Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ phải đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam

Thứ Tư, 04/04/2018, 17:35
Chiều 4-4, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận dự án Luật An ninh mạng.


Báo cáo thẩm tra về dự án Luật An ninh mạng của Uỷ ban Quốc phòng (QPAN) nêu rõ tính đến ngày 26-3, có 58 Đoàn đại biểu Quốc hội và 11 bộ, ngành gửi ý kiến tham gia đối với dự thảo Luật. 

Trên cơ sở ý kiến góp ý, Thường trực Ủy ban QPAN đã tổ chức cuộc họp với Thường trực Ban soạn thảo để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện bước đầu đối với dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý.

Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận dự án Luật An ninh mạng.

Về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Ủy ban QPAN cho rằng hệ thống thông tin quan trọng về ANQG là hệ thống thông tin của các mục tiêu, công trình có ý nghĩa quan trọng đối với ANQG, cần phải áp dụng các biện pháp bảo vệ đặc biệt để chủ động phòng, chống hoạt động tấn công, phá hoại hệ thống và bảo vệ ANQG, trật tự an toàn xã hội (TTATXH), phòng ngừa, phát hiện tội phạm, nhất là tội phạm phi truyền thống trên hệ thống này. Nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia phát triển về công nghệ thông tin, cũng đang phải sửa đổi pháp luật về lĩnh vực này.

Để bảo vệ ANQG, TTATXH trên không gian mạng, Ủy ban QPAN đề nghị phải xác định các hệ thống thông tin quan trọng về ANQG để có biện pháp quản lý, bảo vệ đặc biệt về an ninh mạng.

Ủy ban QPAN cho rằng, việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về ANQG là rất cần thiết, nhất là các biện pháp thẩm định, kiểm tra, đánh giá, giám sát an ninh mạng và đây chính là các biện pháp quan trọng, hữu hiệu trong bảo vệ an ninh mạng. Việc áp dụng biện pháp bảo vệ an ninh mạng tất yếu phát sinh thủ tục hành chính, bắt buộc các chủ thể có liên quan phải thực hiện một số hoạt động cụ thể.

Về quy định tại khoản 4 Điều 34 dự thảo Luật là bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam, Ủy ban QPAN thấy rằng, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, một số vị đại sứ nước ngoài tại Việt Nam và một số tổ chức có ý kiến góp ý.

Ủy ban QPAN đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại tổ chức hội nghị để tọa đàm, trao đổi với các vị đại sứ, làm rõ các kiến nghị có liên quan.

Tính đến tháng 1-2018, Google đã thuê 1781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan, tham khảo các quy định tương tự của pháp luật một số quốc gia là thành viên của WTO và cân nhắc trên nhiều mặt, Ủy ban QPAN đề nghị không quy định nội dung yêu cầu đặt máy chủ quản lý dữ liệu trên lãnh thổ Việt Nam để bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Về yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam, Ủy ban QPAN đề nghị giữ lại nội dung này trong dự thảo Luật vì quy định như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với dữ liệu điện tử và xử lý các tình huống, hành vi trên không gian mạng xâm phạm ANQG, TTATXH; gắn nghĩa vụ, trách nhiệm của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong việc phối hợp cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ điều tra, xác minh, xử lý vi phạm liên quan đến người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam; 

Bảo đảm tính khả thi khi phối hợp ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin chống Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật của Việt Nam; ngăn chặn có hiệu quả hoạt động chống phá của các đối tượng phản động, gián điệp trong và ngoài nước sử dụng không gian mạng. 

Phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo hành lang pháp lý cho các bộ, ngành chức năng quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới khi kinh doanh vào Việt Nam; đảm bảo chủ quyền thanh toán, chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp này; đồng thời, xóa bỏ sự bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước.

Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 1-2018, Google đã thuê 1781 máy chủ, Facebook đã thuê 441 máy chủ của các doanh nghiệp Việt Nam để lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.

Phương Thuỷ
.
.
.