Kết quả xếp hạng các địa phương về an toàn thực phẩm có đủ tin cậy?

Thứ Tư, 02/05/2018, 08:06
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố kết quả xếp hạng các địa phương về triển khai công tác an toàn thực phẩm năm 2017. Theo kết quả này, có 13 tỉnh nằm trong nhóm các địa phương làm tốt gồm: Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận, Nam Định, Hà Nam, Hà Tĩnh, Sơn La, Quảng Bình, Đồng Nai, Lai Châu, Bình Phước, Quảng Ninh.


Có 50 tỉnh, thành xếp vào nhóm "đạt yêu cầu", Đặc biệt, không có địa phương nào còn nằm trong nhóm triển khai “còn hạn chế”.

Điều đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng năm nay là Cần Thơ và Hà Tĩnh, từ nhóm “còn hạn chế” - xếp cuối bảng năm 2016, đã vươn lên tốp 10 địa phương “triển khai tốt”.Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh từ tốp 10 địa phương làm tốt năm trước, năm 2017 đã rơi xuống nhóm “đạt yêu cầu”, ở vị trí thứ 25 với số điểm 75.

Thủ đô Hà Nội vẫn nằm trong nhóm “đạt yêu cầu” nhưng trên bảng xếp hạng đã rớt từ vị trí 14 xuống vị trí 19/63 tỉnh, thành trong năm 2017. 5 địa phương xếp ở vị trí cuối bảng xếp hạng, lần lượt từ dưới lên là Phú Yên, Gia Lai, Bắc Kạn, Bắc Giang, Khánh Hòa.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ NN&PTNT có hệ thống giám sát toàn diện về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và kết quả cho thấy, đã quản lý, giám sát tốt, ngăn ngừa triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Tỷ lệ mẫu giám sát trên diện rộng về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay tồn dư kháng sinh trên thủy sản, thịt giảm hơn so với năm 2016. Năm 2017, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đạt loại A, B cũng cao hơn rất nhiều so với năm 2016.

Vẫn còn nhiều cơ sở bơm tạp chất vào tôm kiếm lời bất chính.

Nhưng thực tế, vấn đề an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều sai phạm. Điều này khiến nhiều người hoài nghi tính sát thực của bảng xếp hạng trên. Năm 2017, vẫn có 35.759 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 61 tỷ đồng.

Trong năm này, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, chiếm 19,8%. Số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm trong hoạt động kinh doanh nông lâm thuỷ sản là trên 80 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý 13.540 vụ phạt trên 27,7 tỷ đồng, thu giữ tang vật trên 25 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát Môi trường phát hiện 6.477 vụ việc, tăng 25% so với năm 2016, xử phạt 36 tỷ đồng, khởi tố, điều tra các vụ việc nghiêm trọng. Trong quý I năm nay, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, Bộ đã tổ chức hàng loạt đợt thu thập mẫu thực phẩm và nông sản để giám sát kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm.

Kết quả thử nghiệm trên 145 mẫu thịt và 678 mẫu nước tiểu trong các sản phẩm chăn nuôi không có mẫu nào dương tính với chất cấm salbutamol. Kiểm tra 418 mẫu thịt các loại chỉ phát hiện duy nhất 1 mẫu vi phạm chỉ tiêu hoá chất kháng sinh nhưng có 130 mẫu trong 949 mẫu thịt kiểm vi phạm chỉ tiêu vi sinh.

Tỷ lệ mẫu rau củ quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép cũng chỉ có 3 mẫu trong tổng số 594 mẫu được kiểm tra. Tỷ lệ mẫu thuỷ sản vi phạm chỉ tiêu hoá chất kháng sinh là 24/819 mẫu. Nhưng kết quả thanh tra đột xuất một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm - nông thuỷ sản thì những vi phạm được phát hiện nhiều hơn.

Đã có 5 doanh nghiệp kinh doanh nông thủy sản bị xử phạt hành chính với số tiền 210 triệu đồng; 18 doanh nghiệp thú y bị xử phạt với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng vì vi phạm an toàn thực phẩm. Với những thực trạng trên, có lẽ cần một tiêu chí đánh giá xếp hạng cao hơn để các địa phương ý thức được trách nhiệm của mình.

Diệp Linh
.
.
.