Học chủ quyền lãnh thổ từ trang sách phổ thông

Thứ Hai, 12/01/2015, 10:17
Sau nhiều năm diễn ra tranh luận trên các diễn đàn khoa học về việc nên hay không đưa vào chương trình, sách giáo khoa nội dung giảng dạy về chủ quyền lãnh thổ, vấn đề này đã được khẳng định rõ...

Trong Chỉ thị về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng và đưa vào chương trình giảng dạy nội dung bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia cho học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học.

Như vậy, sau nhiều năm diễn ra tranh luận trên các diễn đàn khoa học về việc nên hay không đưa vào chương trình, sách giáo khoa nội dung giảng dạy về chủ quyền lãnh thổ, vấn đề này đã được khẳng định rõ và việc tiếp theo là triển khai ra sao cho phù hợp để người học thực sự hứng thú, lĩnh hội kiến thức bổ ích từ chương trình.

Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không phải là một môn học mới mà đó là nội dung trong kiến thức môn học lịch sử. Nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cùng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông nhưng sách giáo khoa đã không đề cập đến. Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam và Khoa học phát triển cho rằng, chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa là trang sử bi hùng được viết bằng máu xương của các lớp thế hệ người Việt Nam, tư liệu về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của chúng ta ở Trường Sa và Hoàng Sa là hết sức phong phú, chuẩn xác ở cả trong nước và ngoài nước. Thế nhưng, cả thời gian dài vấn đề quan trọng này lại không đề cập trong chương trình giáo dục, đây là khiếm khuyết lớn.

Môn học lịch sử đã bắt đầu với học sinh từ chương trình tiểu học với hình thức “chuyện kể lịch sử” (những mẩu chuyện về lịch sử), các lớp kế tiếp được học môn lịch sử khởi đầu từ sự tích loài người, quá trình dựng nước, giữ nước, trải qua các triều đại đến ngày nay. Tuy nhiên, việc đưa nội dung chủ quyền lãnh thổ chỉ nằm rải rác ở một số bài dưới dạng chuyện kể lịch sử hoặc thể hiện qua các sự kiện quân, dân ta đánh giặc giữ nước. Trong khi đó, chủ quyền và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ không được thể hiện dưới dạng là một bộ phận cấu thành môn lịch sử, điển hình là việc xác lập chủ quyền và quá trình bảo vệ, giữ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quân đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như chủ quyền ở Biển Đông.

Học sinh, sinh viên có hào hứng với môn học lịch sử, về chủ quyền lãnh thổ không? Tại một kỳ thi tốt nghiệp, có trường rơi vào tình trạng “liệt” với vô số điểm dưới yếu kém. Tuy nhiên, việc điểm số thấp không có nghĩa môn học này kém lôi cuốn, cái chính như các nhà khoa học đã chỉ ra: Do nội dung và cách giảng dạy còn kém hấp dẫn.

Học lịch sử, học về chủ quyền lãnh thổ, tự thân môn học không hề khô khan như nhiều người nghĩ. Khi chủ quyền nước ta ở Biển Đông bị xâm phạm, lòng yêu nước lại thổi bùng trong mỗi người bằng nhiều hành động hữu ích. Ngay những cuộc thi viết thư gửi các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo đã thu hút hàng vạn em tham gia.

Chỉ tính riêng cuộc thi viết về Hoàng Sa do Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng tổ chức năm 2014 đã có 88 nghìn bài dự thi. Với tình cảm chân thật thể hiện với lá thư viết tay dài 3 trang giấy, em Hồ Thị Thanh Thảo, học sinh lớp 12C1, Trường THPT Lê Quý Đôn (giành giải nhất) hóa thân thành người anh đang du học ở Venice (Italy) viết thư gửi em gái để bày tỏ tình cảm với Hoàng Sa - phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta...

Trong trang sách tiểu học, bổ sung chuyện kể lịch sử về Trường Sa, Hoàng Sa qua những tấm gương anh dũng hy sinh bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng Tổ quốc của các lớp cha anh, chuyện kể ngày nay về những hành động, việc làm ý nghĩa của đồng bào hướng về biển đảo, về những lá thư xúc động… càng làm tăng tính sinh động về ý nghĩa, giá trị chủ quyền biển đảo. Ở những cấp học cao hơn, đó là việc đưa các chứng lý khoa học về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời nhà Nguyễn, thế kỷ XVII – XVIII, các hoạt động khai thác, đấu tranh bảo vệ chủ quyền từ đó đến nay, các cơ sở luật pháp quốc tế...

Đ.T.
.
.
.