công tác sơ tán dân tại huyện Châu Thành, huyện An Minh.

Cũng trong ngày 25-12, Ban Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống bão của Công an các huyện, thành phố, đặc biệt 3 huyện biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. 

Tại các nơi kiểm tra, lãnh đạo Công an tỉnh nhắc nhở Công an các địa phương chủ động bảo vệ an toàn trụ sở cơ quan nhất là các kho tàng, nơi giam giữ can phạm, đồng thời bố trí lực lượng xuống các địa phương giúp dân gia cố nhà cửa và sơ tán đến nơi an toàn. Công an tỉnh cũng đã tăng cường 150 CBCS hỗ trợ công an các huyện được dự báo bị ảnh nặng khi bão đổ bộ vào đất liền. Cũng trong sáng nay, Công an các huyện đã phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra các bến tàu, cảng cá, hướng dẫn chủ phương tiện neo đậu tàu, ghe đảm bảo an toàn.

Tại Bạc Liêu: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác ứng phó bão.

Trưa 25-12, Đoàn công tác Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm trưởng đoàn cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường, đã đến kiểm tra công trình điện gió Bạc Liêu (xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác tại Bạc Liêu. 

Tại đây, tỉnh Bạc Liêu đã báo cáo Phó Thủ tướng đoàn công tác cho đến đến trưa cùng ngày, Bạc Liêu cơ bản đã hoàn thành công tác di dời dân đến nơi tránh, trú an toàn.

Các lực lượng Quân sự, Công an cũng đã cử lực lượng ứng trực 24/24, nhằm theo dõi và kịp thời thông tin đến người dân.

Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám Công ty TNHH Xây dựng thương mại và du lịch Công Lý đã báo cáo Phó Thủ tướng, công trình điện gió Bạc Liêu, Tuabin 1.6 MW chịu được sức gió lớn nhất là 50m/s. Tương đương cấp độ gió cấp 15 (167- 183 km/h).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo yêu cầu, lực lượng phải đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất, bảo vệ các công trình dễ bị sập đổ…

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu phải thực hiện quyết liệt công tác ứng phó, không được chủ quan. Khi bão vào, chỗ nào khó khăn thì phải cử ngay cán bộ đến hỗ trợ người dân. 


Văn Đức- Văn Vĩnh- Trần Lĩnh và CTV ĐBSCL
.
.
.