Hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm

Chủ Nhật, 04/06/2006, 08:01

Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, 5 năm qua (từ 2000 đến 2005), Lực lượng Công an nhân dân đã đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với Lực lượng An ninh, Cảnh sát  thuộc đối tác nước ngoài, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính chất quốc tế.

Thứ nhất là, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ làm cơ sở pháp lý cho công tác hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm.

Việt Nam đã ký kết, gia nhập hoặc phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng như Điều ước quốc tế về chống khủng bố, 3 Công ước của Liên Hiệp Quốc về kiểm soát ma túy; 1 Công ước của Liên Hiệp Quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Về hợp tác tương trợ tư pháp, Việt Nam đã ký kết hàng chục Hiệp định tương trợ tư pháp song phương về các vấn đề dân sự, hình sự với nhiều nước trên thế giới và hàng chục  Điều ước quốc tế đa phương về hợp tác chống các loại tội phạm như tội phạm ma túy, tội phạm có tổ chức. Việt Nam là 1 trong 3 thành viên trong khối ASEAN phê chuẩn sớm nhất “Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN” (ký tháng 11/2004, có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 20/10/2005).

Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu xem xét khả năng gia nhập 5 Điều ước quốc tế về chống khủng bố và tích cực xây dựng dự thảo Luật Tương trợ tư pháp, Luật Dẫn độ tội phạm và chuyển giao người bị kết án phạt tù.

Trong 5 năm gần đây, Bộ Công an Việt Nam đã ký kết hàng chục thỏa thuận quốc tế với cơ quan an ninh, cảnh sát nước ngoài về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Lực lượng Công an nhân dân đã và đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Cảnh sát quốc tế (INTERPOL) và Hiệp hội Cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) trong cuộc chiến chống khủng bố, chống các loại tội phạm: buôn lậu, rửa tiền, tiền giả, buôn bán phụ nữ, trẻ em và các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác.

Hệ thống các văn bản pháp quy của Việt Nam và các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về hợp tác quốc tế phòng chống tội phạm được đánh giá ngày càng đầy đủ, hoàn thiện về số lượng và chất lượng tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động phối hợp đảm bảo an ninh trật tự phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Việt Nam đang nỗ lực cùng các nước trong khuôn khổ ASEM, APEC, ASEAN, ASEAN + 3 ký kết và thực hiện nhiều tuyên bố về hợp tác chống khủng bố quốc tế; tham gia chương trình hành động chống tham nhũng châu Á - Thái Bình Dương; đẩy mạnh hợp tác với 5 nước là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (Anh, Nga, Pháp, Mỹ, Trung Quốc); phối hợp chặt chẽ với Lào, Campuchia, Trung Quốc phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới.

Thứ hai là, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác điều tra, khám phá và xử lý tội phạm.

Trong khuôn khổ hợp tác với Interpol và aseanapol, 5 năm qua, Lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp xử lý thông tin liên quan đến gần 10 ngàn đối tượng truy nã quốc tế, đối tượng khủng bố và nghi khủng bố; đã phát lệnh truy nã quốc tế 30 đối tượng phạm tội; phối hợp xử lý, tiếp nhận 74 đối tượng phạm tội hình sự đã thi hành án ở nước ngoài trở về Việt Nam; phối hợp xử lý hàng vạn lượt thông tin tội phạm có yếu tố nước ngoài; góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm có tính quốc tế.

Đặc biệt, đầu tháng 4/2006, tại Hàn Quốc, INTERPOL đã bắt giữ Nguyễn Hữu Chánh - tên cầm đầu tổ chức phản động lưu vong với tên gọi “Chính phủ Việt Nam tự do” ở Mỹ, đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt của cả Công an Việt Nam và Philippines với tội danh khủng bố.

Thứ ba là, Lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong nước và các cơ quan an ninh, cảnh sát nước ngoài bảo vệ tuyệt đối an toàn các hội thảo, hội nghị, diễn đàn quốc tế quan trọng như: SEA Games - 22, Hội nghị ASEM - 5, Hội nghị các quan chức cao cấp chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 3 (SOMTC-3), Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước ASEAN phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 5 (AMMTC - 5)... Đồng thời cử hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ công an đi dự hội thảo, hội nghị quốc tế nhằm học tập, trao đổi kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm; phối hợp với Tổ chức UNODC của Liên Hiệp Quốc và cơ quan cảnh sát các nước Đức, Pháp, Mỹ, Australia... mở nhiều lớp tập huấn chuyên đề phòng, chống khủng bố, chống các loại tội phạm: ma túy, tiền giả, rửa tiền.

Trong thời gian tới, trước xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, Lực lượng Công an sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức phải đối phó với những hoạt động của các loại tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm hình sự nguy hiểm và tội phạm có tính quốc tế. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 37/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 09 và Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ đến năm 2010, nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác hợp tác quốc tế phục vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, Lực lượng Công an nhân dân sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số vấn đề mang tính giải pháp như sau:

Một là: tích cực nghiên cứu đề xuất tham mưu cho Chính phủ và Lãnh đạo Bộ Công an đàm phán, ký kết các Hiệp định về phòng, chống tội phạm, tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ tội phạm. Tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh “Luật ký kết và thực hiện Điều ước quốc tế”, đẩy nhanh tiến độ nội luật hóa các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương, đặc biệt chú trọng triển khai “Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN”.

Hai là: Tổ chức tốt công tác nắm tình hình, trao đổi và phối kiểm thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức quốc tế như INTERPOL, EUROPOL, ASEANAPOL và UNODC của Liên Hiệp Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố, chống tội phạm ma túy, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm có tổ chức.

Ba là: Tập trung xây dựng và củng cố lực lượng trinh sát, lực lượng  chuyên trách về đối ngoại và hợp tác quốc tế, lực lượng pháp chế đủ về số lượng, đảm bảo về trình độ nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ, tin học nhằm đáp ứng nhu cầu và trình độ của khu vực và thế giới trong đấu tranh phòng chống tội phạm của cộng đồng An ninh và Cảnh sát quốc tế

.
.
.