Hiến pháp với quan điểm bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hội nhập sâu rộng

Thứ Sáu, 28/03/2014, 09:35
So với Hiến pháp 1992, bản Hiến pháp sửa đổi đã có những bổ sung quan trọng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng.

Điều 64 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc phòng và an ninh”. Như vậy, so với Hiến pháp 1992, điều này đã bổ sung cụm từ “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” trong nội dung về bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tại Điều 65 cũng được bổ sung cụm từ “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” đối với lực lượng vũ trang: “Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”.

Việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế đối với lực lượng vũ trang cũng như quan điểm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới không phải là vấn đề mới, đã được nêu trong Cương lĩnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như các văn kiện của Đảng.

Tuy nhiên, so với Hiến pháp 1992, việc bổ sung nội dung này trong bản Hiến pháp sửa đổi nhằm khẳng định rõ quan điểm bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Việc bổ sung mục tiêu “góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới” cũng nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường thế giới, đồng thời tạo cơ sở hiến định để nước ta thực hiện các cam kết và trách nhiệm quốc tế trong trường hợp cần thiết.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc quan hệ mật thiết đường lối đối ngoại trong điều kiện hội nhập. Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XI đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, đề ra đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới. Về tổng quan, đường lối đối ngoại của Đại hội XI là sự tiếp nối đường lối đối ngoại của các Đại hội trước trong thời kỳ đổi mới, được khởi xướng từ Đại hội VI năm 1986. Đường lối này có những phát triển mới phù hợp với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn Việt Nam hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chủ trương: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”. Báo cáo Chính trị xác định: “Nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Là thành viên ASEAN, Việt Nam sẽ chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tăng cường quan hệ với các đối tác, duy trì và củng cố vai trò quan trọng của ASEAN trong các khuôn khổ hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Về ngoại giao đa phương, với phương châm là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ mở rộng tham gia và đóng góp ngày càng tích cực, chủ động, trách nhiệm vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc.

Hiện, Việt Nam đã quyết định tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trước hết là trong các lĩnh vực công binh, quân y, quan sát viên quân sự. Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Những năm qua, việc duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao đã tạo điều kiện cho Việt Nam tăng ngân sách quốc phòng ở mức hợp lý. Việc hiện đại hóa quân đội của Việt Nam chỉ nhằm tự vệ, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, không nhằm vào bất cứ quốc gia nào. Đối với các nguy cơ và thách thức về an ninh khu vực đang hiện hữu, Việt Nam trước sau như một kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đó là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội…”.  Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới được Hiến pháp 1992 sửa đổi cụ thể hóa tập trung và xuyên suốt những quan điểm cơ bản của Đảng trong Cương lĩnh và các văn kiện Đại hội lần thứ XI. Tại nhiều điều, khoản của Hiến pháp mới khẳng định: "Tổ quốc Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm” và "mọi hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chống lại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều bị nghiêm trị”. Khái niệm bảo vệ Tổ quốc thể hiện trong Hiến pháp mới không chỉ bao hàm nhiệm vụ cụ thể liên quan đến lĩnh vực quốc phòng, an ninh mà còn thể hiện tư duy mới về sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng này được thể hiện một cách toàn diện, có hệ thống trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những chính sách cơ bản về quốc phòng, an ninh được quy định trong Hiến pháp mới đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh cả về tiềm lực và thế trận, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc; xây dựng LLVT nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc

T.V.H.
.
.
.