Góp phần giải quyết nhiều vấn đề bức xúc về văn học nghệ thuật

Thứ Sáu, 21/07/2017, 13:10
Ngày 21-7, kỳ họp thứ 2 của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT TƯ) Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ- Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TƯ đề nghị các thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến về những vấn đề nổi bật trong đời sống VHNT thời gian qua, từ đó kiến nghị những vấn đề trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác của Hội đồng.

Theo PGS.TS. Phan Trọng Thưởng –Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng LLPB VHNT TƯ, một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 được Hội đồng xác định là tổ chức hội thảo khoa học toàn quốc. Vì thế, Thường trực Hội đồng đã lựa chọn từ hơn 30 chủ đề được đề xuất, thành 2 chủ đề để báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo: “Các xu hướng vận động của VHNT Việt Nam hiện nay –thực trạng và định hướng phát triển”; “Vấn đề tiếp thu, vận dụng và tiếp biến các lý thuyết nghệ thuật nước ngoài ở Việt Nam hiện nay.”

Thời gian qua, Hội đồng đã phối hợp với một số Hội VHNT chuyên ngành để tư vấn cho Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng xử lý một số vụ việc trong đời sống VHNT. Trong đó có vụ Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL) cấm lưu hành 5 ca khúc đã được cấp phép và công bố cho phép Quốc ca được lưu hành, Hội đồng đã đề nghị Hội Nhạc sĩ Việt Nam có ý kiến chính thức, , góp phần giải tỏa bức xúc dư luận xã hội; tập thơ “Thành phố dịu dàng” của nhà thơ Trần Nhuận Minh được UBND tỉnh Quảng Ninh trao giải thưởng trong khi Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT&TT) yêu cầu đình chỉ phát hành. Hội đồng đã đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam có ý kiến để thống nhất quan điểm xử lý vấn đề này.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ phát biểu khai mạc

Một nội dung cũng đã được Thường trực Hội đồng triển khai là dịch công trình Lý luận văn học của GS. V.E.Khalizev-giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov- giáo trình của nhiều trường đại học Nga.

Trước những vấn đề nổi cộm trong đời sống VHNT, Thường trực Đề án đấu tranh chống quan điểm sai trái trong lĩnh vực VHNT đã theo dõi kịp thời, tổng hợp thông tin để báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng thời, triển khai một số biện pháp nghiệp vụ phù hợp.

Tại kỳ họp, các thành viên đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng. Thứ tưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho rằng, Hội đồng cần bám sát hoạt động của ngành văn hóa, sau mỗi Liên hoan sân khấu nên tổ chức tọa đàm, chỉ ra những mạnh yếu vv... Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân- Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá cao việc Hội đồng và Hội chuyên ngành đã có sự gắn kết hiệu quả trong giải quyết vụ việc Cục Nghệ thuật –Biểu diễn cấm 5 bài hát đã được cấp phép và cho phép hát Quốc ca…

Các thành viên bàn thảo nhiều nội dung quan trọng

Các đại biểu cũng nêu băn khoăn: Mỗi khi có một vở diễn hay bộ phim ra đời là lập tức có những bài báo định hướng dư luận xã hội. Nhưng trình độ chuyên môn của một số nhà báo đáng lại lo ngại; có khi người viết chỉ là nhà báo mới ra trường, kiến thức và kinh nghiệm chưa nhiều, dẫn đến sai sót, như vụ ngôi mộ bị xâm phạm là của một “tài nhân”, mà một số báo cho đó là vợ vua Tự Đức. Trong các hội diễn sân khấu, báo chí mới chỉ đưa tin ở bề nổi, không khái quát và đánh giá được đúng vấn đề. Đã vậy, hiện nay “nhà báo” face book có sức mạnh rất lớn, có thể khuấy động dư luận xã hội.

Do đó, vấn đề đặt ra là định hướng tác phẩm VHNT như thế nào? Có ý kiến đề nghị trong các hội diễn sân khấu, nên có thành viên Hội đồng tham dự, để nghiên cứu, có ý kiến; hay cần xây dựng tờ báo của Hội đồng có chất lượng, để có tiếng nói trong công chúng.

Các đại biểu cũng cho rằng, khi có những ý kiến trái chiều về VHNT trong xã hội, cần có diễn đàn để tranh luận và Hội đồng cũng cần có quan điểm chính thống. Một vấn đề nữa được nêu ra tại kỳ họp là vấn đề loạn thuyết, luận văn luận án nhiều mà không ai kiểm soát. Do đó cần tổ chức nhiều buổi tọa đàm về tác phẩm văn học.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cho biết, trong thời gian còn lại của năm 2017, Hội đồng sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ chính: tổ chức hội thảo khoa học về VHNT toàn quốc vào tháng 10-2017; tổ chức các lớp tập huấn công tác LLPB VHNT; xét tặng thưởng, hỗ trợ tác phẩm LLPB VHNT 2017; tổ chức một số buổi tọa đàm khoa học về những vấn đề được quan tâm trong đời sống VHNT vv…

Tại kỳ họp, Hội đồng đã công bố thành lập 5 Tiểu ban chuyên môn: Tiểu ban LLPB văn học do PGS.TS. Phạm Quang Long làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban LLPB sân khấu-điện ảnh-nhiếp ảnh do NSND Lê Tiến Thọ làm Trưởng ban; Tiểu ban LLPB âm nhạc –mỹ thuật –múa do NSND Vương Duy Biên làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban LLPB VHNT trong nhà trường do GS.TS. Trần Đăng Suyền làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Thông tin-Truyền thông về VHNT do nhà báo Hoàng Vĩnh Bảo làm Trưởng Tiểu ban.

Tiểu ban chuyên môn có nhiệm vụ khảo sát, theo dõi, nắm bắt tình hình VHNT nói chung, lĩnh vực tiểu ban được phân công nói riêng; tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt chuyên môn định kỳ, thường xuyên hoặc đột xuất khi thực tiễn xuất hiện những vấn đề mới, cần quan tâm; tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất những vấn đề thuộc lĩnh vực được phân công để Thường trực Hội đồng tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương theo quy định.


Thanh Hằng
.
.
.