Giảm chi phí “gầm bàn” để xuất khẩu ổn định

Thứ Ba, 24/04/2018, 09:08
Sáng 23-4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị tìm giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới. 

Một trong những vấn đề được Thủ tướng nhắc đến là chi phí "gầm bàn"- chi phí không chính thức còn lớn khiến cho xuất khẩu khó cạnh tranh.

Những con số ấn tượng

Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu: lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. 

Trong năm 2017, Việt Nam có thêm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nâng số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD lên 29 mặt hàng; số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD là 20 và có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD. 

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực chính trong tăng trưởng xuất khẩu, nhiều mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng ấn tượng như điện thoại các loại và linh kiện (45,27 tỷ USD, tăng 31,9%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (25,9 tỷ USD, tăng 36,8).

Nhóm hàng nông, thủy sản cũng có sự tăng trưởng tốt, đóng góp 8 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, nhiều mặt hàng có tăng trưởng cao như thủy sản đạt 8,32 tỷ USD, tăng 18%; rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 42,5%, hạt điều đạt 3,52 tỷ USD, tăng 23,8%...

Công tác phát triển thị trường xuất khẩu đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

Cả năm 2017, có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó 7 thị trường đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD, 4 thị trường trên 10 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng triệu lao động. 

Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy những dấu hiệu tích cực, bền vững hơn trong hoạt động xuất khẩu như cơ cấu hàng hóa xuất khẩu đã chuyển dịch thành công.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tỷ trọng của nhóm hàng điện tử vẫn rất lớn (chiếm tới 33% tổng kim ngạch xuất khẩu). Xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm trên 70% xuất khẩu. 

Một hạn chế khác là tình trạng một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường chính. Có mặt hàng phụ thuộc vào 1 thị trường duy nhất nên chịu rủi ro rất lớn nếu những thị trường chiếm đa số này có biến động…

Nhiều khó khăn phải đối mặt

Giữ vai trò chủ trì hội nghị, đánh giá về tầm quan trọng của hoạt động xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh không có nước nào trên thế giới công nghiệp hoá thành công mà không qua xuất khẩu. 

Những quốc gia, những doanh nghiệp thành công đều coi toàn thế giới là thị trường, từ đó tìm cách nâng cao năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Đó cũng phải là hướng đi của Việt Nam để công nghiệp hóa thành công, nâng cao thu nhập, tạo thặng dư và giữ đà tăng trưởng bền vững. 

“Chiếm lĩnh được thị trường cũng là con đường để nền kinh tế Việt Nam chúng ta cất cánh”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại, bất cập cần tháo gỡ, nếu không sẽ khó có thể hoàn thành nhiệm vụ, bởi vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện rất lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 190% GDP, nên động tĩnh về xuất nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. 

Trong khi đó, khó khăn thương mại toàn cầu luôn hiện hữu do căng thẳng ở nhiều quốc gia và nhiều khu vực, trong đó có nguy cơ cuộc chiến thương mại có thể xảy ra; cùng với đó, xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy; hay việc các nước nâng tiêu chuẩn với nông sản, thực phẩm kể cả quy định về truy xuất nguồn gốc, dư lượng kháng sinh... ngày càng khắt khe hơn. 

Thủ tướng nêu rõ, nếu không quản lý tốt chất lượng đầu vào để có một nền nông nghiệp sạch thì khó bền vững xuất khẩu. Trong khi đó, một bộ phận người dân và một số doanh nghiệp sản xuất chưa gắn với thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, một số sản phẩm trước tốt sau xấu, thậm chí có một số sản phẩm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam. 

Bởi vậy, Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị không bàn thành tích, thắng lợi mà phải nhìn những điểm hạn chế, cần tháo gỡ.

Cảnh báo tình hình quốc tế có những thay đổi lớn, cạnh tranh hơn, bảo hộ thương mại gia tăng, công nghệ thay đổi nhanh, Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ hơn về xuất nhập khẩu thì mới có thể đưa đất nước bứt phá đi lên. 

Thủ tướng cho rằng, cần chủ động và độc lập tự chủ trong hội nhập quốc tế, củng cố quan hệ hợp tác với các nước để phát triển thị trường bền vững. Phát huy mọi tiềm năng, khai thác lợi thế so sánh của Việt Nam để tăng nhanh xuất khẩu, cả số lượng, chất lượng và giá trị gia tăng hàng hóa với mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng từ 15-20%. 

Cùng với đó, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tham gia ngày càng sâu vào mạng lưới xuất khẩu và chuỗi giá trị toàn cầu… Về thủ tục liên quan đến xuất khẩu, Thủ tướng cho rằng, dù có tiến bộ nhưng toàn bộ hệ thống vẫn chưa phục vụ tốt cho xuất khẩu, vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, chưa cải cách hành chính, chưa được cải tiến mạnh mẽ cũng làm ảnh hưởng đến tiến bộ này. 

Thủ tướng yêu cầu phải phát hiện và loại bỏ những điểm nghẽn chính trong xuất khẩu, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến chính sách thuế, phí, lệ phí, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, các vấn đề liên quan đến chi phí sản xuất kinh doanh; xây dựng hệ thống logistics hậu cần hiện đại, thông suốt và phí rẻ hơn;  tìm kiếm, mở rộng và chinh phục thị trường một cách bài bản, hiệu quả hơn. 

“Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng nhấn chìm tàu lớn” - Thủ tướng nhắc nhở và cho rằng chi phí cao thì không thể cạnh tranh, do đó, việc giảm chi phí ở mọi khâu rất quan trọng như chi phí logistics, chi phí vốn, thủ tục, chi phí tiền lương, trong đó, chi phí không chính thức hay chi phí “gầm bàn”…

Xuất khẩu Việt Nam vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về các dự án BOT giao thông đường bộ.

Đánh giá cao con số giảm 20% tổng mức đầu tư được duyệt đối với các dự án BOT sau khi thanh tra, kiểm toán, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần công khai, minh bạch trong triển khai dự án BOT. 

Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 82 của Thủ tướng về bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm BOT, trong đó xử lý nghiêm những đối tượng hành vi kích động, gây rối, cố tình phá hoại, gây mất trật tự xã hội, gây ùn tắc giao thông. Cần làm tốt công tác truyền thông để người dân thấu hiểu và ủng hộ việc thực hiện chủ trương xã hội hóa này.

Tại cuộc họp, Thủ tướng nhất trí với lộ trình chuyển sang thu phí tự động không dừng như báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong đó, khuyến khích các trạm BOT nhanh chóng chuyển sang loại hình này. Bộ Giao thông Vận tải sớm công bố lộ trình cho người dân, doanh nghiệp biết, giám sát.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đấu thầu công khai để chọn đơn vị cung cấp công nghệ; công khai, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình lưu thông; bảo mật thông tin của người sử dụng phương tiện. Về mức thu tại các trạm không dừng, Bộ Giao thông Vận tải làm việc cụ thể với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng để công bố mức phí hợp lý, phù hợp với tình hình hiện nay.                   

5 câu hỏi lớn của Thủ tướng về xuất khẩu

Tại hội nghị, Thủ tướng đã đặt 5 câu hỏi: 

Thứ nhất là làm sao tăng được giá trị gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê… không chỉ có chế biến thô. 

Thứ hai, có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu? Nếu “hôm nay, các đồng chí không phát biểu được hết hay nhiều khi ở hội nghị các đồng chí tế nhị thì viết thư gửi Bộ trưởng, gửi Thủ tướng để đưa sáng kiến tháo gỡ”, Thủ tướng gợi ý. 

Thứ ba là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì?... 

Thứ tư là tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào, những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước? 

Thứ 5, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay, ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba? Đề xuất những chiến lược tổng quan của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu?

Lệ Thúy - P.V.
.
.
.