Giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương

Thứ Năm, 05/03/2020, 08:12
Chiều 4/3, chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, “đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải là điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”.


Theo quyết định mới ban hành tháng 2-2020 về phân công công tác của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Nguồn nào để thực hiện cải cách tiền lương là vấn đề được thảo luận nhiều tại phiên họp. Một số ý kiến cho rằng, gốc của vấn đề là phải tinh giản biên chế, cân đối được bài toán ngân sách hay đẩy mạnh tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nguyên tắc thiết kế thang bảng lương cần căn cứ mức độ phức tạp của vị trí việc làm. Có ý kiến nhấn mạnh, tiền lương phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động.

“Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và cho rằng, cải cách tiền lương là bài toán khó, liên quan đến nhiều đối tượng. Cải cách tiền lương thì phải cải cách thực sự, chứ không chỉ là việc bù trượt giá. Phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ gồm Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết 107 của Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Cải cách tiền lương phải tiến hành đồng bộ đối với các đối tượng. Bộ Nội vụ cần tiếp tục phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để hoàn thiện xây dựng thang bảng lương, một vấn đề vô cùng phức tạp. Mức lương mới phải được cải thiện so với mức lương cũ với tinh thần cải cách, công bằng, phải xét đến mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương khác nhau.

Về chế độ phụ cấp, nguyên tắc là phụ cấp ngành do Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực có hướng dẫn cụ thể theo khung do Chính phủ quy định, bảo đảm ưu đãi phù hợp với từng đối tượng. Nguồn để thực hiện cải cách tiền lương rất quan trọng, Thủ tướng cho biết, dành một phần từ phần vượt thu ngân sách của Trung ương và địa phương cho việc này. Bên cạnh đó, tiếp tục làm quyết liệt việc giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước, cải cách đơn vị sự nghiệp công lập. Cần có nghị định mới thay thế Nghị định 16 về cơ chế tự chủ của đơn vị nghiệp công lập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công. Ảnh: TTXVN.

“Giảm đầu mối, biên chế là cơ sở quan trọng để cải cách tiền lương”, Thủ tướng nêu rõ. Có phương án tính toán, điều chỉnh phù hợp đối với lương hưu từng thời kỳ, đặc biệt là đối với người về hưu trước năm 1995. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh chính sách ưu đãi đối với người có công rất quan trọng, là chính sách đặc biệt, thể hiện sự tri ân của đất nước, Đảng, Nhà nước, làm sao người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú. Năm 2020, tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội và từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương.

Thủ tướng đề nghị tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến về các phương án cải cách tiền lương, đánh giá kỹ tác động để có phương án tối ưu trong khả năng ngân sách. “Đã cải cách thì phải ra cải cách, chứ không phải chỉ điều chỉnh đôi chút, không có nhiều ý nghĩa”.

l Sáng cùng ngày, tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả mà Hà Tĩnh đạt được trong việc thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch tốt và phát triển kinh tế - xã hội. Theo Thủ tướng, đây là bài học kinh nghiệm cho nhiều địa phương, “chứ đừng nói tác động của dịch bệnh, chúng tôi không thể làm việc được”.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19, tỉnh quyết tâm không điều chỉnh mục tiêu phát triển nào trong năm 2020.

Năm nay, Hà Tĩnh, một tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, phấn đấu tăng trưởng ở mức 2 con số (10,5-11%). Trong 10 năm tới, Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, đặt mục tiêu vào TOP 20 tỉnh hàng đầu cả nước về thu nhập bình quân đầu người. Tỉnh xác định “Bốn trụ cột - Ba đô thị - Ba hành lang - Một trung tâm - Ba nền tảng” làm trọng điểm phát triển chiến lược giai đoạn 2021- 2030.

Cụ thể, 4 trụ cột của Hà Tĩnh là công nghiệp (là động lực phát triển, tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy thép lên 15 triệu tấn/năm); du lịch và thương mại; dịch vụ cảng, dịch vụ hậu cần (logistics) và vận tải (lĩnh vực mới có triển vọng lâu dài, cần được đầu tư kịp thời) và nông nghiệp.

Ba đô thị động lực theo trục Bắc Nam bao gồm: Thị xã Hồng Lĩnh kết nối với huyện Nghi Xuân - đô thị phía Bắc Hà Tĩnh; TP Hà Tĩnh; thị xã Kỳ Anh gắn với trung tâm phát triển Khu kinh tế Vũng Áng là vùng đô thị động lực phía Nam.

Một trung tâm động lực tăng trưởng là Khu kinh tế Vũng Áng với lõi là Khu công nghiệp Vũng Áng - cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, trở thành cửa ngõ ra biển vùng Bắc Trung Bộ và Lào, Đông Bắc Thái Lan.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mảnh đất giàu truyền thống cách mạng đã quyết tâm vượt khó, vượt thách thức vươn lên mạnh mẽ. Sau sự cố Formosa năm 2016 đến nay, Hà Tĩnh có sự phát triển toàn diện, nhiều ấn tượng. Năm 2019, tăng trưởng kinh tế cao thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, cao nhất Bắc Trung Bộ.

Đánh giá cao phương hướng nhiệm vụ của Hà Tĩnh thời gian tới, Thủ tướng đặt ra một số vấn đề: Hà Tĩnh trong cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số như thế nào; Hà Tĩnh tận dụng các FTA như thế nào, người dân và doanh nghiệp có hiểu được lợi ích của các hiệp định này chưa, từ đó, tìm ra một lợi thế cho Hà Tĩnh.

“Các đồng chí cần tiếp tục xây dựng Hà Tĩnh thành một tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững về kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh đến năm 2030…”, Thủ tướng nêu rõ: “Chúng tôi rất mong GRDP bình quân đầu người của Hà Tĩnh nằm trong 20 tỉnh hàng đầu của cả nước” và Thủ tướng tin rằng, Hà Tĩnh có thể đạt được mục tiêu này.

Để thực hiện mục tiêu ấy, Hà Tĩnh phải có khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Ngay trong năm 2020, cần thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Việc đảm bảo cân đối được 50% chi ngân sách là cố gắng lớn của Hà Tĩnh, “lúc trước Hà Tĩnh nghèo lắm, mỗi khi tôi đi qua thị xã Hà Tĩnh thì chỉ có mỗi nhà khách. Bây giờ các đồng chí vươn lên thành thành phố, có khách sạn 5 sao, có khu công nghiệp lớn. Ai đi qua mảnh đất này đều thấy rất đáng mừng”, Thủ tướng chia sẻ.

Về các kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng cơ bản ủng hộ với tinh thần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển.

Đức Tuân
.
.
.