Giao lưu trực tuyến “Người là niềm tin tất thắng”

Thứ Ba, 18/05/2021, 09:17
Ngày 17/5, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với chủ đề“Người là niềm tin tất thắng”, hướng tới 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2021) và kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2021).


Phát biểu tại chương trình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, buổi giao lưu nhằm tuyên truyền về thân thế, cuộc đời, hoạt động cách mạng vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Người đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc Việt Nam với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; thể hiện lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân sâu sắc của nhân dân ta và tình cảm yêu mến, kính trọng của nhân dân các nước trên thế giới đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước.

Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: TTXVN

Theo Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Doãn Tiến, buổi giao lưu trực tuyến “Người là niềm tin tất thắng”có ý nghĩa quan trọng, nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng đối với việc ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là dịp cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp tục hăng say học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt là cổ vũ, khơi dậy ý chí lập thân, lập nghiệp của thế hệ trẻ hiện nay, qua đó phát huy lòng tự hào dân tộc, xây dựng khát vọng Việt Nam hùng cường...

Nói về những ảnh hưởng của quê hương và gia đình đối với tư tưởng của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo cho biết Bác sinh trưởng trong một miền quê là đất địa linh nhân kiệt, có truyền thống hào hùng trong lịch sử hàng nghìn năm, dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Đó cũng là một mảnh đất hết sức khắc nghiệt; khí hậu, thời tiết đã làm cho người dân nơi đây sống trong một điều kiện rất lam lũ, cực khổ. Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy đã làm nên cốt cách kiên cường của người dân xứ Nghệ, dũng cảm đấu tranh chống ngoại xâm, chống thiên tai, lũ lụt để khẳng định cuộc sống của mình.

"Bác Hồ của chúng ta học được từ những người dân của quê hương phẩm chất cao quý về lòng yêu nước, sự cần cù trong lao động và niềm tin lạc quan, chiến thắng dù gặp bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào", Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Chí Bảo khẳng định.

Đồng tình với ý kiến truyền thống quê hương và gia đình đã hình thành nên nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, bà Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng, có 3 yếu tố tác động rất rõ đến quá trình hình thành đạo đức, phong cách, nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là: truyền thống gia đình, truyền thống của quê hương và bối cảnh lịch sử. Bà Hường cho biết, ông ngoại của Bác Hồ là nhà Nho yêu nước, cụ thân sinh của Bác là Nguyễn Sinh Sắc cũng tham gia dạy học. Lúc bấy giờ, lớp học của cụ Nguyễn Sinh Sắc là nơi tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, mà Bác Hồ cũng là một trong số các học sinh. Ngoài chuyện dạy học, những nhà Nho yêu nước luôn đàm đạo, suy nghĩ nên làm thế nào để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong thời gian ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã phải trải qua rất nhiều công việc để mưu sinh. Thời gian ở nước ngoài từ năm 1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xác định mục tiêu rõ ràng là tìm con đường đấu tranh đúng đắn để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.

Để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, Nguyễn Tất Thành tự lao động, làm việc để sinh sống với nhiều nghề khác nhau: Phụ bếp trên tàu, làm dịch vụ ở khách sạn, quét tuyết, làm bánh ngọt (ở Anh), in, rửa ảnh, chụp ảnh, vẽ minh họa cho các báo, viết báo... Sự lựa chọn các công việc đó trước hết để có thu nhập và làm việc lớn; qua công việc để hiểu, đồng cảm với những người lao động cùng khổ ở khắp mọi nơi trên thế giới, và cũng để tự rèn luyện bản thân, nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường, tu dưỡng đạo đức và bản lĩnh của chiến sĩ cách mạng.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lý Việt Quang cho biết: Tên gọi Nguyễn Ái Quốc chính thức xuất hiện ngày 18-6-1919 khi Người thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước gửi đến Hội nghị các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất họp tại Véc-xây (Pháp) bản Yêu sách của nhân dân An Nam, gồm 8 điểm, đòi thực hiện các cải cách mang lại quyền tự do dân chủ ở Đông Dương và Việt Nam.

Hội những người Việt Nam yêu nước là một tổ chức của những người Việt Nam yêu nước ở Pháp, được thành lập ở Thủ đô Paris, thời gian ra đời còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, nhưng những nhân vật chủ chốt của Hội là Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Đình Khánh... Sau khi từ Anh sang Pháp (khoảng cuối năm 1917), Nguyễn Ái Quốc đã tham gia hoạt động tích cực trong cộng đồng người Việt Nam ở Paris và là một trong những người sáng lập, là Tổng thư ký của Hội.

Tại buổi giao lưu, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận một số nội dung cơ bản: Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Đỗ Bình
.
.
.