Hãy thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể, thiết thực

Chủ Nhật, 08/06/2014, 14:13
Tuần qua, nghị trường có một phát ngôn rất ấn tượng của một đại biểu Quốc hội: "Tôi hứa, từ nay đến hết nhiệm kỳ, nếu trời cho sống, tôi sẽ không đi nước ngoài nữa". Đó là phát biểu của đại biểu Đỗ Văn Đương, đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh.

Đi nước ngoài, nhất là đi bằng tiền nhà nước ai mà không thích đi, ấy vậy mà ông Đương lại nhất quyết không đi nước ngoài nữa cho đến hết nhiệm kỳ và còn kèm theo câu "Nếu trời cho tôi sống" nghe thật chua xót. Vâng thật chua xót nếu chúng ta nhớ lại cách đây chưa lâu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trong một cuộc họp Chính phủ đưa ra một con số đáng giật mình: "Năm 2012 có 3.780 đoàn cán bộ đi nước ngoài, năm 2013 dù có giảm nhưng vẫn còn hơn 3.200 đoàn, trung bình mỗi ngày có hơn 8 đoàn đi công tác nước ngoài bằng tiền nhà nước". Các đoàn đi chủ yếu là nghiên cứu, nhưng nội dung trùng lặp, nhiều nước bạn phản hồi, có vấn đề vừa trả lời đoàn này, một thời gian ngắn sau lại có đoàn khác sang hỏi câu hỏi tương tự.

Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phải thốt lên: "Tôi thấy đi nước ngoài nhiều quá, nghe báo cáo thấy đoàn Việt Nam đến, người ta sợ. Rồi tham quan, giao lưu, tiếp khách... Yêu cầu chấn chỉnh ngay để đất nước không phải xấu hổ vì  có quá nhiều đoàn đi công tác nước ngoài như vậy".

Từ đó đến nay không biết đã giảm được bao nhiêu đoàn đi công tác nước ngoài? 

Thử làm một phép tính đơn giản, mỗi ngày 8 đoàn đi công tác nước ngoài, bình quân 5 người một đoàn và chi phí tối thiểu mỗi người 50 triệu đồng thì mỗi ngày ngân sách nhà nước phải chi ra 2 tỷ đồng và một năm là 730 tỷ đồng. Con số này thực ra vẫn còn khiêm tốn, vì có vị đại sứ ở nước ngoài cho biết mỗi năm đón tiếp 200 đến 220 đoàn công tác từ Việt Nam sang, có đoàn  tới 60 người.

Những ngày này Quốc hội đang họp, sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, việc biên cương như lửa cháy ngang mày thì chủ đề chi tiêu công, rồi đi nước ngoài lại được khơi lại. Rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị cần siết chặt chi tiêu công hơn nữa, bớt hội họp, dừng mua sắm xe công, hạn chế đoàn đi nước ngoài, thắt lưng buộc bụng dành kinh phí để trang bị phương tiện cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư và ngư dân đóng tàu sắt công suất lớn, đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo và khai thác nguồn lợi của biển Đông. Quốc hội đề nghị dành 16.000 tỷ đồng cho nội dung trên là một quyết sách hợp lòng dân. Lẽ ra việc này phải làm từ lâu, nhưng muộn còn hơn không.

Theo đại biểu Trần Du Lịch thì số tiền 16.000 tỷ đồng có thể tăng thêm nữa nếu chúng ta kiên quyết dẹp bỏ những khoản tiêu xài xa hoa, lãng phí vô lối cũng như những chuyến đi công tác nước ngoài vô bổ và ông đưa ra một dẫn chứng: "Thậm chí có đại biểu bay sang Mỹ giá bình thường hết 1.500 USD nhưng đi vé hạng C tới tận 6.000 USD. Vô cùng đau xót khi lãng phí tiền thuế của dân".

Một cá nhân đại biểu Đương không đi nước ngoài thì số tiền tiết kiệm cho ngân sách không đáng là bao, nhưng nếu như tất cả các quan chức, công bộc của dân biết từ chối, biết nói không với những chuyến công cán nước ngoài vô bổ, và những quan chức nghĩ được rằng việc mình ngồi trong chiếc ôtô mấy chấm, hãng nào, đời bao nhiêu lúc này không quan trọng và cấp bách bằng việc nâng cấp trang bị phương tiện cho Cảnh sát biển, Kiểm ngư và thay những chiếc tàu gỗ mong manh như chiếc lá của ngư dân ngoài khơi bằng những chiếc tàu vỏ sắt công suất lớn thì ngân sách nhà nước sẽ dành ra được một khoản tiền khá lớn để phát triển kinh tế cũng như bảo vệ Tổ quốc. Yêu nước là một phạm trù lớn và phong phú, khó mà định lượng được. Nhưng trong lúc này hãy thể hiện lòng yêu nước bằng những việc làm thiết thực dù là nhỏ nhất. Biết từ chối một chuyến đi nước ngoài bằng tiền thuế của dân mà không hiệu quả đó cũng là thể hiện lòng yêu nước

Việt Phương
.
.
.