Lực lượng CAND góp ý vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”:

Giữ nguyên tên nước như Hiến pháp hiện hành là hoàn toàn phù hợp

Thứ Sáu, 24/05/2013, 00:59
Việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác quản lý hành chính Nhà nước và tránh lãng phí lớn do phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên hệ thống tiền tệ, các văn bản, giấy tờ hành chính…

Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến sâu rộng trong toàn lực lượng Công an nhân dân về việc góp ý kiến vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992” gửi Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đến nay Bộ Công an đã bổ sung thêm những đóng góp tâm huyết vào Dự thảo để khi Hiến pháp được Quốc hội thông qua sẽ thực sự phù hợp với tình hình xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Vi Dân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an cho biết:

Quá trình tập hợp các ý kiến đóng góp của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong lực lượng Công an và các nhà khoa học trong lực lượng Công an vào “Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, Bộ Công an cho thấy, tất cả các ý kiến đóng góp đều thể hiện quan điểm, giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 1 của dự thảo.

Tên nước là thiêng liêng, liên quan đến chế độ chính trị, kinh tế, xã hội, định hướng cách mạng, phương hướng phát triển của đất nước, dân tộc, liên quan đến bản chất, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, tư tưởng, tâm lý của nhân dân và sự nhìn nhận, đánh giá của cộng đồng quốc tế... Vừa qua, có một số ý kiến đặt vấn đề đổi tên nước trong thời điểm hiện nay là không phù hợp, bởi lẽ:

Thứ nhất, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi đã được Quốc hội khóa VI quyết định vào ngày 2/7/1976 sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, non sông thu về một mối, cùng đi lên chủ nghĩa xã hội và tên nước được sử dụng ổn định cho đến nay. Tên nước đã gắn với giai đoạn hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là tên gọi khẳng định rõ con đường, mục tiêu mà chúng ta đang đi và hướng đến là phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa phù hợp với các giai đoạn của cách mạng trước năm 1975 ở nước ta, đó là thời kỳ đất nước thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế Việt Nam dân chủ cộng hòa vận động trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc, kháng chiến kiến quốc, tạo dựng những nền tảng ban đầu để đi lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó đã được lịch sử kiểm nghiệm, làm tròn nhiệm vụ lịch sử của nó và được tiếp tục phát triển theo logic bởi thể chế mới là chủ nghĩa xã hội.

Thứ hai, tên gọi Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phù hợp với nền chính trị hiện tại và mục tiêu định hướng phát triển của đất nước ta trong thời gian tới. Sự kiên trì con đường phát triển chủ nghĩa xã hội là quan điểm trước sau như một của Bác Hồ và Đảng ta. Trong điều kiện đổi mới hiện nay, Đảng đã xác định con đường của cả tiến trình đổi mới là kiên định mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng. Thể chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam có một quá trình lịch sử đến nay gần 40 năm, đổi mới gần 30 năm, phản ánh rất rõ mục tiêu, lý tưởng của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ con đường và sự nghiệp của chúng ta là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó cũng khẳng định chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thể chế đó cũng khẳng định chúng ta đang trong quá trình vận động cách mạng xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc.

Thứ ba, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tiếp tục khẳng định mục tiêu, định hướng xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và bảo đảm ổn định cho hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, giữ gìn niềm tin của cán bộ, công chức và nhân dân vào chế độ, vào Đảng và Nhà nước, tránh những tác động bất lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội và có thể gây phức tạp về chính trị, an ninh, trật tự.

Thứ tư, việc giữ nguyên tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tránh những xáo trộn không cần thiết trong công tác quản lý hành chính Nhà nước và tránh lãng phí lớn do phải thay đổi quốc huy, con dấu, quốc hiệu trên hệ thống tiền tệ, các văn bản, giấy tờ hành chính…

Từ những căn cứ và phân tích trên, quan điểm của Bộ Công an là giữ nguyên tên gọi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Nguyễn Hưng (ghi)
.
.
.