Giới hạn của “quyền im lặng”

Thứ Hai, 03/11/2014, 09:47
Gần đây, trên nhiều diễn đàn diễn ra cuộc tranh luận về “quyền im lặng” của bị can, bị cáo. Về khái niệm, “quyền im lặng” được hiểu một cách phổ quát là nhằm bảo vệ sự công bằng của luật pháp, tránh áp đặt hay bức cung đối với một cuộc điều tra không có sự hiện diện của luật sư đại diện cho nghi can. Nói cách khác, quyền im lặng được coi là quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo được phép im lặng, không khai báo trước cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án khi chưa có luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Vấn đề này được khởi xướng khi Quốc hội sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là kể từ khi trình dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, Luật Tổ chức TAND sửa đổi… Một số ý kiến của luật sư, nhà quản lý và một số người được nói là những “nhà nghiên cứu” trong và ngoài nước tán đồng khuynh hướng này cho rằng, đã đến lúc cần đưa “quyền im lặng” vào luật, từ đó cho phép bị can, bị cáo được quyền không nói gì khi chưa có luật sư bảo vệ. Mục đích cũng được vin là để tránh oan, sai, bức cung, ép cung!

Nghe ra, nhiều người dễ có cảm nhận hơi hướng của vấn đề nhân quyền vì quyền khai hay không khai báo được bảo vệ, tức là đảm bảo nhân quyền của họ - những người chưa bị coi tội phạm khi chưa có bản án có hiệu lực của tòa án. Soi chiếu luật pháp một số nước cũng có những quy định dạng này, lại dễ nhầm tưởng đó là “xu hướng tiến bộ” của thế giới…

Tuy nhiên, khi đưa vấn đề này ra bàn thảo để xem có quy định trong luật hay không lại là vấn đề rất hệ trọng, không thể cứ nói qua loa, đại loại đó là nhân quyền, mà nhân quyền thì phải thực thi. Quyền im lặng là quyền công dân nhưng không có nghĩa ở mọi trường hợp, mọi người đều có quyền im lặng. Nếu hiểu một cách tuyệt đối như vậy thì có lẽ xã hội sẽ không bao giờ phát triển được, chứ đừng nói đấy là tiêu chí cho xã hội phát triển như một số ngụy biện.

Thử đặt ví dụ thế này:

Học sinh đi học, cô giáo gọi hỏi bài cũ, hỏi các yêu cầu nêu ra trong bài tập, bài thực hành. Học sinh cho rằng mình chưa đến tuổi công dân, có quyền im lặng (khi chưa có phụ huynh hoặc người đại diện hợp pháp). Vậy là mọi câu hỏi của giáo viên đều rơi vào ngõ cụt vì học sinh đã vơ lấy cái quyền im lặng đó để biện minh! Cán bộ, công chức, công, nhân viên đi làm, khi người có thẩm quyền hỏi về các vấn đề cần khai báo như lý lịch, nhân thân, các nội dung liên quan công việc…, họ cũng lấy quyền được “im lặng” để không nói gì?! Trong mọi quan hệ xã hội, người ta cũng lấy quyền im lặng để biện minh cho những câu hỏi về mình. Nếu vậy, xã hội sẽ rơi vào thời kỳ gì?

Bị can, bị cáo chưa phải là tội phạm nếu chưa phải chịu bản án có hiệu lực pháp luật của tòa. Thế nhưng, ngay từ khi họ bị bắt, bị tạm giam, tạm giữ, khởi tố, điều tra thì cơ quan tiến hành tố tụng đã có những căn cứ để áp dụng các biện pháp ngăn chặn, chứ không phải mặc nhiên đưa ra. Không thể lấy chuyện lo sợ bị bức cung, oan, sai ra để ngụy biện cho sự im lặng, không khai báo trước cơ quan tiến hành tố tụng. Nếu hiểu máy móc như vậy thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát khi thụ lý hồ sơ, đó chỉ còn là các trang giấy trắng vì bị can, người bị tạm giữ không nói gì thì làm sao có lời khai, hỏi đáp! Còn nói rằng phải đợi luật sư của họ có mặt mới được khai báo lại là lý do… trên trời, bởi quyền có luật sư hay không lại thuộc chính bị can, bị cáo. Nếu họ không mời luật sư, cũng chọn cách im lặng thì xử lý thế nào? Trong khi đó, ở ta có 90 triệu dân mà mới có khoảng 8.000 luật sư. Với số vụ việc phạm tội như hiện nay, các vụ án sẽ bị ngưng trệ hoàn toàn nếu vụ nào cũng phải chờ luật sư vào cuộc.

Điểm nữa, quyền im lặng cũng chỉ là khái niệm xã hội, chứ không được chính thức quy định trong Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966.

Quyền im lặng của con người nói chung và quyền im lặng của người phạm pháp là khác nhau. Việc nói đưa quyền im lặng vào luật mà giảm được bức cung, nhục hình là không chính xác, bởi oan, sai, bức cung, nhục hình do những yếu tố khác chứ không phải cứ im lặng là tránh được. Ngược lại, càng im lặng thì khả năng oan, sai càng lớn. Nói như đại biểu Quốc hội Võ Văn Đương thì chuyện bức cung, nhục hình hay không là do con người thực hiện. Là người giám sát rõ việc này và tham khảo kinh nghiệm nhiều nước, đại biểu Đương cho biết, quy định này “rất hay đấy nhưng không xài được ở Việt Nam”. Theo ông, cái quan trọng nhất là chất lượng điều tra, không được làm oan, không được để lọt tội phạm. Không ai biết rõ việc thực hiện tội phạm bằng chính người phạm tội, cùng với ai, tài sản cất ở đâu, chỉ đối tượng biết rõ nhất. Cái thứ 2 là trong thực tế có rất nhiều loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ như khủng bố, những tội phạm về ma túy, bị chính đồng bọn truy sát để thủ tiêu, có những người bị bắt nhầm, bắt oan… thì phải nói luôn có oan không để cơ quan điều tra xác minh. Ông chỉ rõ: Luật pháp rất rõ ràng, nếu như ta rước một tư tưởng không hợp thời vào, sẽ “đầu têu” cho tội phạm lộng hành. “Trong đấu tranh chống tội phạm phải dung hòa giữa Nhà nước và lợi ích công dân. Nếu anh quá chặt chẽ với cơ quan tố tụng thì sẽ bó tay chống tội phạm, nếu anh quá nới rộng thì dễ vi phạm quyền công dân. Cho nên phải dung hòa. Quá dễ dãi với người phạm tội là không được, vì đây là người phạm tội nên phải hạn chế những quyền nhất định của họ lại” – đại biểu chốt.

Chúng tôi xin lấy ý kiến ông Nguyễn Văn Dũng, Kiểm sát viên, Viện KSND TP Hà Nội để kết vấn đề này: Nhiều nước đã đưa quyền im lặng vào luật, nhưng khi đó nước họ đã xây dựng điều luật khác liên quan, như: được cho phép đặt cọc tiền và tài sản để thay thế biện pháp tạm giam; có luật sư tham gia từ đầu sau khi nghi can bị bắt… Nói chung khi đó đời sống người dân có đủ điều kiện để thực hiện các quyền đó. Ở nước mình hiện nay, khi các nghi can bị bắt thường không có luật sư riêng từ trước, hoặc được bảo lãnh, do đó quyền im lặng không dễ thực hiện

Đăng Minh
.
.
.