Hai phạm trù có tính nguyên tắc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp

Thứ Sáu, 18/01/2013, 22:59
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong những quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền chính trị và dân sự, được ghi nhận trong các văn bản pháp luật quốc tế về quyền con người (được khẳng định trong Tuyên ngôn về nhân quyền năm 1948 của Liên hợp quốc và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966). Ở Việt Nam, quyền con người, trong đó có quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo là một nội dung lớn được thể hiện rõ trong các bản Hiến pháp kể từ khi lập nước tới nay và tiếp tục được tái khẳng định trong dự thảo Hiến pháp 1992 (sửa đổi).

Hiến pháp năm 1946, tại Điều 10 quy định công dân Việt Nam có các quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.                   

Cần thấy rằng, ngay Hiến chương của Liên hợp quốc năm 1945, vấn đề này cũng chỉ mới quy định chung nhất “khuyến khích phát triển sự tôn trọng các quyền của con người và các tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo” (Khoản 3, Điều 1, Hiến chương Liên hợp quốc). Hiến pháp 1946 cho thấy giá trị thời đại khi hai năm sau (1948), trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận tại Điều 18 một cách cụ thể hơn: “Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo, kể cả tự do thay đổi tín ngưỡng hoặc tôn giáo của mình, và tự do bày tỏ tín ngưỡng hay tôn giáo của mình bằng các hình thức như truyền giảng, thực hành, thờ cúng và tuân thủ các nghi lễ, dưới hình thức cá nhân hay tập thể, tại nơi công cộng hoặc nơi riêng tư”.

Tới bản Hiến pháp 1959, quyền tự do, tín ngưỡng tiếp tục được cụ thể hóa: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào” (Điều 26). Hiến pháp 1980, Điều 68 quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Điều 70, Hiến pháp 1992 tiếp tục kế thừa và phát triển quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ... Bản dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đang được trưng cầu ý dân, Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70) quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ...

Trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta, một mặt khẳng định các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, một mặt nghiêm cấm việc lợi dụng các quyền trên để xâm phạm lợi ích Nhà nước, nhân dân. Điều 38, Hiến pháp 1959 quy định: “Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”. Hiến pháp 1992 tiếp tục khẳng định: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”. Khoản 3, Điều 25, dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi: “Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Việc đưa ra quy định trên là phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 cho rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tuyệt đối, tự do vô nguyên tắc. Tại Điều 29 của Tuyên ngôn nêu rõ: Khi hưởng thụ các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ phải tuân thủ những hạn chế do luật định, nhằm mục đích bảo đảm sự công nhận và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác, cũng như nhằm đáp ứng những yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. Trong mọi trường hợp, việc thực hiện các quyền tự do này cũng không được trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Như vậy, các bản Hiến pháp của Việt Nam, vừa quy định các quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhưng đồng thời đưa ra quy định ngăn chặn các hành vi lợi dụng quyền đó để xâm phạm lợi ích Nhà nước, nhân dân, lợi ích công cộng. Đó là hai mặt của vấn đề có tính nguyên tắc và cũng phù hợp, tương thích luật pháp quốc tế về quyền con người. Do đó, việc các đối tượng lợi dụng quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phạm pháp, gây tổn hại lợi ích Nhà nước, nhân dân là đi ngược lại với luật pháp trong nước và quốc tế, đi ngược xu thế phát triển của con người

Đ.T.
.
.
.