Hành vi sai trái của mội vài nhân viên UNHCR?

Thứ Năm, 06/01/2005, 07:02

Ngày 9/10/2004, 13 đối tượng người dân tộc ở Tây Nguyên đã quay lại Việt Nam qua tỉnh Đắk Nông. Nhưng sự thật là, họ được phái về quê hương để kích động, dụ dỗ, lôi kéo người khác vượt biên, gây rối an ninh trật tự.

Từ "trại tạm cư" đặt tại Phnôm Pênh (Campuchia) do Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR) dựng nên, họ thâm nhập trái phép vào Việt Nam dưới danh nghĩa "tự nguyện hồi hương" để thực hiện những âm mưu phá hoại. Một điều đáng ngạc nhiên là kẻ ra lệnh, cưỡng ép  và tổ chức chuyến thâm nhập này lại là một vài thành viên UNHCR tại Campuchia.

Đường dây đưa người vượt biên

Do vị trí địa lý và những biến cố lịch sử, có không ít đồng bào các dân tộc Mơ Nông, Giarai, Êđê... ở tỉnh Đắk Nông có quan hệ  bà con, anh em với những người cùng dân tộc ở Campuchia, khu vực gần biên giới. Lợi dụng yếu tố này, những thế lực phản động không muốn Tây Nguyên ổn định đã xúi giục, trả tiền cho một số đối tượng từ Campuchia móc nối với bà con của họ ở Đắk Nông để lập nên những đường dây đưa người vượt biên trái phép.

4 trong số 13 người vượt biên ra trình diện.

Điểu Kló thường gọi là Ma Đuyên,  47 tuổi, là một quân cờ quan trọng của ván cờ này. Y sống tại buôn Lâm Pớ, xã Đắk Đam, tỉnh Mondulkiri, Campuchia. Rẫy của y nằm sát biên giới. Tại thôn Bu Boong, xã Đắk Buk So, Ma Đuyên còn có hai người chị ruột (Thị Pó và Thị Gió), một người anh họ (Điểu Mpưh) đang sinh sống.

Khi những đám tàn quân FULRO lưu vong mưu đồ gây dựng Tin Lành Đề Ga, nhà nước Đề Ga, Ma Đuyên đã lén lút liên hệ với Điểu Mpưh ở Đắk Buk So, Điểu Đây ở Nhân Cơ; Điểu N'Klol, Điểu Tuấn ở Đắk Rung, kích động những đối tượng này tham gia hoạt động. Từ tháng 6/2002, chúng đã nhiều lần hội họp với một tên cầm đầu là Điểu N'Gai, bàn nhau cách gây rối loạn tại địa phương, đồng thời thu thập thông tin, xuyên tạc sai lệch, tập hợp thành báo cáo gửi cho Ma Đuyên để y “gửi cho Liên Hiệp Quốc”, thực chất là gửi cho một số nhân viên UNHCR đang hoạt động tại Campuchia.

Họp hành, bàn bạc nhiều lần, cuối tháng 3/2004, Điểu N'Gai đột nhiên tuyên bố: tất cả phải trốn sang trại tị nạn Campuchia, từ đó sẽ được đưa sang Mỹ, không phải làm gì cũng được ăn sung mặc sướng. Danh sách đã nắm trong tay, ai không đi, Điểu N'Gai sẽ gửi hồ sơ hoạt động cho công an, bắt bỏ tù!  Nhẹ dạ và lo sợ, hàng chục người đã nhắm mắt nghe theo.

Nhóm thứ nhất gồm 11 đối tượng ở Nhân Cơ do Điểu Đây và Điểu Nhông phụ trách, trốn đi ngày 23/3/2004, đến Phnôm Pênh sáng ngày 30/3/2004. Nhóm thứ hai do đích thân Điểu N'Gai phụ trách gồm 8 đối tượng xuất phát từ xã Đắk Buk So chiều ngày 1/4/2004. Lúc mới xuất phát, Điểu Mpưh là người địa phương, thông thạo địa hình nên được giao nhiệm vụ dẫn đường. Vượt biên giới một đoạn cách Đồn biên phòng Tuy Đức 1 km, họ đi sâu vào đất Mondulkiri, đến 12 giờ trưa hôm sau thì gặp nhóm thứ 3, cũng gồm 8 thành viên, do Điểu Ngơ hướng dẫn. Sau khi họp nhau, cả bọn được Điểu Mpưh đưa đến một khu rẫy của người bà con tại xã Đắk Đam, huyện Orăng dừng nghỉ ngơi và nấu cơm ăn.

Xế chiều, Ma Đuyên xuất hiện, yêu cầu tất cả di chuyển đến rẫy của ông Ma Piơn (bố đẻ của Ma Đuyên), đồng thời nộp 150 nghìn đồng/người để y thuê xe đi Phnôm Pênh. Sẩm tối ngày 4/4, Ma Đuyên thuê xe ôm đưa cả bọn ra quốc lộ, bên rìa thị xã Senmonorom. Khoảng 21 giờ, một chiếc xe tải đến đón cả bọn chạy thẳng lên Phnôm Pênh, giao cho một người Campuchia tên là Khem, lúc 5 giờ. Tắm rửa, ăn xuống xong, họ được đại diện UNHCR là Katy Grant và người thông ngôn Y Xuân  (người Campuchia gốc Giarai)  thẩm vấn, gọi là “để thẩm tra xem có hội đủ tiêu chuẩn làm người tị nạn hay không?”.

Từ đây, trước mắt những kẻ nhẹ dạ đáng thương, những động thái bịp bợm, lố bịch đã xuất hiện. Ngay khi vừa xuống xe, Ma Đuyên, rồi sau đó là Y Xuân - nhân viên trại tị nạn và Điểu Nhông, Điểu Đây, Điểu Glút - những tên cầm đầu FULRO và "công cuộc xây dựng phát triển kinh tế ở Việt Nam", kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã liên tục nhồi nhét vào đầu những người vượt biên một “bài học thuộc lòng” với những nội dung hoàn toàn xuyên tạc.

Điểu Maih, Điểu Khuch... và tất cả những kẻ vượt biên khác đều biết rõ đó chỉ là những điều bịp bợm, bóp méo sự thật nhằm nói xấu Nhà nước Việt Nam. Dù vậy, họ vẫn phải nghe theo, khai đúng kịch bản. Những kẻ mớm cung đe dọa: "Khai khác đi là bị đánh, bị tống ra đường, sau đó sẽ gọi Công an Campuchia bắt đi tù vì tội vượt biên”. Cuối cùng, cuộc thẩm vấn không hề “thanh lọc” gì cả, tất cả đều được xem là “người tị nạn” và đưa ngay vào Trại tạm cư số 1 lúc 17 giờ ngày hôm đó.

Một số người trở về cho biết: Dù Ma Đuyên bắt họ nộp tiền thuê xe, nhưng rất có thể chuyến xe đưa họ đi Phnôm Pênh chính là... xe của trại đến rước, bởi không hề thấy tên này trả tiền xe. Ngoài ra, họ còn thấy Ma Đuyên được phía trại trả tiền  (vì đã lôi kéo được nhiều người vượt biên) nhưng cụ thể là bao nhiêu thì họ không biết.--PageBreak--

Trại tạm cư số 1 - địa ngục trần gian

Trại gồm 2 khu. Những người mới đến được xếp vào chung một phòng trên lầu 2 của một căn nhà ba tầng. Tầng thứ 3 thực chất là sân thượng, được thưng tạm bợ bằng giấy dầu, dây kẽm gai, mái lợp nilon. Mỗi tầng chỉ có 3 phòng. 91 “trại viên” gồm 10 người Êđê, 26 người Mơ Nông, còn lại là người Giarai chen chúc nhau trong những căn phòng chật  hẹp và hôi hám. Quanh trại là tường xây xi măng cao 4m thường xuyên được 4 công an Campuchia thay nhau canh gác...

Trại được thiết lập quá vội vã nên bộ mặt của nó không lấy gì làm sạch sẽ lắm. 91 con người chỉ chung nhau một bể nước và 2 phòng vệ sinh. Muốn tắm giặt hay đi vệ sinh đều phải xếp hàng. Do đó, trung bình mỗi người chỉ được tắm 1 lần trong 1 tuần. Điểu Khuch già yếu (62 tuổi) chen không nổi nên nửa tháng, hai chục ngày mới đến phiên được tắm.

Trại viên được chia thành nhóm nhỏ tự nấu ăn. Chỗ nấu nướng nằm ngay trước cửa phòng vệ sinh luôn lênh láng nước bẩn. Những ngày mưa, chất thải từ bồn cầu trào ra tận chỗ làm bếp, hết sức hôi thối... Mỗi tuần, tiêu chuẩn cho mỗi trại viên là 3kg gạo, 100g thịt, 2 quả trứng, một ít rau và một ít muối. Tuần đầu tiên nhập trại, những kẻ mới đến không biết là bữa ăn đã được “định lượng” cho nên nấu ăn thiếu mất... 2 ngày gạo, phải nhịn đói. Hồi tưởng lại những ngày tháng ở trại, Điểu Maih cay đắng: “Ở trại, người ta coi mình như con heo. Heo còn được cho ăn nhiều để mau lớn. Mình thì họ không cần lớn nên khi nào cũng đói”.

Katy Grant (áo trắng) trong cuộc trao đổi 3 bên về vấn đề người tị nạn, Mondulikiri, 22/2/2002.

Suốt ngày, trại viên chỉ có duy nhất một việc để làm là ngồi chống cằm nhớ nhà, nhớ vợ con, nương rẫy. Muốn giết thì giờ cũng không có cách, vì trong trại không hề có sách báo gì cả, chỉ có duy nhất một chiếc tivi đặt ở tầng dưới.

Chờ mãi không thấy được đi nước thứ ba, thứ tư gì cả, chỉ ngồi suốt ngày như súc vật bị nhốt trong chuồng, nhóm 26 người Mơ Nông bắt đầu nổi loạn. Các vị đại diện UNHCR tại trại đã thể hiện sứ mệnh "nhân đạo" và bộ mặt "nhân quyền" là kích động 75 người còn lại hành hung, đe dọa và đánh 26 người Mơ Nông, Cảnh sát Campuchia phải vào can thiệp. Đồng lòng, ngày 26/5/2004, 13 người trong số họ đã cử Điểu Ngơ làm đại diện, thảo một lá đơn xin UNHCR giải quyết cho họ hồi hương. Câu trả lời là họ lập tức bị cách ly, bị tống lên sân thượng. Mỗi khi trời mưa, nước ngập vào “phòng ở” 30-40cm, tạt tứ tung, cả 13 người chỉ còn biết đứng dầm chân trong nước, thức suốt đêm vì không có chỗ ngủ. Đã vậy, Y Xuân, đại diện UNHCR, và Điểu Đây, một tên cầm đầu còn hăm dọa: “Đứa nào đòi về  Việt Nam, hễ bước xuống tầng dưới là “xỉa” cho một, hai nhát, nằm ra đó rồi giải quyết sau”.

Trong hơn 7 tháng sống trong trại tạm cư, chỉ rất ít người được ra khỏi trại một vài lần để thực hiện những sứ mạng “quái gở” của những kẻ đại diện UNHCR. Cuối tháng 6/2004, Katy Grant và Y Xuân đã sai Điểu Đăng ra khỏi trại để mang thư của tên cầm đầu FULRO Điểu Blé gửi Điểu Lon, một tay chân ở xã Đắk Buk So. Trong thư, Điểu Blé chỉ đạo Điểu Lon vận động và gom người vượt biên, Điểu Blé sẽ cho người về biên giới đón. Cứ đưa được một người sang đến huyện Orăng, tỉnh Mondulkiri, UNHCR sẽ trả cho Điểu Lon 200 nghìn đồng. Điểu Đăng có nhiệm vụ giao lá thư này cho một người Campuchia gốc Mơ Nông tên là Điểu Plon để người này chuyển thư về Việt Nam cho Điểu Lon.

Thư qua tin lại, thỏa thuận cách thức, giá cả xong, đầu tháng 7/2004,  Điểu Mpưh, Điểu Đăng, Điểu Dông được Điểu Blé phái đến biên giới đón người vượt biên. Katy Grant và Y Xuân đã cấp cho họ một chiếc Toyota của trại do một người Campuchia lái, đưa họ về khu vực Đắk Lei, xã Đắk Đam, sát biên giới Việt Nam. Tại đó, Điểu Lon đã dẫn  3 kẻ vượt biên là Điểu Brich, Điểu N'Hót và Điểu Jrôn đến để giao. Thay vì trả 600 nghìn đồng cho Điểu Lon, Điểu Đăng theo lời  Điểu  Blé dặn đã trả lời: “Cháu mới “nhập ngũ” nên chưa có tiền, khi nào có cháu sẽ trả ông”. Bực mình vì bị quịt, Điểu Lon không giao người mà dẫn họ quay lại Việt Nam. Với sự kiện này, không nghi ngờ gì nữa, một số kẻ nhân danh UNHCR tại Campuchia đang biến việc “thu thập” người tị nạn thành cơ hội làm ăn. Có điều đó là cuộc làm ăn không sòng phẳng đã được trù liệu sẵn mưu đồ ăn quịt.

Trại tạm cư hay trường huấn luyện bạo loạn?

Bốn ngày sau khi nhận đơn tập thể xin hồi hương của 13 người, ngày 30/5/2004, Y Xuân và Điểu Đây đã tập trung tất cả trại viên lại, công khai tuyên bố: UNHCR không cho bất kỳ ai trong trại hồi hương. Lý do: UNHCR e ngại họ sẽ làm lộ đường dây tổ chức vượt biên và hoạt động FULRO do Điểu Đây đang sống trong trại tạm cư cầm đầu. Y Xuân còn hụych toẹt: đường dây đưa người vượt biên gồm 3 người: Điểu Lân, Điểu Khem và Ma Đuyên, đều là người Mơ Nông ở Campuchia.--PageBreak--

Không những thế, Y Xuân còn biến phòng làm việc của ông ta trong trại thành “phòng tuyên truyền”. Tại đó, Điểu Đây, Điểu Blé, Điểu M'Bơi, những tên cầm đầu thường xuyên gọi riêng các trại viên đến, thuyết phục họ về Việt Nam móc nối dẫn người vượt biên sang Campuchia. Ai dẫn được nhiều người, bọn chúng sẽ trả nhiều tiền, được đưa sang nước thứ 3 định cư. Điểu Maih, Điểu Khuch, Điểu Cơ và nhiều người khác còn được dặn: sẽ được những tên cầm đầu giao nhiệm vụ cụ thể qua một số máy điện thoại của những gia đình buôn bán ở xã Nhân Cơ (Đắk R'Lâp). Những gia đình này đều là người Kinh, không dính gì đến Đề Ga nên công an sẽ không chú ý. Ngược lại, mọi hoạt động, ý đồ của những kẻ được giao nhiệm vụ đều phải báo cáo lại và chịu sự giám sát của tay chân một số tên cầm đầu hiện vẫn đang sinh sống tại Việt Nam. Chúng gồm Điểu Ip (con rể Điểu M'Bơi), Điểu M'Bôi, Điểu Wôn (tay chân của Điểu Đây, Điểu Nhông), Điểu Chinh (con Điểu Đây) v.v...

Nóng lòng muốn quay về, 13 đối tượng nói trên bắt đầu dao động. Đến đó, quyền lực thật sự, kẻ tổ chức thật sự mới chịu cất mặt nạ để lộ nguyên hình. Katy Grant, trại phó trại tạm cư, cùng với Y Xuân lần lượt gọi từng người lên dặn dò: “Về Việt Nam cố gắng làm việc cho Đề Ga, khi cách mạng Đề Ga thành công sẽ được trọng thưởng, được bố trí giữ chức vụ. Nếu không nghe theo sẽ bị trừng phạt”.

Để đối phó với công an, Katy huấn luyện cách ngụy trang, tạo vỏ bọc như sau: “Khi về đến nhà phải trình diện ngay với chính quyền. Cứ nói là ở trong trại khổ quá, bị bỏ đói, bị đánh đập nên trốn về để chính quyền không nghi ngờ. Tuyệt đối không được nhắc gì đến các cuộc tiếp xúc với UNHCR và việc được giao nhiệm vụ”. Katy còn tỏ ra nhìn xa trông rộng: “Về đến buôn làng cứ làm ăn bình thường để khỏi bị chú ý, khoảng 2 tháng sau mới bắt đầu hoạt động”.

Cả 13 đối tượng đều được Katy Grant rót vào tai cùng một luận điệu. Điểu Ngơ, người viết đơn, được Katy ưu ái gặp gỡ những ba lần vào các ngày 7/8, 14/9 và 5/10/2004. Sau những lần gặp gỡ này, bản đồ tỉnh Đắk Nông đã được Katy chia nhỏ thành những địa bàn hoạt động FULRO riêng để giao cho từng người. Điểu Khuch phụ trách địa bàn Đắk Buk So kiêm quản lý 7 đối tượng khác trong xã này. Điểu Glơi và Điểu San được phân địa bàn Đắk Rung; Điểu B'Lơi, Điểu Nhem, Điểu Đăng, Điểu Sép phụ trách khu vực Trường Xuân, huyện Đắk Song. Riêng Điểu Mpưh được tin cậy giao nhiệm vụ liên lạc với Ma Đuyên thiết lập đường dây đưa người do các toán nói trên lôi kéo được trốn đi. Nếu hoạt động có hiệu quả, UNHCR sẽ gửi phương tiện và tiền bạc về tiếp tế.

Nhận làm việc cho Katy Grant và những phần tử quá khích trong trại tạm cư là con đường duy nhất để có thể thoát khỏi cảnh sống cơ cực, tồi tệ. Do đó, cả  13 đối tượng đều gật đầu đồng ý. Trưa 5/10, họ được Katy và Y Xuân cấp giấy phép rời trại để quay về Việt Nam. Biết nhắm mắt lao theo sự xúi giục là có tội, họ đã lần lượt khai báo hết sự thật ngay sau khi về đến buôn làng.

Trước đây, đã hơn một lần chúng tôi từng nhấn mạnh: UNHCR là tổ chức phi chính phủ chứ không phải là một tổ chức vô chính phủ. Đáng ngạc nhiên và xấu hổ, Katy Grant, Y Xuân, những kẻ đại diện tổ chức này đang cố tình biến trại tạm cư thành nơi kích động, xúi giục và huấn luyện phương pháp tổ chức gây rối cho một số người để sau đó tung họ trở lại Việt Nam. Katy Grant, Y Xuân và những kẻ khác thừa biết không làm gì có thứ quy chế tị nạn nào được xét đến với giá 200 nghìn đồng/người. Họ cũng thừa biết, Việt Nam không hề có xung đột sắc tộc, tôn giáo; Nhà nước Việt Nam luôn phấn đấu để đem lại một đời sống ổn định, phát triển và giàu mạnh cho đồng bào mọi dân tộc trên cả nước, trong đó có đồng bào Tây Nguyên. Do đó, không một ai trong cái gọi là “trại tạm cư” của họ đủ điều kiện để được (hoặc đáng bị) coi là “người tị nạn”. Chấp nhận, dung dưỡng nó, họ đang góp phần can thiệp thô bạo, trắng trợn vào độc lập, chủ quyền và công việc nội bộ của Việt Nam.

Những Katy Grant, Y Xuân có lẽ không ngớ ngẩn (điều này chúng tôi không dám chắc) khi vô cớ tự đứng ra tổ chức những hoạt động thù địch, chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam một cách không công. Vậy thì vì mục đích gì? Cho ai? Và ai đã trả lương cho họ làm những việc sai trái đó?

Điều cuối cùng, chúng tôi không hiểu UNHCR có biết hay không những hoạt động trái nguyên tắc, vô chính phủ và đầy dụng ý xấu của các nhân viên thuộc tổ chức như Katy, như Y Xuân. Nếu biết, thật không thể hiểu nổi tại sao tổ chức này không có biện pháp ngăn chặn hay chấn chỉnh, trong khi họ luôn nói rằng sứ mệnh của họ là “nhân đạo”?

.
.
.