Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng

Thứ Năm, 19/09/2019, 15:56
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 tại Hà Nội ngày 19-9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ về một Việt Nam không ngừng ước mơ, đồng thời, thẳng thắn nhìn vào nhiều hạn chế, yếu kém hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ về một Việt Nam không ngừng ước mơ tại Diễn đàn. 

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng nhất của Diễn đàn năm nay là cung cấp đầu vào quan trọng giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025; đồng thời, là dịp để các học giả, chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận về những phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như Việt Nam chia sẻ với các nước có trình độ phát triển tương đồng kinh nghiệm phát triển, cả thành công và thất bại của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và trân trọng những ý kiến tham luận, phát biểu hết sức ý nghĩa, tâm huyết, xây dựng của các đại biểu, trong đó tập trung thảo luận về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại (với trọng tâm là pháp quyền), tự do hóa thị trường nhân tố sản xuất, hoàn thiện bộ máy nhà nước, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa của các mặt hàng chế biến, chế tạo xuất khẩu để tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu; nhiều kinh nghiệm quốc tế đa dạng; cùng các ý kiến đóng góp thiết thực khác.

"Tôi muốn chia sẻ về một Việt Nam không ngừng mơ ước. Vào những thập niên đầu sau chiến tranh, đất nước Việt Nam khi đó còn muôn vàn khó khăn, tỷ lệ nghèo đói rất cao. Nhiều gia đình Việt Nam chỉ mơ ước có một bữa cơm, có áo ấm, con em được đến trường học hành tử tế, một cuộc sống không còn đói rét và vất vả", Thủ tướng cho biết.

Toàn cảnh Diễn đàn.

Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới lan tỏa sâu rộng, đã chắp cánh cho bao ước mơ được hiện thực hóa để rồi hơn 70 triệu người trong thập niên sau đó đã vươn lên vượt qua cái đói, cái nghèo, muốn nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành như chính ước mơ bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Trong 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng cao, là cơ sở để tỷ lệ đói nghèo ở mức rất cao (trên 53% năm 1992) giảm 10 lần còn 5,23% năm 2018 theo chuẩn nghèo đa chiều. Đồng thời, tầng lớp trung lưu cũng tăng (hơn 15% dân số), và đang tăng rất nhanh. Xét về quy mô dân số, đây là một trong những cuộc vượt đói nghèo vĩ đại trong lịch sử đất nước.

Với quan điểm nhìn thẳng vào những hạn chế, yếu kém, Thủ tướng bày tỏ đồng tình, đánh gía cao nhiều nhận định của các chuyên gia quốc tế về những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn những rủi ro. Khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài của Việt Nam còn yếu, năng lực tiếp cận nền kinh tế số còn nhiều hạn chế, gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng chững lại, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu còn cao. 

"Năm 2018, dân số Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế chỉ đứng thứ 6. Tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp, các vùng miền còn rất khác nhau trong phát triển...Những hạn chế yếu kém đó không làm chúng tôi chùn bước mà còn thôi thúc chúng tôi không chỉ khát vọng, ước mơ mà còn vươn lên mạnh mẽ trong tiến trình còn nhiều gian khó, thách thức này", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu, diễn giả tham dự Diễn đàn.

Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển 2021-2030 trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động khó lường, nhiều dự báo đầy lo âu về căng thẳng địa chính trị, chiên tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, biến đổi khí hậu nặng nề. Trong tình hình đó đòi hỏi Việt Nam phải có bản lĩnh vững vàng, phát huy thành tựu, kinh nghiệm vừa qua để tự tin tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng, phát huy nguồn nhân lực thông qua những hành động mạnh mẽ. Đó là: 

Thứ nhất là giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội cho phát triển nhanh và bền vững; 

Thứ hai, thực hiện đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện đại, hội nhập, phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số;

Thứ ba là phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ mới, phát triển khu vực tư nhân năng động, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực cho phát triển; đặc biệt là đầu tư cho giáo dục thế hệ trẻ dám ước mơ, dám hành động để vươn xa.

Thứ tư là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, có sức chống chịu và khả năng thích ứng cao; thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của LHQ mang thịnh vượng đến mọi nhà, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ năm là mở rộng đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện hiệu quả các Hiệp định FTA đã ký, tích cực tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu...

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm và kiến thức quốc tế, những ý kiến nhận định, đề xuất của các chuyên gia hàng đầu quốc tế và trong nước, để tìm ra những cách làm phù hợp cho Việt Nam, đóng góp trực tiếp cho việc hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, trở thành nước công nghiệp, thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào 2045.

Lưu Hiệp - Duy Tiến
.
.
.