Gương soi không thấy gáy

Thứ Bảy, 02/02/2013, 16:16
Đôi mắt mỗi người có thể nhìn thấy ngàn dặm, vậy mà lông mày rất gần và cái gáy ngay phía sau, ai cũng có lại không thể tự thấy. Muốn thấy phải soi gương, nhưng gương cũng chỉ nhìn thấy lông mày, một gương thuần túy vẫn không thể nhìn thấy gáy!

Câu chuyện gương và gáy nghiệm rất thâm thúy, sâu xa trước những vấn nạn tiêu cực thời sự nóng bỏng hôm nay... Sau khi ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội nói việc chạy công chức 100 triệu “chỉ là tin đồn” thì mới đây, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức chiều 25/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chế độ công chức hiện vẫn nặng tính bao cấp, chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào...

Phát biểu của Phó Thủ tướng tuy không nói trực tiếp vụ chạy công chức mà Sở Nội vụ Hà Nội quy là “tin đồn”, nhưng có thể hiểu, cán bộ, công chức năng lực kém là hệ lụy của những tiêu cực trong thi tuyển công chức khiến bộ phận này “sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Ảnh minh họa.

Viện lý do này, nhiều thông tin tỏ ra “soi mói” với tỷ lệ 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” và có những nhận xét thiếu thiện chí, thậm chí phê phán, nguyền rủa nặng nề tình trạng cán bộ, công chức kém hiệu quả. Ngẫm ý Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu hôm họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 29/1 rằng, tỷ lệ công chức làm việc không hiệu quả thì ở đâu cũng có, nhưng vấn đề cần hiểu cặn kẽ vì sao lại như thế. Có phải tất cả số đó đều do họ kém năng lực hay có năng lực nhưng thoái thác công việc, chỉ kiếm chỗ nhận lương?

“Tôi đã qua nhiều cơ quan, và đúng là cơ quan nào cũng có bộ phận như vậy. Trực tiếp tôi đã hỏi chuyện các anh, các chị, các cháu trong diện đó, và thấy nhiều người khát khao được tạo điều kiện làm việc chứ không phải tất cả họ đều không muốn làm việc, chỉ ngồi có chỗ ăn lương” - ông Đam nói.

Suy ngẫm sâu xa, có thể thấy con số 30% cán bộ, công chức chưa làm tốt nhiệm vụ, tỷ lệ này có thể mỗi nơi tăng lên hay giảm xuống tùy thực tế. Nhưng có nhiều nguyên nhân của hệ quả này. Trước hết, đó là năng lực, trình độ của một bộ phận công chức không đáp ứng yêu cầu. Thứ hai, một bộ phận có năng lực, trình độ nhưng lại “ngồi nhầm ghế”, không đúng sở trường, chuyên môn của họ dẫn tới “lệch pha”, kém hiệu quả. Thứ ba, không ít công chức có năng lực, có trình độ và làm ở môi trường đúng chuyên môn nhưng họ không phát huy được, cũng cắp ô đi, ô về do những rào cản tâm lý, nghề nghiệp như không được lãnh đạo trọng dụng, bị đồng nghiệp dùng thủ đoạn tẩy chay, kể cả những tác động gây tâm lý ức chế, chán nản. Ở điểm này, rõ ràng họ muốn cống hiến, muốn thể hiện năng lực, nhưng cũng không thể. Thứ tư, dù hội tụ đủ cả năng lực, trình độ và đúng sở trường, chuyên môn, được tạo điều kiện nhưng một số ý thức làm việc đối phó, chẳng hạn cậy “ô to”, gia đình có địa vị dẫn tới tư tưởng làm hay không làm cũng không ai... đụng đến!

Xây dựng một nền hành chính hiệu quả, tất phải bắt đầu từ bộ máy cán bộ, công chức làm được việc. Nhưng với các cắt nghĩa nguyên do của 30%  công chức có như không nói trên, thì để giải quyết thực trạng này là bài toán quá khó. Chúng ta cũng đã có mấy thập kỷ thực hiện cải cách hành chính, tinh giản biên chế nhưng chưa hiệu quả và rất khó để tinh giản. Với 4 lý do như đã nêu, những công chức này dù chỉ cắp ô đi, cắp ô về nhưng họ lại có cơ sở để bám trụ, thậm chí vững chắc để khiến không thể nằm trong diện tinh giản, ngược lại còn “buộc phải xuất sắc”.

Điểm nữa, như Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận, cơ quan nào, ngành nào cũng có bộ phận công chức làm việc kém hiệu quả, nhưng mạnh dạn nhìn nhận thực trạng lại là chuyện khác. Có công chức nào đủ dũng khí tự mình nhận mình đứng trong diện “cắp ô đi, cắp ô về” để chỉnh đốn? Ngay chuyện chạy công chức 100 triệu đồng ở Hà Nội, những tưởng sự thật hiển nhiên ấy phải được làm rõ, xử lý, thì rốt cuộc Sở Nội vụ tới nay kết luận “chỉ tin đồn”!

Tự mình soi tật của mình, cũng giống như chuyện ngước mắt tìm gáy vậy. Muốn thấy, phải soi gương, nhưng phải là hai gương để chiếu hậu. Trong chuyện này, điều cần làm không phải là giao cho Sở Nội vụ “tự kiểm tra và tự báo cáo” mà phải có sự ràng buộc trách nhiệm. Đối với công chức kém hiệu quả, cũng không phải để họ tự nhận, cơ quan, đơn vị tự nhận, mà phải có cơ chế tuyển chọn, sử dụng người đúng nghĩa. Xem ra, tất cả còn lâu dài!

Đ.T.
.
.
.