Kết cục tất yếu của nền chính trị đa đảng không đồng thuận

Thứ Năm, 16/04/2009, 11:31
Nguyên nhân sâu xa của những bất ổn trong xã hội Thái Lan thời gian vừa qua là do sự không đồng thuận của một nền chính trị đa đảng. Như đài BBC bình luận: "Tại Thái Lan, họ đã thấy cái mà có thể gọi là thất bại của dân chủ trong vùng - một nơi mà đa nguyên và dung thứ cho phản đối đã đẻ ra hỗn loạn và chia rẽ". Và người phải gánh chịu hậu quả tai hại của tình trạng "hỗn loạn" và "chia rẽ" như vậy, lại chính là nhân dân và đất nước Thái Lan.
>> Thái Lan có thể mất 200.000 việc làm do khủng hoảng chính trị /

Thị trấn nghỉ mát Pattaya của Thái Lan ngày 11/4 vừa qua đã  trở thành điểm "cực nóng" khi Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN với các đối tác, dự kiến diễn ra tại đây trong 2 ngày 11 và 12/4, chính thức bị hoãn do an ninh ở nơi tổ chức hội nghị "bị phá vỡ trong vài giờ", như mô tả của Đài BBC, trước những "làn sóng áo đỏ" của hàng nghìn người biểu tình chống chính phủ  tràn vào khu vực trung tâm hội nghị.

Làn sóng “áo đỏ” biểu tình chống chính phủ tràn vào khu vực trung tâm hội nghị.

Trước tình hình này, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã phải ban bố tình trạng "vô cùng khẩn cấp" tại Pattaya và toàn tỉnh Chonburi. Ông cũng tuyên bố dành ưu tiên cho nhiệm vụ sơ tán an toàn các đoàn đại biểu nước ngoài ra khỏi Pattaya. Thái Lan đã phải dùng máy bay trực thăng để đưa nhiều nhà lãnh đạo các nước ASEAN khác và các nước đối tác từ trung tâm hội nghị đến một sân bay quân sự gần Pattaya để họ về nước. Chiều 11/4, sau khi tất cả các đoàn đại biểu nước ngoài đã được đưa đến nơi an toàn,  Thủ tướng Abhisit Vejjajiva mới phát lệnh dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.

Tuy nhiên,  thủ đô Bangkok lại nóng như "chảo lửa" khi những người biểu tình "áo đỏ" tuyên bố "chiến sự ở Pattaya" đã kết thúc với "thắng lợi" thuộc về phía họ và họ sẽ tập trung về thủ đô để tiếp tục gây sức ép với chính phủ. Ngay chiều Chủ nhật 12/4, Thủ tướng Abhisit lại phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok và các vùng phụ cận.

Trước đó, sáng 12/4, nhà cầm quyền Thái Lan thông báo đã bắt Arisman Pongruangrong, một lãnh đạo của những người biểu tình "áo đỏ".  Theo tin của Tân Hoa xã, được TTXVN trích thuật,  Thủ tướng Abhisit đã có bài phát biểu thứ hai trên truyền hình vào rạng sáng 13/4, yêu cầu những người biểu tình chấm dứt ngay các cuộc tuần hành "vi hiến" và cử các đại diện tới thương lượng với ông. Ông cũng cảnh báo rằng chính phủ sẽ chứng tỏ khả năng đem lại luật pháp và trật tự cho Thái Lan thông qua những biện pháp cứng rắn hơn với người biểu tình.

Sáng sớm ngày 13/4, binh lính Thái Lan đã bắt đầu giải tán một nhóm hàng trăm người biểu tình chống chính phủ tại nút giao thông Din Daeng ở thủ đô Bangkok và người ta đã nghe thấy có tiếng súng.

Vẫn theo các nguồn tin nước ngoài được TTXVN trích thuật, ít nhất 49 người bị thương, nhưng chưa có thông tin thương vong trong vụ đụng độ tại nút giao thông Din Daeng ở phía bắc Bangkok.

Những người biểu tình "áo đỏ" đã được cựu Thủ tướng Thaksin "tiếp lửa". Ngày 12/4, ông Thaksin đã kêu gọi tiến hành một "cuộc cách mạng" sau khi bạo lực bùng phát tại thủ đô Bangkok. Nói chuyện qua điện thoại với những người biểu tình đang bao vây Văn phòng Chính phủ, ông Thaksin kêu gọi: "Đây là thời điểm để người dân tiến hành một cuộc cách mạng. Và khi cần thiết, tôi sẽ trở về nước".

Trong khi đó, Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) - "Bộ chỉ huy" của những người biểu tình "áo vàng" (chống cựu Thủ tướng Thaksin) từng chiếm sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok cuối năm ngoái -  lại cảnh báo rằng họ sẽ "xuất đầu lộ diện" nếu chính phủ không lập lại được trật tự.

Nếu những người biểu tình "áo vàng" lại xuất hiện để chống lại phe "áo đỏ", tình hình sẽ cực kỳ phức tạp. Nhiều nhà phân tích tình hình thậm chí đã không loại bỏ khả năng có thể xảy ra một cuộc đảo chính, mặc dù tối 12/4, Phó thủ tướng Thái Lan phụ trách thực thi tình trạng khẩn cấp, ông Suthep Thaugsuban vẫn tin tưởng sẽ không xảy ra đảo chính.

Trước tình hình chính trị hết sức phức tạp của Thái Lan, các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Pattaya dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và các đối tác đã hiểu được tình hình,  đều tỏ ý thông cảm với chính phủ nước chủ nhà và vẫn ủng hộ Thái Lan đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN.  Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó,  rõ ràng Thái Lan đã "mất điểm" trước mắt cộng đồng quốc tế. Chính Thủ tướng Abhisit, khi gửi lời xin lỗi tới người dân Thái Lan, cũng thừa nhận những diễn biến căng thẳng nói trên đã gây ảnh hưởng tới hình ảnh và uy tín của Thái Lan trên trường quốc tế.

Mục đích của những người biểu tình "áo đỏ" hoàn toàn không phải là phá vỡ hội nghị này mà là nhằm  làm "bẽ mặt" chính phủ của Thủ tướng Abhisit, người mà Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) - "Bộ Tham mưu" của các cuộc biểu tình "áo đỏ"  - đang gây sức ép phải từ chức.

Chính trường Thái Lan luôn  "nóng" kể từ tháng 9/2006, khi Thủ tướng Thaksin Shinawatra bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu. Thực ra, cuộc đảo chính quân sự này chỉ là hồi kết của những cuộc biểu tình do Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) phát động chống chính phủ của Thủ tướng Thaksin Shinawatra diễn ra từ trước đó. Chính những cuộc biểu tình của PAD mới được coi là "điểm đầu" của "đoạn dây cháy chậm" dẫn đến sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng chính trị khiến  xã hội Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn mà hậu quả chưa lường hết được.

Cuộc khủng hoảng chính trị năm 2008 đạt đến đỉnh điểm  khi những người biểu tình "áo vàng", do PAD huy động, bao vây tòa nhà của Chính phủ Thái Lan từ tháng 8 và tiếp đó, từ ngày 25/11 đến 3/12 chiếm giữ sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok, làm sân bay này bị tê liệt, khiến hàng nghìn hành khách nước ngoài mắc kẹt tại đây, gây sức ép đối với chính phủ của Thủ tướng Thái Lan khi đó, ông  Somchai Wongsawat (em rể cựu Thủ tướng Thaksin).

Cuối cùng, Thủ tướng Somchai Wongsawat cũng phải ra đi sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải tán 3 đảng trong chính phủ liên minh vào ngày 2/12/2008, trong đó có đảng Quyền lực nhân dân (PPP) của ông.

Khi Thủ tướng Abhisit (thuộc đảng Dân chủ) lên cầm quyền, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan không những không chấm dứt mà còn lật sang một "chương mới" từ ngày 27/3, khi những người biểu tình "áo đỏ" (ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin) bắt đầu bao vây lối vào tòa nhà chính phủ ở Bangkok. Sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và đối tác tại Pattaya bị những người biểu tình "áo đỏ" phá vỡ  chỉ là "màn phụ" trong chiến dịch do UDD đạo diễn nhằm lật đổ chính phủ hợp pháp và hợp hiến của Thủ tướng Abhisit.

Nguyên nhân sâu xa của những bất ổn trong xã hội Thái Lan thời gian vừa qua là do sự không đồng thuận của một nền chính trị đa đảng. Đài BBC, khi đưa tin về sự kiện diễn ra ngày 11/4 tại Pattaya, đã bình luận: "Tại Thái Lan, họ đã thấy cái mà có thể gọi là thất bại của dân chủ trong vùng - một nơi mà đa nguyên và dung thứ cho phản đối đã đẻ ra hỗn loạn và chia rẽ".

Và người phải gánh chịu hậu quả tai hại của tình trạng "hỗn loạn" và "chia rẽ" như vậy, suy cho cùng, lại chính là nhân dân và đất nước Thái Lan. Chắc chắn, ngay cả khi ổn định được tình hình, Thái Lan cũng phải mất một thời gian dài, nếu không nói là nhiều năm, mới có thể lấy lại được hình ảnh tốt đẹp của mình trong mắt khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài.

Rõ ràng, ổn định chính trị và xã hội là điều kiện quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước. Không chỉ người Thái Lan mới cần học bài học này

Nguyễn Quốc Uy - ANTG số 848
.
.
.