Hình thành nhiều "đại gia" đất đai làm kiệt quệ một bộ phận người dân

Thứ Năm, 16/04/2020, 15:03

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu thực trạng, đề nghị sớm sửa đổi Luật Đất đai để không lỡ nhịp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bị ảnh hưởng về kinh tế bởi đại dịch COVID-19.

Sáng 16/4, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 27 theo hình thức trực tuyến, thẩm tra Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình) năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020.

Đề nghị bổ sung 8 dự án Luật, Nghị quyết

Theo Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày, năm 2020 Chính phủ đề nghị bổ sung 8 dự án, dự thảo; rút 1 dự án và thay đổi phạm vi sửa đổi với 1 dự án. Có 2 dự án, dự thảo đã được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình theo Tờ trình số 49 ngày 14-2-2020 là Luật Cư trú (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ trưởng Lê Thành Long trình bày tờ trình.

6 dự án, dự khảo khác đề nghị bổ sung là: Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp); Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10;

Nghị quyết của Quốc hội về việc giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai (bổ sung vào Chương trình cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, trình UBTVQH tại Phiên họp thường kỳ tháng 4-2020.

Rút Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai

Điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường thành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Về dự án mà Chính phủ đề nghị rút khỏi Chương trình năm 2020 là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai. Hiện nội dung của dự án Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị và đánh giá kỹ hơn, như các vấn đề về kinh tế, tài chính đất đai; khung giá đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, giải quyết hài hòa lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và an ninh lương thực; quản lý đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp; quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; chế độ quản lý, sử dụng đất để xây dựng căn hộ, biệt thực du lịch, văn phòng kết hợp với lưu trú; chính sách quản lý, sử dụng đất tôn giáo; việc sử dụng đất có yếu tố nước ngoài…

Mặt khác, sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trung ương sẽ ban hành Nghị quyết mới mang tính chiến lược, toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có nội dung về đất đai. Do vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn diện các quy định của Luật Đất đai hiện hành và định hướng sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đất sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Các đại biểu họp trực tuyến.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, Luật Đất đai nên được đưa ra bàn bạc sửa đổi nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của Đảng giai đoạn 2021-2025, nhất là khi đó Đại hội Đảng lần thứ XIII đã được tiến hành xong. Theo ông, thực tế việc thực hiện Luật Đất đai hiện hành vướng mắc rất nhiều, khiếu nại tố cáo về đất đai rất phổ biến.

"Vấn đề thất thoát, lãng phí, "lợi ích nhóm" về đất đai thể hiện rất rõ, luật có nhiều kẽ hở nên hình thành nhiều đại gia đất đai rất đúng quy trình nhưng rõ ràng tập trung lợi ích, tài nguyên, tiền của vào một nhóm, từ đó làm kiệt quệ, bần cùng hóa một bộ phận người dân", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nói, đề nghị đưa Luật Đất đai vào Chương trình để không lỡ nhịp phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bị ảnh hưởng về kinh tế bởi đại dịch COVID-19.

"Tôi thống nhất là nên rút khỏi Chương trình năm 2020 nhưng Chính phủ cần xác định rõ thời điểm trình Luật đất đai, bởi nếu cứ lùi mãi thì sẽ bị muộn, quá mất nhiệm kỳ của Đại hội khóa XIII", ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) lưu ý. Ông đề nghị có thể trình Quốc hội dự án Luật này ở kỳ họp tháng 10-2021 và thông qua tại kỳ họp tháng 5-2022.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cho rằng, việc đưa vào Chương trình Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là phù hợp, cần thiết bởi đây là các vấn đề quan trọng, cấp bách, ảnh hưởng tới người dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng kết luận phiên họp.

Tổng hợp các kiến nghị cụ thể về các dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật sẽ đưa ra khỏi Chương trình năm 2020 đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Lùi thời gian trình dự án Luật Thi đua, khen thưởng sang  kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV (tháng 10-2021).

Bổ sung vào Chương trình năm 2020 đối với 2 dự án luật: Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc) và Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi)). Bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10-2020).

Cho ý kiến về Luật Cảnh sát cơ động ở kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Về Chương trình năm 2021, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa XIV, là kỳ họp cuối của Quốc hội khóa XIV, Quốc hội tập trung chủ yếu cho công tác tổng kết nhiệm kỳ. Do đó, Chính phủ chỉ đề nghị đưa 2 dự án vào Chương trình thông qua tại Kỳ họp này là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, thường chỉ kéo dài 2 tuần và Quốc hội sẽ tập trung thảo luận về công tác tổ chức, nhân sự, nên Chính phủ không đề xuất đưa các dự án luật, pháp lệnh vào Chương trình kỳ họp này. Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ trình: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), thông qua tại Kỳ họp thứ 3; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bố trí thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2020); tán thành với Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội về việc bố trí thông qua dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIV (tháng 3-2021).

Rút Luật Biểu tình, Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và Luật về hội

Cũng theo Tờ trình, các dự án luật đã rút ra khỏi Chương trình giai đoạn 2016 - 2019 gồm: Luật về hội; Luật Biểu tình; Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Có 6 dự án luật cần phải sửa đổi, bổ sung liên quan đến việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Trong đó, 4 luật đã được sửa đổi và trình Quốc hội thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Riêng Luật An toàn thực phẩm Chính phủ đã báo cáo UBTVQH đề nghị không sửa. Đối với Bộ Luật Hình sự, Bộ Tư pháp đang tiến hành rà soát, đánh giá các quy định để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp. Trường hợp cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo Quốc hội, UBTVQH đưa vào Chương trình.


An Quỳnh
.
.
.