Hà Nội:

Vì sao nước sạch kéo đến tận nơi mà dân không dùng?

Thứ Bảy, 07/09/2019, 07:06
Ngày 6-9, thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về vấn đề cung cấp nước sạch cho nhân dân.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu đây là phiên họp giải trình thứ hai trong năm 2019 và là phiên thứ năm từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay của HĐND thành phố. 

Sau phiên giải trình, hầu hết các kiến nghị của Thường trực HĐND thành phố đưa ra đều được UBND các cấp chính quyền cơ sở nghiêm túc tiếp thu, triển khai thực hiện, tạo ra những chuyển biến tích cực sau giải trình. 

Lần này, Thường trực HĐND thành phố lựa chọn nội dung cung cấp nước sạch để yêu cầu UBND và các cơ quan liên quan giải trình bởi tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch từ 37% năm 2016 tăng 65% vào 6 tháng đầu năm 2019. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa bàn tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch còn thấp, như Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa. Điều này đặt ra yêu cầu cho các cấp chính quyền cần có giải pháp mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện…

Trong phiên họp, đã có 14 đại biểu đặt câu hỏi với 18 lượt ý kiến. Các câu hỏi đã bám sát chủ đề của phiên giải trình về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án cấp nước trên địa bàn thành phố chậm tiến độ; nguyên nhân vì sao chất lượng nước tại một số chung cư trên địa bàn thành phố vẫn chưa bảo đảm chất lượng… 

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, phát triển nguồn cấp nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, xương sống của thành phố. 

Trong hơn một năm, thành phố đã cấp được 11 dự án, tổng công suất nguồn đạt 1,52 triệu m³/ngày - đêm với 5 nhà máy, tăng hơn 600.000/m³ ngày - đêm so với năm 2016. Năm nhà máy này đã đưa nước đến các huyện Thường Tín, Thanh Oai và quận Hà Đông… 

Về nguyên nhân việc triển khai các dự án chậm, theo Giám đốc Sở Xây dựng, là do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và khả năng của nhà đầu tư. Thành phố đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ của 11 dự án này.

Thường trực HĐND TP Hà Nội họp trong đó có phiên giải trình về vấn đề nước sạch.

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, với phương châm "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", thành phố đã đề xuất 5 giải pháp nâng cao chất lượng đời sống người dân, trong đó có chất lượng nước sạch. 

Chủ tịch UBND thành phố chỉ rõ các bất cập tồn tại như tình trạng nước ở vùng nông thôn chưa đảm bảo, thiếu nước mùa khô; cấp nước sạch ở nông thôn trước đây không hiệu quả, có dự án có dấu hiệu sai phạm. “Không lý do gì cách nhau một “sợi chỉ”, bên này là phường, bên kia là xã mà mỗi nơi lại sử dụng nước chất lượng khác nhau”, ông Chung nhấn mạnh.

Để khắc phục những bất cập trên, Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng và các Bộ cho phép Hà Nội đưa chức năng quản lý nước sạch về một đầu mối là Sở Xây dựng và có nhiều cơ chế, chính sách thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp vào lĩnh vực này. 

Cụ thể, từ giữa năm 2016, thành phố đưa các danh mục dự án các nhà máy cấp nước nguồn, nước mặt công khai để kêu gọi đầu tư. Hà Nội cũng thay đổi cách kêu gọi đầu tư; đề nghị thêm các nhà máy nước các tỉnh lân cận, đầu tư đường ống để cung cấp ngược lại cho thành phố; yêu cầu các nhà đầu tư mở rộng công suất các nhà máy hiện có như: Nhà máy Nước Vân Trì, Nhà máy Nước mặt sông Đà, Trạm cấp nước Dương Nội... 

Đáng chú ý, thành phố cũng ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến phục vụ nước sạch cho nhân dân, trong đó có việc sử dụng trạm lọc nước sử dụng công nghệ của Đức ở Dương Nội, Hà Đông.

Về công tác giải phóng mặt bằng, theo ông Nguyễn Đức Chung, 3 năm qua, tập thể UBND thành phố đã tổ chức 37 lần họp với các nhà đầu tư, công ty, các huyện, xã để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách giải phóng mặt bằng, mà điển hình như dự án nhà máy nước mặt sông Đuống đã giải phóng mặt bằng 100 hec ta trong vòng 4 tháng. 

“Tại sao nước sạch được kéo đến tận nơi nhưng vẫn có người dân chưa dùng?” - Chủ tịch UBND thành phố lý giải nguyên nhân do thói quen người dân là chỉ dùng nước sạch để ăn uống, còn lại dùng nước ngầm để đỡ tốn kém. Việc sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe. 

Chủ tịch UBND TP cho biết, Hà Nội sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đóng sớm hơn lộ trình với các giếng khoan nhiễm thạch tín asen; với 300.000 giếng khoan ở khu vực nông thôn, thành phố sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân đóng lại các giếng này, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khúc mắc cho các doanh nghiệp cấp nước; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu, vùng xa... 

“Thành phố cần sự đồng thuận rất cao của người dân trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch chính là đảm bảo sức khỏe của mình”, Chủ tịch UBND thành phố kêu gọi.

Phạm Huyền
.
.
.